|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép Việt có hưởng lợi từ chính sách 'cứu' bất động sản của Trung Quốc?

07:00 | 02/10/2024
Chia sẻ
Giới chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng rằng ngành thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc "cứu" thị trường bất động sản trong thời gian tới, tuy nhiên mức độ tác động ra sao và có kéo dài hay không thì cần theo dõi mức độ thẩm thấu chính sách vào nền kinh tế.

Ngành thép Việt Nam có được hưởng lợi?

Ngày 24/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo một loạt biện pháp chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm % xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. 

Thống đốc PBOCPan Gongsheng cũng công bố gói chính sách để củng cố thị trường bất động sản, bao gồm giảm 0,5 điểm % lãi suất vay đối với 5.300 tỷ USD dư nợ vay thế chấp mua nhà và nới lỏng hạn chế đối với những người mua căn nhà thứ hai. Theo đó, tỷ lệ trả trước tối thiểu khi mua ngôi nhà thứ hai sẽ được hạ từ 25% xuống mức thấp kỷ lục 15%.

Những chính sách trên ngay lập tức đã có tác động tích cực đối với thị trường thép và quặng sắt trên thế giới. Theo đó, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Singapore tính đến đầu tuần này ở mức 110 USD/tấn, phục hồi 23% từ mức đáy hơn 10 năm thiết lập hôm 23/9. 

 Giá quặng sắt nhanh chóng phục hồi sau khi Trung Quốc tung gói cứu trợ bất động sản (Nguồn: Sàn giao dịch Singapore, Bloomberg)

Giá thép thanh tại Trung Quốc cũng tăng 10,2% kể từ khi kế hoạch vực lại thị trường bất động sản được công bố. Nếu so sánh với mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 hồi giữa tháng 8, giá thép phục hồi 24%. 

Bloomberg dẫn nhận định của ông Steven Yu, nhà nghiên cứu tại Mysteel, cho biết: "Các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều so với dự đoán và còn có kỳ vọng sẽ có thêm các chính sách tài khóa mới. Hiện nay, thị trường thép đang bước vào giai đoạn cao điểm và lượng thép cây đang được tiêu thụ nhanh chóng".

Nhiều chuyên gia phân tích và doanh nghiệp cũng kỳ vọng rằng ngành thép Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ những động thái này.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN), cho rằng nhận định ngành thép Việt Nam sẽ tích cực hơn nhờ ảnh hưởng gián tiếp từ chính sách của Trung Quốc. 

Cụ thể, khi thị trường bất động sản được “cứu” thì lượng tiêu thụ thép tại Trung Quốc sẽ tăng lên và các doanh nghiệp không còn quá áp lực trong việc phải đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo điều kiện cho giá thép thế giới hồi phục. 

Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo của một doanh nghiệp thép đầu ngành cho rằng gói hỗ trợ lần này có sự khác biệt lớn so với các lần trước. Theo đó, PBOC “đánh” thẳng vào biến số quan trọng nhất, ảnh hưởng đến cung tiền là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này đồng nghĩa, các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn đi cùng với giảm lãi suất. 

“Trung Quốc dùng một lúc hai “chiêu” để tăng cung tiền ra thị trường, từ đó kích thích được thị trường bất động sản. Tôi cho rằng họ sẽ kéo dài chính sách này. Do đó, tác động đối với với thị trường bất động sản và ngành thép sẽ mạnh”, ông nói. 

Chỉ có tác động ngắn hạn?

Trong quá khứ, Trung Quốc cũng từng đưa ra nhiều gói cứu trợ bất động sản và giá thép có phản ứng tích cực từ những chương trình này nhưng sau đó lại nhanh chóng đi xuống.

Điển hình như, đầu năm 2023, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng hàng loạt chính sách, như kế hoạch nới lỏng vay vốn cho các nhà phát triển bất động sản, giải quyết nguy cơ “đứt dây chuyền vốn”. Điều này giúp giá thép phục hồi 12% so với cuối năm 2022.  Tuy nhiên, sau đó giá nhanh chóng giảm mạnh 26% vào tháng 5/2023, mức thấp nhất trong vòng 3 năm. 

 Nguồn: Tradingeconomics

Giữa tháng 5 năm nay,  NHTW Trung Quốc cấp gần 42 tỷ USD để doanh nghiệp nhà nước mua lại nhà chưa bán được. Thông tin này giúp giá thép tăng 4,4% nhưng sau đó lao dốc xuống đáy 8 năm vào giữa tháng 8. 

Do đó, giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng sẽ cần thời gian để đánh giá chính sách của Trung Quốc tác động đến thị trường thép thế nào trong thời gian tới. 

“Khi thông tin mới được công bố, thường có hiệu ứng ngay về giá thép nhưng về lâu dài cần theo dõi mức độ thấm thấu chính sách vào nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng thế nào. Cần có thời gian để chính sách đi vào thực tế. Nếu chính sách này “thực chất”, kích thích được kinh tế trong nước thì hiệu ứng đối với ngành thép dài hạn hơn”, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết.

Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia phân tích ngành thép lâu năm cho rằng trong ngắn hạn động thái này sẽ mang lại những tác động tốt tới thị trường trong nước vì khi giá thép Trung Quốc có xu hướng tăng, giá thép Việt Nam cũng sẽ tăng lên khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước được hưởng lợi. Tuy nhiên để đánh giá liệu chính sách này có tác động dài hạn hay không cần theo dõi giá bất động sản tại Trung Quốc. 

“Nếu giá bất động sản ngừng giảm hoặc tăng lên, các dự án xây mới sẽ được triển khai, từ đó ảnh hưởng bền vững đối với giá thép. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu giá thép tăng thì nguồn cung mặt hàng này cũng sẽ quay trở lại”, vị này cho hay.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, ngoài yếu tố kỳ vọng nhu cầu trong tương lai, đà tăng vọt của giá thép và quặng sắt thời gian qua đến từ hoạt động đầu cơ trên sàn giao dịch và việc Trung Quốc tăng nguồn tín dụng cũng sẽ khiến cho nguồn đầu cơ cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

H.Mĩ

Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng
Không ngoài dự báo, FTSE chưa nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức xếp hạng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tiêu chí nếu muốn đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025.