|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hai năm tới sẽ vẫn là giai đoạn phục hồi của ngành thép?

12:30 | 10/10/2024
Chia sẻ
Các năm 2025 - 2026 được dự báo sẽ tiếp tục là giai đoạn phục hồi của ngành thép nhờ các động lực đến từ các luật đất đai mới được ban hành và sửa đổi trong năm nay và những ảnh hưởng từ thị trường thép Trung Quốc.

Những trợ lực cho ngành thép trong những tháng còn lại năm 2024 

Thị trường thép Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi ngay cả trong “tháng ngâu”. Theo đó, bán hàng thép thành phẩm các loại trong tháng 8 (tức tháng 7 âm lịch), đạt 2,5 triệu tấn, tăng 2,4% so với tháng trước đó và cao hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thép cán nguội, tôn mạ, HRC là những sản phẩm có tốc độ tiêu thụ nhanh so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 59 - 100%. 

Tính chung 8 tháng qua, tiêu thụ thép thành phẩm tăng 15% lên 19,2 triệu tấn. 

 

Ngoài ra, những ngày gần đây, giá thép xây dựng đã bắt đầu ngừng đà giảm kéo dài suốt từ đầu năm nay. Tính đến ngày 8/10, giá thép CB300 của Hoà Phát khoảng 13,8 triệu đồng/tấn, tăng 400.000 đồng/tấn từ mức đáy của ít nhất gần 2 năm thiết lập hồi giữa tháng 9.

 Nguồn: Wigroup và SteelOnline.vn (Đơn vị: triệu đồng/tấn)

Một trong những động lực chính cho sự phục hồi của ngành thép đến từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. Theo đó, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến 31/8 là 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Tính riêng trong tháng 8, lượng thép xuất khẩu tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái lên 789.000 tấn. Tính chung 8 tháng, các doanh nghiệp xuất khẩu 5,6 triệu tấn, tương đương khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ và tăng 7% so với cùng kỳ 2023. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN) cho rằng nhu cầu thép từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục hồi phục nhờ các biện pháp đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ. Bên cạnh đó, cuối năm nhu cầu xây dựng cao, qua đó hỗ trợ được thị trường thép. 

“Thông thường, cuối năm là giai đoạn các nhà thầu gấp rút hoàn thiện công trình. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi cũng sẽ giúp hỗ trợ đà phục hồi tốt hơn so với các giai đoạn khác trong năm”, ông Thảo nói. 

 

Động lực mới tiếp tục đến với ngành thép Việt Nam khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo một loạt biện pháp chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có nhiều biện pháp “cứu” thị trường bất động sản.

Theo đó, hồi cuối tháng 9, PBOC giảm 0,5 điểm % lãi suất vay đối với 5.300 tỷ USD dư nợ vay thế chấp mua nhà và nới lỏng hạn chế đối với những người mua căn nhà thứ hai. Tỷ lệ trả trước tối thiểu khi mua ngôi nhà thứ hai sẽ được hạ từ 25% xuống mức thấp kỷ lục 15%.

Những chính sách trên ngay lập tức đã có tác động tích cực đối với thị trường thép và quặng sắt  trên thế giới. Theo đó, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Singapore tính đến đầu tuần này ở mức 110 USD/tấn, phục hồi 23% từ mức đáy hơn 10 năm thiết lập hôm 23/9. 

Giá thép thanh tại Trung Quốc cũng tăng 10,2% kể từ khi kế hoạch vực lại thị trường bất động sản được công bố. Nếu so sánh với mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 hồi giữa tháng 8, giá thép phục hồi 24%. 

Nhiều chuyên gia phân tích và doanh nghiệp cũng kỳ vọng rằng ngành thép Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ những động thái này.

Ông Phạm Công Thảo nhận định ngành thép Việt Nam sẽ tích cực hơn nhờ ảnh hưởng gián tiếp từ chính sách của Trung Quốc. 

