Lý do 'bội thực' điều hòa đạt nhãn năng lượng 5 sao
"Model nào cũng có dán nhãn năng lượng 5 sao, từ loại rẻ 6-7 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng. Không rõ chúng có hiệu quả như nhau không", anh Khánh ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) nói.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều người cũng thắc mắc tương tự khi không biết dựa vào tiêu chí nào để xác định sản phẩm thực sự tiết kiệm điện. Một hệ thống siêu thị điện máy tại Hà Nội xác nhận hơn 90% sản phẩm điều hòa đang bán ra tại đây có nhãn năng lượng 5 sao, hầu hết sử dụng máy nén biến tần Inverter. Giá model rẻ nhất từ hơn 6 triệu đồng, trong khi đắt nhất hàng chục triệu đồng, sản xuất tại Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc...
Theo chuyên gia điện gia dụng Nguyễn Minh Tiến, tình trạng tràn lan điều hòa với nhãn năng lượng 5 sao là do nhà sản xuất sử dụng quy chuẩn quốc gia TCVN 7830:2015, vốn ra đời cách đây 10 năm và hiện không còn phù hợp.
"Với quy chuẩn này, điều hòa chỉ cần có chỉ số CSPF trên 4,2 là đạt 5 sao. Hiện nay, gần như cứ điều hòa có máy nén biến tần Inverter là sẽ đạt mức này", ông Tiến nói. CSPF là hiệu suất năng lượng, được tính toán thực tế bằng tỷ số giữa công suất làm lạnh và công suất điện cần thiết để vận hành điều hòa ở chế độ định mức. Số hiệu suất năng lượng càng lớn, điều hòa càng sử dụng điện hiệu quả.
Điều hòa Inverter đang ngày càng rẻ, nên các hãng cũng không còn "mặn mà" với công nghệ máy nén thông thường. Từ 2024, Casper dừng bán điều hòa không Inverter, thương hiệu mới như Comfee cũng chỉ kinh doanh máy Inverter, trong khi các hãng lớn như LG, Daikin, Gree, Panasonic chỉ ra thêm 1-2 model dùng máy nén thông thường.
Do đó, để tăng tính phân loại sản phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7830:2021 cho máy điều hòa không khí không ống gió. Tuy nhiên, tiêu chuẩn sẽ có hiệu lực từ 1/4/2025, các hãng điều hòa trong thời gian trước đó chỉ được khuyến khích, chưa bắt buộc dán nhãn mới.
Theo ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc sản phẩm điều hòa Comfee, các điều hòa mới ra mắt của công ty theo tiêu chuẩn TCVN 7830:2021 được thử nghiệm thực tế trong phòng thử nghiệm của Viện cơ khí năng lượng và mỏ Vinacomin. Tuy nhiên, thang chỉ số CSPF ứng với nhãn năng lượng có sự thay đổi lớn.
Theo đó, với TCVN 7830:2021, để đạt 5 sao, điều hòa phải có CSPF trên 5,2, hơn đáng kể mức 4,2 cũ. Để đạt 4 sao, sản phẩm cũng phải có chỉ số CSPF trên 4,8, trong khi bộ tiêu chuẩn giữ nguyên yêu cầu với nhãn 2, 3 sao.
Theo khảo sát của Toshiba Việt Nam tại siêu thị điện máy trên cả nước, khoảng 70% điều hòa có nhãn 5 sao hiện tại sắp tới sẽ chỉ ở mức 3 hoặc 4 sao. "Khi tiêu chuẩn mới có hiệu lực từ năm sau, sự phân biệt giữa các sản phẩm tiết kiệm năng lượng sẽ rõ ràng hơn, thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn", ông Nguyễn Huy Cường nói.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, khi mua điều hòa chưa dán nhãn theo tiêu chuẩn mới, người dùng có thể dựa vào chỉ số CSPF trên nhãn năng lượng và nên chọn model có CSPF trên 5,2, mức thường thấy ở các sản phẩm có chất lượng dàn nóng, dàn lạnh với linh kiện tốt, cho hiệu quả giải nhiệt nhanh, tiết kiệm năng lượng.
Ngoài chọn model tiết kiệm điện, các chuyên gia cho biết người dùng cần chú ý đến thói quen sử dụng, vệ sinh máy thường xuyên và lắp đặt nơi thông thoáng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để hạn chế tiêu thụ điện năng.