|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Điểm tên những công ty chứng khoán lãi trăm tỷ trong quý III/2024

09:56 | 21/10/2024
Chia sẻ
Bức tranh kết quả kinh doanh quý III ngành chứng khoán gần như hoàn thiện khi hơn 70 đơn vị đã công bố báo cáo tài chính quý III. Xét theo số tuyệt đối, đã có 14 công ty báo lãi trên 100 tỷ đồng.

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) dẫn đầu lợi nhuận quý III cũng như 9 tháng đầu năm ngành chứng khoán. Lãi sau thuế ghi nhận 878 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, nâng con số lũy kế ba quý đầu năm vượt 3.100 tỷ đồng (tăng 84%).

Theo TCBS, trong quý III, thanh khoản thị trường giảm 25% so với quý trước, do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu. Mảng môi giới và lưu ký chứng khoán ghi nhận thu nhập thuần ghi 42 tỷ đồng, giảm 10% so với quý trước.

Mảng cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán đạt 695 tỷ đồng thu nhập thuần trong quý III, tăng 11% so với quý trước và 67% so với cùng kỳ năm 2023. Dư nợ cho vay margin và ứng trước cuối kỳ xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tiếp tục cao nhất ngành chứng khoán.

Thu nhập từ mảng ngân hàng đầu tư của TCBS đạt 351 tỷ đồng, giảm 35% so với quý trước nhưng tăng 8% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu ghi nhận thu nhập thuần quý III đạt 617 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán SSI (Mã: SSI) công bố báo cáo tài chính riêng quý III với lợi nhuận sau thuế đạt 750 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng dịch vụ chứng khoán ghi nhận gần 905 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng trong tổng doanh thu với 45%. Nghiệp vụ môi giới, lưu ký, tư vấn đầu tư và khác đạt doanh thu 356 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thanh khoản toàn thị trường trong quý III giảm với 6 tháng đầu năm. Cho vay margin và ứng trước tiền bán đạt doanh thu gần 549 tỷ đồng, tăng 27% so với quý III năm trước. Dư nợ cho vay margin của SSI đạt hơn 19.000 tỷ đồng cuối kỳ.

Doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt 991 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, chiếm 50% tổng doanh thu hoạt động. Mảng đầu tư có kết quả đi lên nhờ xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán và đóng góp lớn từ các khoản đầu tư giấy tờ có giá, danh mục trái phiếu.

SSI ước tính kết quả hợp nhất với doanh thu đạt 2.076 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 979 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty ước đạt 6.452 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.981 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện lần lượt 80% và 88% kế hoạch năm.

Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) báo lãi sau thuế 505 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động giảm 27% về 1.270 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh chính đều thu hẹp doanh thu. Cụ thể, lãi từ FVTPL giảm 27%, lãi các khoản HTM giảm 35%, lãi từ cho vay và phải thu giảm 13%, doanh thu môi giới giảm 44%. Trong khi đó, chi phí hoạt động quý III cũng giảm 27%.

Lũy kế 9 tháng, VNDIrect ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 11% so với cùng kỳ về 4.113 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế tăng 23% đạt 1.467 tỷ đồng nhờ chi phí hoạt động giảm 13%.
 

Một số CTCK báo LNST quý III đạt trên trăm tỷ đồng. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý III).

Chứng khoán VPS báo lợi nhuận sau thuế quý III cao kỷ lục đạt 656 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu hoạt động ghi nhận 1.644 tỷ đồng, giảm 12%, đến từ mảng tự doanh và môi giới. Tuy vậy, chi phí hoạt động chỉ bằng phân nửa cùng kỳ, chủ yếu là chi phí tự doanh giảm đến 96%, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận đi lên.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của VPS đạt 1.681 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Cho vay margin và ứng trước cuối kỳ đạt trên 12.100 tỷ đồng, tăng 4% sau một quý.

Giống VPS, Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) cũng gấp đôi lợi nhuận trong quý III. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III đạt 132 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động của TPS giảm 14% song chi phí hoạt động giảm 47%. Trong chi phí hoạt động, lỗ FVTPL giảm 81%.