Cụ thể, khi thị trường bất động sản được “cứu” thì lượng tiêu thụ thép tại Trung Quốc sẽ tăng lên và các doanh nghiệp không còn quá áp lực trong việc phải đẩy mạnh xuất khẩu  thép sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo điều kiện cho giá thép thế giới hồi phục. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đào Minh Châu, chuyên gia phân tích của SSI Research, cho rằng trong ngắn hạn động thái này sẽ mang lại những tác động tốt tới thị trường trong nước vì khi giá thép Trung Quốc có xu hướng tăng, giá thép Việt Nam cũng sẽ tăng lên khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước được hưởng lợi. Tuy nhiên để đánh giá liệu chính sách này có tác động dài hạn hay không cần theo dõi giá bất động sản tại Trung Quốc. 

“Nếu giá bất động sản ngừng giảm hoặc tăng lên, các dự án xây mới sẽ được triển khai, từ đó ảnh hưởng bền vững đối với giá thép. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu giá thép tăng thì nguồn cung mặt hàng này cũng sẽ quay trở lại”, ông Châu cho hay.

Thép sẽ tiếp tục giai đoạn phục hồi?

Dữ liệu qua các năm cho thấy ngành thép được xem là ngành có tính chu kỳ cao, bao gồm tăng trưởng - cao điểm - suy thoái - phục hồi và giai đoạn hiện tại được nhiều chuyên gia đánh giá là đang trong giai đoạn phục hồi.

Theo ông Đào Minh Châu, hai năm 2025 - 2026 là tiếp tục là giai đoạn phục hồi về mặt sản lượng trong chu kỳ này. Động lực phục hồi đến từ các luật đất đai mới được ban hành và sửa đổi trong năm nay. 

“Những quy định này sẽ cần thời gian để bắt đầu thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Do đó, trong hai năm tới, những tác động của các quy định mới đối với bất động sản sẽ rõ ràng hơn. Nguồn cung của các dự án chung cư, biệt thự liền kề mới cũng đang tung ra dần và mức độ tiêu thụ cũng tương đối tốt",ông Châu phân tích. 

Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng yếu tố vĩ mô cũng đang tốt dần lên, đặc biệt là sau khi Fed giảm lãi suất, là những yếu tố giúp thị trường thép phục hồi khá tốt.

Còn theo ông Thảo,Phó Tổng Giám đốc TVN, cần chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường bất động sản để đánh giá mức độ phục hồi của ngành thép. Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô đã có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là việc Fed giảm lãi suất. 

“Việc Fed giảm lãi suất đã giúp giải toả áp lực tỷ giá, tạo điều kiện cho các ngân hàng duy trì lãi suất thấp và tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dồi dào hơn và chi phí vốn cũng tốt hơn.  Do đó, điều này có thể kích thích được tăng trưởng thép trong thời gian tới”, ông Thảo cho biết.

Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo của một doanh nghiệp thép lớn cho biết nhu cầu thép sẽ tốt dần lên. Tuy nhiên, vẫn còn một ẩn số là ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ và điều này rất quan trọng.

"Chính sách thương mại của Mỹ tác động lên toàn cầu. Chính sách đối ngoại và thương mại của hai ứng cử viên này hiện vẫn chưa rõ ràng", vị này cho hay.

Ngoài ra, ông cho biết thêm thời gian gần đây nước này liên tục điều tra chống bán phá giá với thép nhập khẩu. Do đó, dù ai đắc cử thì Mỹ vẫn sẽ thực hiện biện pháp này, chỉ có điều mức thuế suất là bao nhiêu hiện nay vẫn là ẩn số. 

Doanh nghiệp 'lên dây cót' cho việc phục hồi

Một chỉ báo đáng chú ý nói lên sự phục hồi của ngành là việc loạt doanh nghiệp lớn đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng nhà máy mới.

