Nhìn lại những nhóm cổ phiếu giúp NĐT đánh bại thị trường chung được chuyên gia khuyến nghị tại VIF2024
Đa phần nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia (hay còn gọi là F0) thường tìm kiếm lời khuyên ở nhiều nơi: mạng xã hội, room thảo luận về chứng khoán, bạn bè, người quen... Tuy nhiên, tại đây, mọi người có thể được tự do phát ngôn nên rất khó để kiểm chứng về mức độ chính xác, uy tín của lời khuyên, và quan trọng nhất là hiệu quả thực tế.
Do đó, việc tìm lời khuyên từ các chuyên gia về đầu tư chứng khoán là rất cần thiết. Xác định cổ phiếu hay nhóm ngành tiềm năng để giải ngân sẽ giúp NĐT tránh rủi ro mua phải cổ phiếu giảm giá, dẫn đến lỗ hoặc bị chôn vốn ở những cổ phiếu yếu hơn thị trường. Đồng thời, đây là “chìa khóa” mở ra những món lợi nhuận hấp dẫn.
Hiện nay, VN-Index thường được lấy làm “thước đo” đơn giản cho hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư chứng khoán. Hiểu một cách đơn giản, khi cổ phiếu hay danh mục có hiệu suất cao hơn mức tăng của chỉ số (trong một khoảng thời gian) thì được xem là “đánh bại” thị trường, và ngược lại.
Đối với thị trường Việt Nam, VN-Index đã tăng 14% trong 9 tháng đầu năm 2024. Vậy đâu là những nhóm ngành chuyên gia đã nêu ý tưởng để giúp nhà đầu tư “chiến thắng”?
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024), hàng trăm nhà đầu tư đã trực tiếp bình chọn ra top 3 cổ phiếu đáng chú ý năm 2024, gồm BID, HPG, MWG. Cùng với đó, nhiều nhóm ngành đều đã được các chuyên gia chứng khoán đưa ra phân tích, khuyến nghị chi tiết tại diễn đàn.
Điều này giúp NĐT có góc nhìn tổng quan về xu hướng đầu tư và xây dựng chiến lược thích hợp cho cả năm. Đây là đặc quyền dành riêng cho NĐT mua vé tham dự trực tiếp.
Cổ phiếu công nghệ tăng trưởng vượt bậc
Theo một báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thống kê hiệu suất của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường 9 tháng đầu năm cho thấy ngành công nghệ dẫn đầu với hiệu suất 55%.
Ông lớn FPT dẫn dắt nhóm công nghệ với mức tăng 62% sau 9 tháng. Theo góc độ đầu tư, điều này có thể hiểu nếu mua FPT, NĐT đã đạt lợi suất hơn 60%. Bên cạnh đó, nếu giải ngân vào các cổ phiếu công nghệ khác như ELC, CMG, FOC cũng cho sinh lợi hai chữ số (song đều thấp hơn so với FPT).
Mức hiệu suất này rõ ràng hấp dẫn khi vượt VN-Index (14%), cũng như bỏ xa các kênh đầu tư truyền thống khác như vàng, bất động sản, hay lãi suất gửi tiết kiệm (xét trong cùng giai đoạn).
Cổ phiếu công nghệ chính là một trong những “chìa khóa” được chuyên gia tại Vietnam Investment Forum 2024 khuyến nghị NĐT đặc biệt quan tâm. Theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, nhà điều hành VinaCapital-VESAF, khi khảo sát doanh nghiệp, VinaCapital nhìn thấy sự phân hóa khá rõ ràng về lợi nhuận của doanh nghiệp và đây là xu hướng của 2024.
“Trong đó có những công ty lấy thị phần rất tốt dù ngành của họ có sự sụt giảm rất lớn ở trong nước lẫn quốc tế, ví dụ như FPT (công nghệ), PNJ (bán lẻ), Gemadept (cảng biển), Kinh Bắc (bất động sản khu công nghiệp).
Trong 2024, VinaCapital nhận thấy các công ty có thể tạo lợi nhuận tốt là doanh nghiệp công nghệ và hưởng lợi từ đầu tư công. Năm 2023, chi phí giải phóng mặt bằng cho đầu tư công cao và tác động tới doanh nghiệp sẽ nhìn thấy rõ ràng ở năm 2024”, chuyên gia của VinaCapital chia sẻ tại Vietnam Investment Forum 2024.
Ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc Đầu tư VCBF, nhấn mạnh công nghệ là một trong 4 xu hướng đầu tư đáng chú ý năm 2024.
“Thứ nhất là gia tăng quy mô sản xuất vào Việt Nam, do vốn FDI vào Việt Nam rất nhiều. Thứ hai là gia tăng đầu tư công khi Chính phủ đẩy mạnh. Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin. Xu hướng thứ tư là gia tăng tiêu dùng của người Việt Nam.
