|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thêm hai quốc gia điều tra chống bán phá giá thép dây và thép cán nóng của Việt Nam

10:17 | 17/10/2024
Chia sẻ
Maylaysia khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép dây từ Việt Nam, trong khi Australia điều tra thép cán nóng.

 

Malaysia điều tra chống bán phá giá thép dây Việt Nam

Ngày 10/10, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã ra thông báo chính thức về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép dây (steel wire rods) nhập khẩu từ ba quốc gia bao gồm Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Động thái này được thực hiện dựa trên đơn khiếu nại từ ngành sản xuất nội địa Malaysia, mà đại diện là Công ty thép Southern Steel Berhad.

Sản phẩm bị điều tra là thép dây thuộc các mã HS và AHTN: 7231.91.10.00, 7213.91.20.00, 7213.91.90.00 và 7227.90.90.00. Thời kỳ điều tra về hành vi bán phá giá kéo dài từ ngày 1/3/2023 đến ngày 29/2/2024, trong khi thiệt hại được xem xét từ ngày 1/3/2021 đến 28/2/2022 và từ 01/3/2022 đến 28/2/2023.

 Thép dây sản xuất tại Việt Nam (Ảnh: Hà Mĩ)

Sau khi khởi xướng, cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi tới các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất và xuất khẩu có liên quan đến sản phẩm bị điều tra. Các nhà xuất khẩu thép dây từ Việt Nam nếu chưa nhận được bản câu hỏi cần liên lạc với MITI và đăng ký làm bên liên quan trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng.

Theo quy định, các bên liên quan phải gửi lập luận và phản hồi bằng văn bản, đồng thời trả lời đầy đủ câu hỏi điều tra trong vòng 30 ngày kể từ khi MITI công bố thông báo khởi xướng. 

Thời hạn cuối cùng cho việc nộp phản hồi là ngày 9/11. Trong trường hợp các bên không phản hồi hoặc không cung cấp đủ thông tin, cơ quan điều tra có thể sử dụng các dữ liệu sẵn có để tính toán biên độ phá giá.

Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thép dây cần khẩn trương nghiên cứu kỹ thông báo khởi xướng và liên hệ với MITI để đăng ký làm bên liên quan, đồng thời yêu cầu bản câu hỏi điều tra. Việc hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra là rất quan trọng, nhằm tránh bị coi là không hợp tác, từ đó có thể phải chịu các mức thuế chống bán phá giá cao. Cục cũng đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên liên lạc với cơ quan này để được hỗ trợ trong suốt quá trình vụ việc diễn ra.

Australia điều tra chống bán phá giá thép cán nóng của Việt Nam

Bên cạnh thép dây, mặt hàng thép cuộn cán nóng của Việt Nam mới đây cũng bị điều tra chống bán phá giá. Theo đó, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC), thuộc Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia, mới đây đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thanh cốt thép cán nóng (Hot rolled deformed steel reinforcing bar in lengths) nhập khẩu từ các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Vụ việc này bắt nguồn từ đơn khiếu nại của Công ty Infrabuild NSW Pty Limited, một doanh nghiệp sản xuất tại Australia. Theo đơn khiếu nại, các sản phẩm bị điều tra mang mã HS: 7214.20.00; 7228.30.10; 7228.30.90 và 7228.60.10. Thời kỳ điều tra kéo dài từ ngày 01/7/2023 đến 30/6/2024.

Trước tình hình trên, Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương nghiên cứu kỹ hồ sơ đề nghị và các thông báo liên quan của ADC, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn để hoàn tất bản trả lời câu hỏi điều tra.

Hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên thường xuyên liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn kịp thời trong suốt quá trình điều tra.

Như vậy, tính từ tháng 8 đến nay, Austrlia là quốc gia thứ ba điều tra chống bán phá giá thép cán nóng từ Việt Nam. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 8, Ấn Độ và EU cùng lúc điều tra chống bán phá mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) từ Việt Nam.

 Thép cuộn cán nóng sản xuất tại một nhà máy của Việt Nam (Ảnh: H.Mĩ)

Theo trang Business Standard, các nhà sản xuất thép Ấn Độ đã báo động tình trạng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng qua Việt Nam theo hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN trong một thời gian. Việc nhập khẩu với giá thấp hơn đã tác động đến giá thép  trong nước.

Còn với EU, khối này điều tra phá giá thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024. Giai đoạn điều tra thiệt hại là từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3/2024.

EU là thị trường tiêu thụ thép các loại lớn thứ hai của Việt Nam (sau ASEAN), chiếm 25% tỷ trọng; Ấn Độ đứng thứ 5 với 4%. 

H.Mĩ