Tính tới cuối tháng 6, Hoà Phát đã rót 42.384 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, tăng 58% sau một quý. Tập đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có những sản phẩm đầu tiên của phân kỳ 1 đưa ra thị trường. Khi hoàn thành dự án Dung Quất 2, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô 280 ha,  tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Tại buổi họp thường niên 2024, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Trong chiến lược dài hạn của Hoà Phát sau khi hoàn thành Khu liên hợp Dung Quất 2, tập đoàn sẽ tăng cường sản xuất mặt hàng yêu cầu công nghệ sản xuất cao, đầu tư lớn và khó".

 Kho thép HRC của Hoà Phát tại nhà máy Dung Quất 1 (Ảnh: H.Mĩ)

Một doanh nghiệp khác trong nhóm sản xuất thép là CTCP Thép Pomina (Mã: POM) cũng ghi nhận những bước tiến mới trong quá trình khôi phục lại hoạt động sản xuất sau thời gian dài "đắp chiếu" lò cao.

Ngày 8/8, Pomina thông tin đã ký MOU (biên bản ghi nhớ) với một nhà đầu tư lớn với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025 nhằm đón đầu nhu cầu đầu tư công và các dự án bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong năm 2025.

Ngoài ra, giữa tháng 9, Pomina cũng đã chính thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với công ty Thép Nansei - một tập đoàn thép lớn của Nhật Bản.

Hoạt động hợp tác sẽ bao gồm việc nhà đầu tư chiến lược cam kết cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho nhà máy Pomina 2 vận hành công suất tối đa bắt đầu từ tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. 

Ở nhóm tôn mạ, thông tin từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết ông lớn thị phần số 1 là Hoa Sen đã nhận thấy lĩnh vực thép nội địa đã có dấu hiệu phục hồi (khi sản lượng bán hàng tương đối tốt), qua đó triển khai lại kế hoạch mở rộng chuỗi Hoasen Home.

Tập đoàn này đang có kế hoạch mỗi năm sẽ mở mới và trực tiếp vận hành 10-15 cửa hàng, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế có thể mở nhanh hơn so với kế hoạch. Đồng thời việc mở rộng không chỉ gồm các sản phẩm mà Hoa Sen đang sản xuất (tôn mạ, ống thép, ống nhựa) mà còn có các sản phẩm thương mại (sơn, thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát). 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tôn Đông Á đầu tháng 7, ban lãnh đạo thông tin dự kiến hoàn thành chủ trương đầu tư - nhà máy thép mới tại Phú Mỹ trong quý III năm nay.

Nhà máy thép lá mạ mới (dự kiến đặt tại Phú Mỹ, Vũng Tàu) có công suất 1,2 triệu tấn thành phẩm/năm (chia làm 4 giai đoạn), dự kiến khởi công vào cuối năm 2024.

Ngoài hai đơn vị trên thì cuối tháng 9, Nam Kim cũng đã khởi động kế hoạch chào bán gần 132 triệu cổ phiếu huy động gần 1.600 tỷ cho Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án giai đoạn 1 (chưa VAT) là 4.500 tỷ và dự kiến sẽ khởi công từ quý II.

Dẫu vậy, với việc thị trường còn nhiều yếu bất định như sự phục hồi của thị trường thế giới, xu hướng điều tra chống bán phá giá, bầu cử Mỹ,... chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi tăng công suất. 

"Mức độ rủi ro của ngành thép khi tăng công suất sẽ phụ thuộc nhiều vào áp lực từ các vụ điều tra chống bán giá mà các nước đang tiến hành. Có thể sản lượng của các nhà máy vẫn tốt nhưng họ sẽ phải cắt giảm giá bán nhiều hơn nếu thị trường không như kỳ vọng", ông Đào Minh Châu nhận định. 

Thời gian gần đây, thép Việt Nam liên tục phải đối diện với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Chỉ riêng trong tháng 8, Việt Nam đối diện với 2 vụ điều tra chống bán phá giá với thép HRC xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và EU.

Cuối tháng 9, Mỹ  khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam. 

Đầu tháng 10, Thái Lan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

H.Mĩ