|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chờ điểm đảo chiều vốn ngoại sau nhịp rút ròng kỷ lục

13:35 | 21/10/2024
Chia sẻ
Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 64.450 tỷ đồng trên HOSE. Trong khi đó, NĐT cá nhân là bên mua ròng đối ứng cân lại áp lực bán ra của khối ngoại.

Khối ngoại bán ròng gần 64.450 tỷ đồng từ đầu năm, VHM là tâm điểm

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng 158,49 điểm, tương đương mức hồi phục 14% lên 1.288,39 điểm. Bất chấp nỗ lực tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện khi áp lực bán ròng duy trì ở hầu hết các tháng, tập trung trong tháng 3, 5 và 6 với quy mô trên 10.000 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 65.450 tỷ đồng trên HOSE, con số này đã vượt qua kỷ lục bán ròng 58.000 tỷ đồng của khối này năm 2021.

Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với quy mô gần 15.257 tỷ đồng. Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND và FPT với giá trị lần lượt là 6.974 tỷ và 4.936 tỷ đồng. Danh mục rút ròng hàng nghìn tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có những cái tên như VRE (4.904 tỷ đồng), VPB (4.703 tỷ đồng), HPG (3.875 tỷ đồng), MSN (3.469 tỷ đồng), VIC (3.441 tỷ đồng), VNM (2.814 tỷ đồng) và VIB (2.716 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 1.529 tỷ đồng.

Đứng thứ hai trong Top mua ròng là NLG với quy mô 1.113 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân của NĐT nước ngoài cũng trải dài ở các mã như SBT (931 tỷ đồng), HVN (750 tỷ đồng), DBC (647 tỷ đồng), PNJ (470 tỷ đồng). Một số cổ phiếu tài chính – ngân hàng cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại là MSB (689 tỷ đồng), HCM (590 tỷ đồng), STB (532 tỷ đồng) và MBB (521 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

NĐT cá nhân giải ngân hơn 64.000 tỷ đồng cân lực bán ra từ khối ngoại

Giao dịch trái chiều với khối ngoại, NĐT cá nhân mua ròng hơn 64.157 tỷ đồng từ đầu năm, trong đó họ mua ròng hơn 58.900 tỷ đồng.

VHM dẫn đầu chiều mua ròng của cá nhân trong nước với giá trị 15.397 tỷ đồng, quy mô này bỏ xa các mã còn lại trong top mua ròng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu FPT từ khối ngoại và tổ chức nội. Hai cổ phiếu “họ nhà Vin” là VRE và VIC cũng hút ròng 5.361 tỷ và 3.441 tỷ đồng.

Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện như FPT (9.618 tỷ đồng), SSB (4.850 tỷ đồng), HPG (4.850 tỷ đồng), VND (2.942 tỷ đồng), MSB (2.820 tỷ đồng), MSN (2.409 tỷ đồng) và VJC (2.131 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã SSI với 1.359 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long.

Bên cạnh đó, họ rút ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như MWG (968 tỷ đồng), VSC (956 tỷ đồng), HCM (837 tỷ đồng), SBT (789 tỷ đồng), KDH (768 tỷ đồng), HVN (700 tỷ đồng), PNJ (664 tỷ đồng) và EIB (504 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tự doanh CTCK tập trung mua ròng chứng chỉ quỹ

Đứng đầu danh sách mua ròng của khối dự doanh là chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 8.088 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ FUESSVFL và E1VFVN30 cũng được mua ròng lần lượt 1.954 tỷ đồng và 1.827 tỷ đồng.

Song song đó, VPB đứng ở vị trí thứ 4 về giá trị mua ròng với 900 tỷ đồng. Các cổ phiếu cũng được mua ròng mạnh có PC1 (520 tỷ đồng), VNM (466 tỷ đồng), TDM (460 tỷ đồng), VIB (395 tỷ đồng), HPG (386 tỷ đồng) và KBC (385 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất với 1.406 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEKIV30 của quỹ ETF KIM Growth VN30 cũng bị rút ròng với quy mô gần 1.000 tỷ đồng. Danh sách bán ròng của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng trải dài ở nhiều mã như PNJ (886 tỷ đồng), GMD (834 tỷ đồng), MWG (753 tỷ đồng), NVL (573 tỷ đồng), STB (632 tỷ đồng), MBB (629 tỷ đồng), ACB (627 tỷ đồng) và KDH (448 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.  

Trong bối cảnh dòng tiền ngoại vẫn đang tạo áp lực rút ròng kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một câu hỏi được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm đó là định điểm dòng tiền quay trở lại. Một khía cạnh khác là đâu sẽ là yếu tố kích thích dòng tiền nghịch đảo xu hướng lớn? Những câu hỏi trên sẽ được các chuyên gia giải đáp tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 được tổ chức ngày 8/11 tới đây tại TP HCM.

Thu Thảo