|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ điều tra phòng vệ thương mại thép CORE của Việt Nam

14:34 | 05/10/2024
Chia sẻ
Ngày 25/9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Sản phẩm bị điều tra thuộc các mã HS 7210.30, 7210.41, 7210.49, 7210.61, 7210.69, 7210.70, 7210.90, 7212.20, 7212.30, 7212.40, 7212.50, 7212.60 và 7226.99.

Mã vụ việc của cuộc điều tra này là A-552-843 và C-552-844. Cuộc điều tra không chỉ nhắm vào Việt Nam mà còn liên quan đến 9 quốc gia khác gồm Canada, Mexico, Brazil, Hà Lan, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Thống nhất, Australia và Nam Phi. Đây đều là những nước nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Mỹ, chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này vào Mỹ trong năm 2023.

Trong giai đoạn 2021-2023, Việt Nam xuất khẩu lần lượt 626 triệu USD, 751 triệu USD và 242 triệu USD sản phẩm thép CORE sang Mỹ, đứng thứ ba trong số 10 nước bị điều tra, chỉ sau Canada và Mexico.

Đối với cuộc điều tra chống bán phá giá, DOC sẽ xem xét dữ liệu trong 6 tháng đầu năm 2024. Đối với điều tra chống trợ cấp, thời kỳ điều tra là cả năm 2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại kéo dài trong 3 năm từ 2021 đến 2023. Biên độ phá giá cáo buộc đối với Việt Nam là 195,23%, mức cao nhất trong số các nước bị điều tra. Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, do đó DOC dự kiến sẽ sử dụng giá trị thay thế từ Mỹ và Ma-rốc để tính toán biên độ phá giá. Theo đó, Ma-rốc nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam

Các bên liên quan có 30 ngày để bình luận về giá trị và quốc gia thay thế trước khi DOC đưa ra kết luận sơ bộ.

Về các cáo buộc trợ cấp, DOC chưa đưa ra biên độ trợ cấp cụ thể đối với Việt Nam, nhưng đã khởi xướng điều tra 26 chương trình trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam, bao gồm các chương trình cho vay, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn và hoàn thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai, và cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi.

Ngày 25/9, DOC đã ban hành Bản câu hỏi về Lượng và Giá trị (Q&V) cho cả hai vụ việc CBPG và CTC để thu thập thông tin nhằm lựa chọn bị đơn bắt buộc. Thời hạn trả lời là ngày 9/10. DOC sẽ dựa trên phản hồi từ các doanh nghiệp và số liệu từ Hải quan Mỹ để lựa chọn 2 bị đơn bắt buộc, thường là các nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các bị đơn này sẽ được điều tra và xác định biên độ phá giá hoặc trợ cấp riêng.

Đối với cuộc điều tra CBPG, nếu không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, các doanh nghiệp có thể đăng ký hưởng thuế suất riêng rẽ bằng cách chứng minh hoạt động độc lập với Chính phủ. Mức thuế suất riêng rẽ sẽ được tính bằng bình quân gia quyền của các biên độ phá giá của các bị đơn bắt buộc.

DOC sẽ tiếp tục ban hành các bản câu hỏi điều tra dành cho bị đơn bắt buộc, và trong vụ việc CTC, DOC sẽ gửi thêm Bản câu hỏi điều tra dành cho Chính phủ Việt Nam. Thời hạn trả lời là 30 ngày kể từ ngày ban hành, nhưng có thể được gia hạn. Một số mốc thời gian quan trọng bao gồm kết luận sơ bộ vào ngày 12/2/2025 đối với CBPG và ngày 29/11/2024 đối với CTC.

Một số mốc thời gian chính đối với vụ việc điều tra như sau:

Sự kiện

Điều tra CBPG

Điều tra CTC

Khởi xướng

25/9/2024

25/9/2024

Kết luận sơ bộ

12/02/2025

29/11/2024

Kết luận cuối cùng

28/4/2025

12/02/2025

Ban hành Lệnh áp thuế

20/6/2025

17/4/2025

(Các mốc thời gian có thể được gia hạn)

Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra cần theo dõi sát sao diễn biến vụ việc và hợp tác đầy đủ với DOC trong quá trình điều tra. Các doanh nghiệp liên quan cũng được khuyến nghị đăng ký tài khoản tại cổng thông tin điện tử của DOC để cập nhật thông tin và nộp các tài liệu liên quan đúng thời hạn.

H.Mĩ