|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Liều thuốc' trợ lực cho doanh nghiệp thép

14:26 | 02/10/2024
Chia sẻ
Những chỉ báo cho thấy áp lực thép từ Trung Quốc giảm cộng với nhu cầu trong nước tăng trong mùa cao điểm xây dựng trong quý cuối năm được đánh giá là liều thuốc "trợ lực" cho doanh nghiệp thép.

Trong quý III ngành thép gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu yếu tại nước này và các thị trường xuất chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa trở thành điểm sáng trong bối cảnh tiêu thụ nội địa tăng trưởng 20% so với cùng kỳ nhờ đóng góp của thép xây dựng với mức tăng 25%, theo cập nhật của Chứng khoán MBS.

MBS đánh giá, biên lợi nhuận gộp toàn ngành có thể cải thiện trong quý III nhờ giá nguyên vật liệu như than, quặng giảm lần lượt 17% và 12% trong khi giá thép xây dựng giảm 9% so với cùng kỳ.

Về triển vọng thời gian tới, các nhà phân tích nhìn nhận giá thép trong nước có nhiều tín hiệu phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản của nước này như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5%, giảm lãi suất 7 ngày 20 điểm cơ bản xuống còn 1,5%, cắt giảm lãi suất cho vay mua nhà, hạ tỷ lệ trả trước khi mua nhà xuống còn 15%,...

Những nỗ lực này có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tín hiệu phục hồi từ thị trường tỷ dân được đánh giá sẽ thúc đẩy "mùa xuân" đến sớm hơn với doanh nghiệp thép.

Về góc nhìn của doanh nghiệp, lãnh đạo của một số đơn vị đầu ngành cũng có cái nhìn tích cực về vấn đề này. 

"Khi thị trường bất động sản được “cứu” thì lượng tiêu thụ thép tại Trung Quốc sẽ tăng lên và các doanh nghiệp không còn quá áp lực trong việc phải đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo điều kiện cho giá thép thế giới hồi phục", ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN) chia sẻ.

Song đại diện VNSteel cũng nói thêm: “Khi thông tin mới được công bố, thường có hiệu ứng ngay về giá thép nhưng về lâu dài cần theo dõi mức độ thấm thấu chính sách vào nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng thế nào. Nếu chính sách này thực chất, kích thích được kinh tế trong nước thì hiệu ứng đối với ngành thép dài hạn hơn”.

Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong quý IV, các doanh nghiệp thép nội địa cũng sẽ trông đợi vào khả năng giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá sẽ được ban hành kỳ vọng vào tháng 12.

Riêng nhóm tôn mạ, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng đà giảm của HRC Trung Quốc sẽ chững lại sau những chính sách hỗ trợ ngành bất động sản.

Cùng với đó, xu hướng giá HRC ở các thị trường Mỹ và EU đã có dấu hiệu phục hồi, kỳ vọng sẽ nới rộng biên độ chệnh lệch giữa giá HRC trong nước và thế giới trong giai đoạn cuối năm 2024, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp.

 Ảnh minh hoạ: Hoà Phát.

Theo thống kê, giá trị tồn kho nguyên vật liệu của các doanh nghiệp thép niêm yết có xu hướng tăng từ quý III/2023 tới hết quý II năm nay phản ánh phần nào góc nhìn lạc quan về triển vọng sản lượng tiêu thụ hồi phục trong thời gian tới.

Ông lớn số 1 ngành thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) ghi nhận hàng tồn kho có giá trị 40.164 tỷ đồng cuối quý II, tăng 16% so với cuối năm 2023. Hàng tồn kho tăng chủ yếu là đến từ nguyên vật liệu khi doanh nghiệp chủ động tích trữ hàng tồn kho giá thấp để giảm chi phí giá vốn, cải thiện biên lợi nhuận cũng như chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp khi thị trường bước vào chu kỳ hồi phục.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Với nhóm tôn mạ cũng ghi nhận hàng tồn kho tăng thời gian qua. Chứng khoán VCBS cho biết trong nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp tôn mạ tích trữ thêm lượng lớn hàng tồn kho (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc với giá khá thấp) và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU và Mỹ. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Tăng tốc xây nhà máy

Một chỉ báo đáng chú ý nói lên sự phục hồi của ngành là việc loạt doanh nghiệp lớn đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng nhà máy mới.

