|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thép trong năm 2025

12:26 | 21/10/2024
Chia sẻ
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc hiện đang xuất khẩu với khối lượng gần đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Theo nhận định của các chuyên gia, dự kiến, các công ty thép Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2025 để giải quyết tình trạng thừa công suất và nhu cầu nội địa yếu.

 

Theo Reuters, do tiêu thụ trong nước bị kìm hãm bởi sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đang trên đà xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2016. Trong ba quý đầu năm, xuất khẩu đã tăng 21,2%, đạt 80,71 triệu tấn, theo dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Hai (21/10).

Trung Quốc đã đạt kỷ lục xuất khẩu 112,4 triệu tấn thép vào năm 2015, và khối lượng xuất khẩu năm 2016 chỉ thấp hơn một chút so với mức này. 

Đối với năm 2025, theo dự báo của năm chuyên gia, Trung Quốc có khả năng xuất khẩu khoảng 90 triệu đến 100 triệu tấn, với lý do nhu cầu toàn cầu gia tăng nhờ chu kỳ nới lỏng tiền tệ và tính cạnh tranh về giá của thép Trung Quốc.

Nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc Baoshan Iron & Steel Co., một đơn vị thuộc Tập đoàn Thép Trung Quốc Baowu, đã xuất khẩu kỷ lục 5,84 triệu tấn sản phẩm thép trong năm 2023, tăng 46,6% so với năm trước đó. 

Cuối tháng 8, công ty này cho biết họ đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 6 triệu tấn trong năm nay và hơn 10 triệu tấn mỗi năm vào năm 2028. Tuy nhiên, họ không đưa ra dự báo cụ thể cho năm 2025.

Lãnh đạo của hai nhà sản xuất thép hàng đầu khác ở Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch tăng xuất khẩu vào năm 2025, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Một nhà phân tích cho biết 7 nhà máy thép khác cũng có kế hoạch tương tự. 

“Chi phí sản xuất thép Trung Quốc thấp đi kèm với nhu cầu ngày càng tăng từ Đông Nam Á, khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) cũng như Ấn Độ, xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ có triển vọng tăng cao vào năm 2025 và xa hơn," ông Lawrence Zhang, cố vấn chính về thị trường thép và nguyên liệu thô tại Wood Mackenzie, nhận định.

Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel Association) hôm thứ Hai (21/10) dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ phục hồi 1,2%, đạt 1,77 tỷ tấn vào năm 2025, sau ba năm suy giảm liên tiếp.

Căng thẳng về thuế quan

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu dấy lên làn sóng phản ứng của nhiều quốc gia trên thế giới. Một số nước, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Họ cho rằng làn sóng thép giá rẻ từ Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.

Trong năm nay, có 28 vụ kiện thương mại nhắm vào các sản phẩm thép của Trung Quốc, so với chỉ 8 vụ trong ba năm trước, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Các biện pháp Phòng vệ Thương mại Trung Quốc.

Xu hướng khiếu nại này "sẽ tiếp tục và gia tăng vào năm 2025," ông Zhang, chuyên gia của Wood Mackenzie nhận định.

Khi được hỏi về căng thẳng thương mại trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của hải quan Trung Quốc cho biết phần lớn sản phẩm thép phục vụ nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, người phát ngôn này cho biết với sự đổi mới và nâng cấp ngành công nghiệp, sản phẩm thép của Trung Quốc có sức hút lớn ở các thị trường nước ngoài.

Lượng thép xuất khẩu lớn của Trung Quốc xuất hiện bất chấp sản lượng giảm. Theo đó, sản lượng thép trong ba quý đầu năm nay đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự yếu kém của nhu cầu nội địa.

Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu của Trung Quốc sẽ giảm 3% trong năm nay và 1% vào năm 2025. Lượng lớn thép dư thừa còn lại sẽ tìm đến các thị trường xuất khẩu. 

Mặc dù các nhà sản xuất thép Trung Quốc và các nhóm thương mại đã cảnh báo rằng căng thẳng thương mại và việc tăng giá trị đồng tiền có thể cản trở xuất khẩu vào năm 2025, các chuyên gia và nhà giao dịch vẫn kỳ vọng giá xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giữ được tính cạnh tranh.

Các nhà phân tích cho rằng căng thẳng thương mại liên quan đến thép Trung Quốc đang được giảm bớt nhờ sự phân tán của các thị trường xuất khẩu. Theo dữ liệu hải quan, các thị trường xuất khẩu chính của thép Trung Quốc là Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu thép trị giá 85 tỷ USD, trong đó chưa đến 1% được xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 4, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tăng mạnh thuế quan đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc, và chính quyền của ông cũng tuyên bố cần có hành động để bảo vệ ngành công nghiệp xe điện và năng lượng mặt trời của Mỹ.

Ông Tomas Gutierrez, trưởng bộ phận dữ liệu tại công ty tư vấn Kallanish Commodities, cho biết vụ kiện thương mại duy nhất có thể làm gián đoạn đà xuất khẩu của Trung Quốc là cuộc điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng được Việt Nam khởi xướng vào tháng 7.

"Vụ việc này có thể gây ra sự xáo trộn lớn. Tuy nhiên, cuối cùng thì Trung Quốc vẫn xuất khẩu để giải quyết tình trạng thừa sản lượng trong nước," ông nói.

“Bằng một cách nào đó, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tìm được mức giá phù hợp để tiếp tục xuất khẩu," ông nói thêm.

Ngoài ra, rủi ro chính đối với xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể là việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với hành vi trốn thuế giá trị gia tăng. 4 nhà phân tích ước tính rằng các chuyến hàng xuất khẩu không nộp thuế chiếm khoảng một phần ba tổng lượng xuất khẩu 90,26 triệu tấn của năm ngoái.

Tuần trước, ông Luo Tiejun, phó chủ tịch Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, một tổ chức do nhà nước hỗ trợ, cho biết trên mạng xã hội của hiệp hội rằng các cơ quan chức năng đã thành lập một đội điều tra các trường hợp xuất khẩu thép "bất hợp pháp."

H.Mĩ

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.