Tăng trưởng kinh tế 2024: Đằng sau những con số tích cực
Hai phần ba chặng đường năm 2024 đã đi qua, những tín hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế phục hồi tốt. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm tăng 6,8% riêng quý III tăng tới 7,4%, công nghiệp và xây dựng tăng tới 9,1% dẫn dắt đà tăng trưởng, xuất nhập khẩu phục hồi, xuất siêu gần 21 tỷ USD, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát.
Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế đang hồi phục bất chấp những biến động về kinh tế và địa chính trị trên thế giới. Những kết quả tích cực này liệu có thực sự được thẩm thấu và cảm nhận rõ rệt bởi doanh nghiệp và người dân hay không lại là vấn đề cần bàn luận.
Ngay cả với những con số tích cực trên, những thách thức cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững vẫn còn rất lớn.
FDI vẫn dẫn dắt nền kinh tế
Động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế là doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi. Bình quân một tháng vẫn có 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gần tương đương với số doanh nghiệp thành lập mới trong một tháng.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng đầu năm tăng 21,5% so với cũng kỳ năm trước (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 14,7%, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 33,4% và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 18,9%).
Số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn quý trước giảm 2,4% và khó khăn hơn tăng 1,7%. Xu hướng sản xuất kinh doanh khó khăn còn phản ánh vào thị trường lao động. Bất chấp số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số lao động giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi chậm của doanh nghiệp và thị trường lao động đã khiến sự phục hồi nhu cầu trong nước chậm.
Thứ hai, khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế. Tính chung 9 tháng năm 2024, trong tổng số 299 tỷ USD của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, thì hơn 72% là của khối FDI, và khu vực trong nước chỉ chiếm 28%. Cán cân thương mại cũng xuất hiện sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước.
Trong khi khu vực FDI xuất siêu 38 tỷ USD, thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,4 tỷ USD. Điều này không những chỉ là hiện tượng trong giai đoạn hiện nay, mà còn phản ảnh sự mất cân đối về cơ cấu của nền kinh tế đã tồn tại trong nhiều năm.
Thứ ba, một trong các rủi ro hiện hữu đe dọa đến ổn định kinh tế vĩ mô là nợ xấu ngân hàng. Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tiếp tục tăng mạnh so với quý I/2024 và cuối năm 2023. Số dư nợ xấu của các ngân hàng đã tăng thêm 20,8% trong quý II/2024 và có xu hướng gia tăng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 5%, đáng kể so với mức 2% năm 2022. Sức ép đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp, mà phần lớn là của bất động sản sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế từ nay đến cuối năm.
Cuối cùng, cán cân thanh toán tổng thể của quý II thâm hụt gần 6,07 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần so với mức thâm hụt của quý I/2024. Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá trong những tháng cuối năm.
Có thể thấy, đằng sau những con số tích cực, còn rất nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Nhìn rộng ra, cho dù mục tiêu tăng trưởng 7% hoặc hơn có thể đạt được trong năm 2024, nhưng nền tảng của sự phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn chưa thực sự bền vững.
Nền kinh tế đã thực sự mở?
Sẽ chưa hẳn đúng nếu chỉ dựa vào tỷ lệ xuất khẩu trên GDP là 200% để cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Trên thực tế, ngoài thị trường xuất nhập khẩu, các thị trường thành tố còn lại của Việt Nam vẫn chưa thực sự mở cửa và phát triển hiệu quả.
Về thị trường lao động, dù lao động vốn là thế mạnh của kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của thị trường lao động giá rẻ, chưa nói đến lao động có kỹ năng cao. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4% cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Ngoài ra, trong tổng số 52 triệu lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên, có 37,6 triệu chưa qua đào tạo và phần lớn lao động là trong khu vực phi chính thức. Điều này đã dẫn đến năng xuất lao động luôn thấp, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.
Về thị trường tài chính, nền kinh tế vẫn dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng là chính với tỷ lệ tín dụng ngân hàng khoảng 140% GDP, ở mức cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chính là thị trường vốn chưa phát triển.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển nhanh trong vài năm, nhưng sau đó đã gần như đóng băng sau năm 2022. Thị trường cổ phiếu vẫn chưa được nâng hạng. Các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong nhiều ngành nghề vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, quy trình đăng ký tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn kéo dài và phức tạp.
Về thị trường đất đai (quyền sử dụng đất), nhà đầu tư nước ngoài chưa được tham gia sâu trong thị trường đất đai. Với ba đạo luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và nhà ở vừa được thông qua, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ được mở ra nhiều hơn.
Về thị trường công nghệ, Việt Nam chưa thực sự có một thị trường công nghệ theo đúng nghĩa của nó. Chất lượng lao động hạn chế, thiếu vốn đầu tư, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu đang gia tăng, thiếu đầu tư cho nghiên cứu phát triển là những rào cản cho sự phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân khiến các thị trường thành tố nói trên của Việt Nam chưa thực sự phát triển là khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển. Sau nhiều năm đổi mới, phần lớn hệ sinh thái doanh nghiệp của Việt Nam là kinh tế hộ gia đình và các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm trên 95% trong tổng số doanh nghiệp.
Việt Nam chưa có đủ doanh nghiệp vừa và lớn làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế và vẫn để khu vực FDI lấn lướt. Do vậy, mức độ tham gia hội nhập và mở của Việt Nam còn bị hạn chế rất nhiều.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, mức độ ô nhiễm ở mọi lĩnh vực ngày càng trầm trọng, tốc độc già hóa dân số nhanh chóng, quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát hiệu quả, và biến đổi khí hậu đã và sẽ tiếp tục là những thách thức lớn với Việt Nam trong những năm tới.
Chính vì vậy, bên cạnh việc mở rộng không gian tăng trưởng, Việt Nam cần ưu tiên trong kế hoạch 5 năm sắp tới là củng cố các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là các thị trường lao động, đất đai, tài chính, và khoa học công nghệ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ là lực lượng chính để thúc đẩy quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường và hỗ trợ tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường – Tư vấn quốc tế, Vụ Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc