Startup nuôi dế làm thực phẩm của Việt Nam tìm đường vào Singapore
Cricket One - một công ty khởi nghiệp của Việt Nam chuyên nuôi dế để làm thực phẩm đang tiếp cận thị trường Singapore. Các nhà sáng lập tin rằng nếu thành công ở đó, thì họ có thể thành công ở bất cứ đâu.
Cricket One cho biết họ sẽ là công ty đầu tiên bán thực phẩm từ côn trùng cho người Singapore. Quốc đảo này đặt mục tiêu hoàn thiện các quy định vào tháng 7 để cho phép dạng thực phẩm này được tiêu thụ đại trà, góp phần vào sự bùng nổ của nhu cầu đối với protein thay thế, bao gồm cả thịt nhân tạo được phát triển trong phòng thí nghiệm hoặc làm từ thực vật.
Trước đó, Cricket One đã đạt được sự chấp thuận của châu Âu cho bột côn trùng dùng trong mì ống và bánh mì. Công ty cho biết hiện nay có nhiều lựa chọn hơn cho người ăn kiêng thịt động vật. Bột của họ có thể là một thành phần trong pizza, bánh ngọt, súp.
Kế hoạch mở rộng sang Singapore của họ tập trung vào dế phủ - một loại snack mới được chế biến từ dế và khoai tây chiên dế.
Cricket One được rót vốn bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Global (trước đây là 500 startup) và các nhà đầu tư Singapore như Robert Alexander Stone.
Bà Nguyễn Hồng Ngọc Bích, Đồng sáng lập Cricket One, nói: "Tôi cảm thấy lạc quan hơn nhiều với thị trường hiện tại”. Trong một cuộc phỏng vấn, bà nói rằng qua thời gian, các nhà sản xuất thực phẩm từ côn trùng đã cải thiện chuyên môn, sáng tạo ra nhiều sản phẩm “ngon miệng” khác, không chỉ là những thanh protein.
"Nhiều công ty chú ý hơn đến cảm nhận của người tiêu dùng", bà nói. "Nếu sản phẩm không ngon, khách hàng sẽ không quay lại”.
Những người sành ăn côn trùng coi chúng là nguồn thực phẩm giàu protein và ít chiếm dụng đất đai, nhiên liệu và nước. Theo tạp chí khoa học Food Science of Animal Resources, protein chiếm tới 60% trong các loại côn trùng ăn được. Trong khi việc chăn nuôi côn trùng thải ra ít hơn 72% khí thải nhà kính so với ngành thịt, theo Animal Frontiers.
Cơ quan An toàn Thực phẩm Singapore (SFA) từ chối xác nhận việc đang xem xét đơn xin gia nhập thị trường của Cricket One. Cơ quan quản lý này nói với Nikkei Asia rằng họ sẽ đưa ra các quy định trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, Cricket One dự đoán các quy định sẽ sẵn sàng cho việc mở bán vào tháng 3 theo kế hoạch. Tờ Straits Times đưa tin, các công ty Singapore, từ trang trại đến nhà hàng, đã mệt mỏi vì sự chậm trễ của các quy định.
Cricket One coi Singapore là "bệ phóng" trước khi tiến các thị trường khác như Malaysia, Indonesia và có thể là Nhật Bản, Trung Quốc trong tương lai. Khi chế độ ăn chay ngày càng phổ biến, Singapore đã thu hút sự chú ý vào năm 2020 với tư cách là quốc gia đầu tiên bật đèn xanh cho thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
"Vì ngành côn trùng còn non trẻ ở Singapore, cần có các đòn bẩy chính sách trước khi được chấp thuận làm thực phẩm để đảm bảo an toàn, và cần thêm thời gian để thiết lập các quy định và kế hoạch thực hiện cần thiết", một phát ngôn viên của cơ quan an toàn thực phẩm nói với Nikkei. Người này cũng nhấn mạnh sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đối với thương mại hoá thị trường chăn nuôi côn trùng.
Năm ngoái, Brussels cho phép Cricket One độc quyền 5 năm để bán bột côn trùng của mình tại thị trường Liên minh châu Âu. Điều này khiến một số người chỉ trích rằng giới chức đang áp đặt các sản phẩm không quen thuộc lên người tiêu dùng.
Nhà nghiên cứu Julie Lesnik cho biết trong quá khứ, chính quyền đã tuyên truyền về những tác hại của côn trùng, để phân biệt họ với những vùng đất thuộc địa. “Những tư tưởng này vẫn còn tồn tại đến ngày nay”, Lesnik viết trên tạp chí Annals of the Entomological Society of America.
Khi những tư tưởng này mờ nhạt dần, những người ủng hộ như bà Nguyễn Hồng Ngọc Bích coi protein thay thế là cầu nối để mọi người giảm ăn thịt giết mổ, nếu không muốn nói là loại bỏ hoàn toàn loại thực phẩm này.
Bà Ngọc Bích cho biết hiện mảng bán buôn của Cricket One đang có lãi, nhưng không rõ liệu mảng bán lẻ có đạt được điều này hay không và khi nào.