Tính tới cuối tháng 6, Hoà Phát đã rót 42.384 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, tăng mạnh 58% sau một quý. Tập đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có những sản phẩm đầu tiên của phân kỳ 1 đưa ra thị trường. Khi hoàn thành dự án Dung Quất 2, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô 280 ha,  tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Tại buổi họp thường niên 2024, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Trong chiến lược dài hạn của Hoà Phát sau khi hoàn thành Khu liên hợp Dung Quất 2, tập đoàn sẽ tăng cường sản xuất mặt hàng yêu cầu công nghệ sản xuất cao, đầu tư lớn và khó".

Một doanh nghiệp khác trong nhóm sản xuất thép là CTCP Thép Pomina (Mã: POM) cũng ghi nhận những bước tiến mới trong quá trình khôi phục lại hoạt động sản xuất sau thời gian dài "đắp chiếu" lò cao.

Ngày 8/8, Pomina thông tin đã ký MOU (biên bản ghi nhớ) với một nhà đầu tư lớn với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025 nhằm đón đầu nhu cầu đầu tư công và các dự án bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong năm 2025.

Ngoài ra, giữa tháng 9, Pomina cũng đã chính thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với công ty Thép Nansei - một tập đoàn thép lớn của Nhật Bản.

Hoạt động hợp tác sẽ bao gồm việc nhà đầu tư chiến lược cam kết cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho nhà máy Pomina 2 vận hành công suất tối đa bắt đầu từ tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. 

 Ảnh minh hoạ: Tập đoàn Hoa Sen.

Ở nhóm tôn mạ, thông tin từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết ông lớn thị phần số 1 là Hoa Sen đã nhận thấy lĩnh vực thép nội địa đã có dấu hiệu phục hồi (khi sản lượng bán hàng tương đối tốt), qua đó triển khai lại kế hoạch mở rộng chuỗi Hoasen Home. Tập đoàn đang có kế hoạch mỗi năm sẽ mở mới và trực tiếp vận hành 10-15 cửa hàng (tùy thuộc vào điều kiện kinh tế có thể mở nhanh hơn so với kế hoạch).

Doanh nghiệp sẽ mở rộng ngành hàng, không chỉ gồm các sản phẩm mà Hoa Sen sản xuất (tôn mạ, ống thép, ống nhựa) mà còn có các sản phẩm thương mại (sơn, thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát). 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tôn Đông Á đầu tháng 7, ban lãnh đạo thông tin dự kiến hoàn thành chủ trương đầu tư - nhà máy thép mới tại Phú Mỹ trong quý III năm nay.

Nhà máy thép lá mạ mới (dự kiến đặt tại Phú Mỹ, Vũng Tàu) có công suất 1,2 triệu tấn thành phẩm/năm (chia làm 4 giai đoạn), dự kiến khởi công vào cuối năm 2024.

Riêng cho giai đoạn 1 (công suất 300.000 tấn/năm, sản phẩm chính là tôn mạ cho xây dựng), công ty dự kiến quý II/2026 sẽ đưa vào hoạt động và kì vọng có thể chạy hết công suất trong nửa cuối năm 2026 (hỗ trợ bởi khách hàng tiềm năng tại các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á).

Ngoài hai đơn vị trên thì cuối tháng 9, Nam Kim cũng đã khởi động kế hoạch chào bán gần 132 triệu cổ phiếu huy động gần 1.600 tỷ cho Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án giai đoạn 1 (chưa VAT) là 4.500 tỷ và dự kiến sẽ khởi công từ quý II.

Hoàng Kiều