|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm chùn bước ở Đông Nam Á

20:41 | 16/03/2024
Chia sẻ
Số thương vụ thoái vốn của các quỹ PE và VC giảm mạnh tại Đông Nam Á.

DealStreetAsia dẫn báo cáo từ Pitchbook về thị trường đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á cho thấy việc giảm mạnh các thương vụ thoái vốn của các quỹ đầu tư tài chính tư nhân (PE) và đầu tư mạo hiểm (VC) đang đe dọa đến sự duy trì dòng vốn đầu tư vào khu vực.

Các quỹ đầu tư PE và VC khó khăn trong việc thoái vốn đang khiến họ dè dặt hơn trong việc rót tiền vào các công ty khởi nghiệp tiềm năng tại Đông Nam Á. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái startup trong khu vực.

Trong giai đoạn 2015-2023, số thương vụ thoái vốn của các quỹ PE hàng năm ở mức thấp, cao nhất là 45 thương vụ vào năm 2021. Tổng giá trị thoái vốn hàng năm không ổn định và bị ảnh hưởng nhiều bởi các thương vụ lớn bất thường. Chẳng hạn, năm 2018 ghi nhận giá trị thoái vốn kỷ lục là 22,9 tỷ USD, trong đó 3/4 đến từ việc các công ty Việt Nam IPO như Vinhomes và Techcombank.

Tính đến năm 2023, các quỹ PE Đông Nam Á chỉ tạo ra được 7 tỷ USD giá trị thoái vốn.

Đối với các nhà đầu tư VC, 2021 là năm bội thu với 56,8 tỷ USD được ghi nhận từ các thương vụ tạo thanh khoản (liquidity events) trong khu vực. Con số này giảm mạnh xuống còn 1,5 tỷ USD vào năm 2022 và 1,1 tỷ USD vào năm 2023.

Năm ngoái, Đông Nam Á không có thương vụ thoái vốn của VC nào có giá trị vượt quá 500 triệu USD.

Giá trị trung bình các thương vụ thoái vốn của VC đã giảm mạnh từ gần 2,3 tỷ USD xuống còn 76,5 triệu USD và 91,1 triệu USD trong giai đoạn 2021-2023.

 

Các nhà phân tích từ Pitchbook cho biết trong báo cáo: "Mặc dù không có tỷ lệ đầu tư/thoái vốn lý tưởng, nhưng ở Đông Nam Á, con số này luôn luôn cao hơn 20-1. Điều này càng làm phức tạp thêm việc duy trì dòng vốn đầu tư vào khu vực khi các nhà đầu tư liên tục thua lỗ”.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư trong khu vực đang phải liên tục chấp nhận mức lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, các đối tác liên doanh (limited partners - LP) của họ lại yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho những rủi ro liên quan đến thị trường đang phát triển.

Mặt khác, Đông Nam Á không phải là điểm đến duy nhất cho các nhà đầu tư toàn cầu muốn tiếp cận các thị trường mới nổi. Báo cáo cho biết các nhà đầu tư này đang chuyển sang các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là Ấn Độ và Mỹ Latinh, nhờ mức vốn góp hấp dẫn hơn.

"Với các công ty khởi nghiệp có mô hình kinh doanh và năng lực người sáng lập tương đồng nhau, định giá các công ty ở Ấn Độ và Mỹ Latinh thường thấp hơn, khiến các thương vụ đầu tư trở nên hấp dẫn hơn”, báo cáo nêu.

Mặc dù nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng các quỹ VC vẫn đang rót nhiều tiền hơn vào các công ty khởi nghiệp. Theo dữ liệu từ Pitchbook, giá trị trung bình của các khoản đầu tư VC đã tăng từ dưới 100 triệu USD vào năm 2021 lên hơn 334 triệu USD vào năm 2023.

Bên cạnh định giá tăng vọt, những thách thức về khả năng mở rộng quy mô mà các công ty Đông Nam Á phải đối mặt càng khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng khi tham gia thị trường này.

Báo cáo nêu rõ: "Do những khó khăn về việc mở rộng sang các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, các thương vụ mua bán sáp nhập thường nhắm đến các công ty đã hoàn thành việc mở rộng đó hoặc đã có vị thế vững chắc trên một thị trường lớn trong khu vực”.

Báo cáo cũng cho biết thêm rằng các sàn giao dịch nhỏ trong khu vực không thể tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt IPO quy mô lớn.

Trong bối cảnh thị trường như vậy, các nhà đầu tư đã chuyển sang các giao dịch thứ cấp để thu hồi vốn. Tuy nhiên, việc thực hiện một giao dịch thứ cấp trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nhận thức thấp về chiến lược này và khoảng cách giá lớn.

Mặc dù Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào vốn nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đang rút lui do tình hình vĩ mô biến động.

Sự tham gia của các nhà đầu tư VC nước ngoài đã giảm kể từ năm 2021, cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tỷ lệ tham gia của họ trong tổng hoạt động mua bán cũng giảm sút. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong lĩnh vực PE.

Vào năm 2021 và 2022, hơn 60% các thương vụ PE và VC có sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ bên ngoài Đông Nam Á. Báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ tham gia cao từ các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra áp lực lớn lên việc duy trì hoạt động bền vững của doanh nghiệp.

Để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào Đông Nam Á, các doanh nghiệp trong khu vực cần phải chứng minh khả năng biến lợi nhuận trên báo cáo thành tiền mặt thực tế để trả cho các nhà đầu tư.

Chỉ số TVPI và IRR (Total Value to Paid-In Capital Ratio - tỷ lệ tổng giá trị so với vốn đã góp và Internal Rate of Return - tỷ suất sinh lợi nội bộ) chỉ đánh giá hiệu quả đầu tư trên lý thuyết, bao gồm cả lợi nhuận chưa thực hiện. 

Do đó, các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến khả năng phân phối lợi nhuận trong tương lai (DPI - Distributable Profit to Paid-In Capital Ratio, tỷ lệ lợi nhuận phân phối so với vốn đã góp) của doanh nghiệp.

Đức Huy (theo DealStreetAsia)

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.