Tương tự trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của TPS giảm 30% so với cùng kỳ, nhưng chi phí hoạt động giảm 54%. Lợi nhuận trước thuế đạt 385 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 308 tỷ đồng, tăng 82% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Lợi nhuận sau thuế quý III của Chứng khoán VPBank (VPBankS) đạt 272 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. VPBankS cho biết trong quý đã tăng cường hoạt động kinh doanh trên thị trường cơ sở, ra mắt nhiều sản phẩm ở mảng môi giới, cho vay. Dư nợ bình quân cho vay margin tăng đáng kể so với cùng kỳ, kéo theo doanh thu mảng cho vay margin tăng tương ứng.

Báo cáo tài chính của Chứng khoán VIX (Mã: VIX) cho thấy doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 554 tỷ đồng, tăng 71% so với quý III năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm hơn 400 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lãi từ cho vay và phải thu đạt 111 tỷ đồng, tăng 54%. Trong khi đó, doanh thu mảng môi giới giảm 16% về 26 tỷ đồng.

Khoản lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) chưa đến 200 triệu đồng, trong khi con số này vào quý II năm trước đạt trên 43 tỷ đồng. Kết quả, VIX báo lợi nhuận sau thuế quý III đạt 265 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) ghi nhận tăng 4% lợi nhuận sau thuế so với quý III năm trước, đạt 222 tỷ đồng. Lãi từ FVTPL và lãi các khoản cho vay, phải thu tăng đáng kể 54 - 64%. Tuy vậy, ở chi phí hoạt động, lỗ FVTPL cũng tăng 64%.

HSC báo lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 813 tỷ đồng, cao hơn 64% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay margin và ứng trước cuối kỳ gần 19.300 tỷ đồng, tăng 4% sau ba tháng.

Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu hoạt động 974 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ tài sản FVTPL gấp đôi đạt 534 tỷ đồng; lãi từ các khoản phải cho vay và phải thu tăng 17% lên 206 tỷ đồng; doanh thu môi giới cũng tăng 14% lên 182 tỷ đồng. Chi phí hoạt động đạt 468 tỷ đồng, tăng 74%. Kết quả, Vietcap báo lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu , lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 836 tỷ đồng và 692 tỷ đồng, tăng lần lượt 99% và 88% so với cùng kỳ. Công ty đặt kế hoạch năm nay đạt lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng. Như vậy, Vietcap đã vượt 19% chỉ tiêu.

Mặt khác, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán cuối kỳ đạt 10.111 tỷ đồng. Trong đó, cho vay margin chiếm 9.951 tỷ đồng, cao hơn 27% so với cuối tháng 6. Đây là dư nợ cao nhất của Vietcap, gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022.

Xét theo số tương đối, nhóm 14 đơn vị trên chỉ có TCBS, VNDirect, VCBS và KISVN giảm lợi nhuận trong quý III.

Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) công bố báo cáo tài chính với doanh thu hoạt động quý III 590 tỷ đồng, giảm 25%, chủ yếu do lãi FVTPL giảm 38%, doanh thu môi giới giảm 33%. Chiều ngược lại, lãi từ HTM và lãi từ các khoản cho vay, phải thu tăng lần lượt 64% và 9%.

Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm 29% so với quý III năm trước về gần 400 tỷ đồng. Chi phí quản lý tăng 29% lên trên 60 tỷ đồng. KISVN báo lợi nhuận sau thuế giảm 26% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 106 tỷ đồng. Kết quả này nhỉnh hơn 4% so với quý II liền trước.

Lũy kế ba quý đầu năm, công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.847 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 362 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 10% so với cùng kỳ 2023. Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán cuối kỳ đạt 8.178 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, cho vay margin chiếm hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 5% và cao kỷ lục đối với đơn vị này.

Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) báo lợi nhuận sau thuế quý III giảm 12% so với cùng kỳ về 132 tỷ đồng. Công ty giải trình kết quả đi lùi chủ yếu do thanh khoản thị trường giảm, làm doanh thu môi giới thu hẹp (giảm 30%).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, 14 đơn vị báo lãi trên trăm tỷ trong quý III đã thu về khoảng 14.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước, và chiếm tỷ trọng 77% trong số hơn 70 CTCK đã công bố báo cáo tài chính.

Xuân Nghĩa