|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính sách thích kinh tế của Trung Quốc giúp đẩy giá thép nhưng xuất khẩu vẫn khó giảm

17:16 | 18/10/2024
Chia sẻ
Các biện pháp kích thích của Trung Quốc có thể thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đặc biệt là thép dài, nhưng quốc gia này khó có thể giảm xuất khẩu đáng kể trừ khi giảm sản lượng từ 5- 7%.

 

Theo Business Standard, giới chuyên gia cho rằng các biện pháp kích thích thị trường bất động sản của Trung Quốc đã kìm hãm đà giảm giá thép. Tuy nhiên, các biện pháp này khó có thể ngăn xuất khẩu thép của Trung Quốc ra thế giới, bao gồm cả Ấn Độ.

Dữ liệu từ BigMint, một công ty cung cấp báo cáo giá và tình báo thị trường, cho thấy từ tuần thứ ba của tháng 9, giá thép cuộn cán nóng (HRC) đã tăng khoảng 1.500 Rs/tấn tại Mumbai, đạt 48.600 Rs/tấn.

BigMint ghi nhận sự tăng giá này đến sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích tiền tệ và các biện pháp cho thị trường bất động sản, bao gồm cắt giảm lãi suất thế chấp vào cuối tháng 9.

Một nhà phân tích từ BigMint cho biết các biện pháp kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc đã tạo động lực ngắn hạn cho giá thép, nhờ chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và cắt giảm lãi suất. Nhà phân tích này cũng bổ sung rằng mặc dù có sự lạc quan ban đầu, phản ứng của thị trường nhìn chung vẫn thận trọng. Sự phục hồi bền vững về giá phụ thuộc vào các hành động chính sách tiếp theo và sự cải thiện nhu cầu bất động sản.

Theo dữ liệu từ BigMint, giá thép thanh (rebar) đã tăng 3.600 Rs mỗi tấn tại Mumbai, đạt 53.600 Rs/tấn, có thể do sự phục hồi hoạt động xây dựng sau mùa mưa.

Các chuyên gia đồng ý rằng các biện pháp kích thích nền kinh tế của Trung Quốc đã cải thiện tâm lý toàn cầu, và trong hai tuần qua, ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, đã công bố tăng giá.

Ông Sumit Jhunjhunwala, phó giám đốc ICRA, cho biết giá thép ở Trung Quốc đã tăng 16% kể từ khi công bố gói kích thích. "Điều này sẽ đẩy giá thép toàn cầu lên. Ở Ấn Độ, giá đã tăng khoảng 4 - 5%, dù một phần sự tăng giá này đã được dự kiến sau mùa mưa."

Ông Sehul Bhatt, giám đốc nghiên cứu tại CRISIL Market Intelligence and Analytics, cho biết tâm lý tích cực liên quan đến chính sách kích thích kinh tế đã khiến các nhà giao dịch tăng giá thép. Tuy nhiên, ông Bhatt cũng nhận định đợt tăng giá này sẽ ngắn hạn, khi tác động của tâm lý tích cực dần biến mất và cung cầu được cân bằng lại. Ông nói thêm rằng mức tăng giá gần đây đã thu hẹp khoảng cách giá giữa thép nhập khẩu và thép sản xuất nội địa.

Theo Ranjan Dhar, giám đốc và phó chủ tịch – bán hàng & tiếp thị tại ArcelorMittal Nippon Steel India (AM/NS India), xuất khẩu thép của Trung Quốc, hiện ở mức từ 110 đến 115 triệu tấn, dự kiến sẽ vẫn ở mức cao. Ông Dhar cho rằng các biện pháp kích thích của Trung Quốc có thể thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đặc biệt là thép dài, nhưng quốc gia này khó có thể giảm xuất khẩu đáng kể trừ khi giảm sản lượng từ 5- 7%.

Ông Dhar bổ sung rằng thị trường thép toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh, và các quốc gia đang áp đặt các rào cản thương mại hoặc tăng cường sản xuất nội địa, làm giảm nhu cầu đối với thép Trung Quốc. Điều này khiến Ấn Độ, một thị trường đang phát triển nhanh, trở nên dễ bị tổn thương hơn. Dhar kêu gọi Ấn Độ chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất thép trong nước nhằm đảm bảo tính cạnh tranh lâu dài.

Một nhà sản xuất thép lớn khác cho biết Ấn Độ cần phải hành động để kiểm soát nhập khẩu. Nếu không, quốc gia này sẽ trở thành nơi tiếp nhận thép dư thừa từ phần còn lại của thế giới, khi các nền kinh tế khác vẫn đang đối mặt với thách thức.

Ông Alok Sahay, tổng thư ký Hiệp hội Thép Ấn Độ, chỉ ra rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc là một mối lo ngại cho tất cả các nền kinh tế. Ông cho biết Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu đã thực hiện các biện pháp cụ thể bằng cách áp dụng mức thuế bảo vệ 25%, và hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt thuế chống bán phá giá lên đến 43%.

"Ấn Độ chưa có biện pháp bảo vệ nào trước sự gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chúng ta đang chịu ảnh hưởng từ sự bóp méo thương mại do Trung Quốc gây ra," ông nói thêm.

H.Mĩ