Ông Nguyễn Triệu Vinh dự báo năm 2024, xu hướng đầu tư và gia tăng tiêu dùng sẽ hồi phục trở lại. Đối với VCBF, quỹ yêu thích các công ty có thể duy trì đà tăng trưởng doanh thu lợi nhuận ngay cả trong điều kiện kinh tế gặp nhiều thách thức như một số công ty trong ngành công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích và dược phẩm.
Một số cổ phiếu ngân hàng cũng có định giá hấp dẫn đặc biệt là khi rủi ro suy giảm chất lượng tài sản đã giảm khi kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực hơn và khi lãi suất giảm.
Cổ phiếu bán lẻ, ngân hàng đánh bại thị trường
Ngay sau công nghệ, hai "chìa khóa" lợi nhuận tiếp theo chính là cổ phiếu bán lẻ - hàng tiêu dùng (27-28%) và ngân hàng (22%). Các đại diện có hiệu suất ấn tượng nhất kể đến MWG (60%), MCH (153%) hay LPB (103%), MBB (41%). Trong khi đó, BID - cổ phiếu do nhà đầu tư bình chọn tại diễn đàn đạt hiệu suất 15%.
Các chuyên gia đồng thuận nhấn mạnh ngành bán lẻ sẽ hồi phục kết quả kinh doanh đáng kể trong năm 2024, là điểm tựa vững chắc cho cổ phiếu. Đối với ngân hàng là dự phóng tăng trưởng ổn định, định giá còn rẻ.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, từng khuyến nghị NĐT có thể lựa chọn ngành đã rất yếu vào năm 2023, và năm 2024 dựa trên khả năng sẽ vượt qua khó khăn này. Trong đó sẽ có những ngành bám theo các chủ đề như xuất khẩu, đầu tư công, khu công nghiệp, FDI... cũng như các ngành mà năm 2023 bị ảnh hưởng rất mạnh, trong đó có hai ngành nổi bật là vật liệu cơ bản và bán lẻ.
Thép dự kiến là ngành có thể phục hồi mạnh trong năm 2024. Tuy nhiên, NĐT cần cân nhắc về định giá, khi lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngành thép đã qua đáy và tăng trở lại.
Với riêng MWG của ngành bán lẻ, chuyên gia của SSI cho rằng sau giai đoạn cổ phiếu này rớt giá mạnh (năm 2023) đã tạo ra rất nhiều nghi ngờ cho giới đầu tư.
“Điều cần nhấn mạnh là giai đoạn cuối năm 2023 tiêu dùng nội địa rất yếu, ảnh hưởng rõ rệt đến doanh thu, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bán lẻ. Nhóm ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại vào năm 2024, được hỗ trợ trước hết bởi yếu tố tiêu dùng”, bà Hoàng Việt Phương nhận định tại Vietnam Investment Forum 2024.
Ở góc độ định giá, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích VDSC, cho biết theo phương pháp cơ bản, xét lợi nhuận dự phóng 4 quý, xu hướng tạo đáy đã bắt đầu từ quý I/2023, đến quý III/2023 mức độ giảm vẫn còn, song đã thấp.
Hầu hết các ngành nghề dự kiến đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong quý IV/2023 và 2024. Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 theo chọn mẫu của VDSC là 26%.
"Trong đó, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan kể đến như bán lẻ, nguyên vật liệu (bao gồm thép), bất động sản (có chọn lọc), ngân hàng...", bà Lam đưa nhận định.
Như vậy, đa phần các nhóm ngành chính được chuyên gia khuyến nghị tại VIF2024 đều đã đem về hiệu suất đánh bại thị trường (trong 9 tháng đầu năm). Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu (tạm thời) có hiệu suất thấp hơn VN-Index đó là tiện tích (10%), năng lượng (4%), xây dựng và vật liệu (4%), bất động sản (1%)...
Trong năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn điểm nghẽn cần tiếp tục được tháo gỡ, cần thêm trợ lực từ cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển. Điều này tác động đến tốc độ hồi phục của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng (bao gồm thép), qua đó phần nào phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, qua tháng 10, một số tín hiệu khởi sắc cũng đã được ghi nhận tại cổ phiếu các đại diện ngành như VHM (bất động sản), HPG (thép)...
Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều biến số từ cả trong và ngoài nước, do đó việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư cũng được nhiều chuyên gia đánh giá trở nên khó khăn hơn. Để nhà đầu tư tìm kiếm được những ý tưởng đầu tư cho năm tới, Diễn Đàn Đầu tư Việt Nam 2025 với chủ đề "Khơi thông và Bứt phá" sẽ được tổ chức vào ngày 8/11 tới đây tại TP HCM.