|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đón tin lành từ Nhật và Mỹ, xuất khẩu tôm Việt vẫn khó cán đích 4,2 tỉ USD

21:41 | 30/08/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu tôm trong tháng 7 đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản không mấy lạc quan trước triển vọng cán đích kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỉ USD trong năm nay.

Giải xong bài toán kháng sinh và thuế, xuất khẩu tôm tăng trưởng trở lại

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết: tháng 7, lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt tăng trưởng dương so với cùng kì năm ngoái khi kim ngạch đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kì năm 2018.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kì năm 2018. Tốc độ giảm đã chậm lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 7. 

xuất khẩu tôm

Diễn biến kim ngạch xuất khẩu tôm trong 7 tháng đầu năm. Số liệu VASEP, Bộ NN&PTNT (Đức Quỳnh tổng hợp)

VASEP cho biết giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng, nhu cầu thị trường sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 7.

Trong lũy kế 7 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 68,2%, tôm sú chiếm 21,6% và còn lại là tôm biển.

Tháng 7, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang top 8 thị trường nhập khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan đều tăng trưởng dương.

thị phần

Tỉ trọng tôm Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong 7 tháng đầu năm 2019. (Số liệu: VASEP, Đức Quỳnh tổng hợp)

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. Xuất khẩu sang Mỹ và Trung tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số lần lượt là 37,2% và gần 48%.

Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư kí VASEP cho biết hai năm nay trở ngành tôm phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao 5%, con số quá lớn so với khả năng cạnh tranh tôm Việt Nam. 

"Do đó, mức thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ giảm xuống còn 0% tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt so vơi Ấn Độ và Indonesia", ông Hòe nói.

Ngoài ra, ông Hòe cũng cho biết việc xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản tăng liên tiếp trong ba tháng nằm trong dự đoán của doanh nghiệp

"Thời gian qua, xuất tôm sang Nhật Bản giảm sút và năm nay tăng trở lại do chúng ta giải quyết được kháng sinh. Do đó, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu này thực chất là phục hồi đợt giảm sút trước đó.

Đối với doanh nghiệp, Nhật Bản là thị trường truyền thống và người tiêu dùng nước này thích tiêu thụ tôm Việt Nam", ông Hòe thông tin.

Tôm tẩm bột - cơ hội và rủi ro tại thị trường Mỹ

Ngoài ra, ông Hòe cho biết trong bối cảnh mặt hàng thủy sản của Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế cao do tác động của chiến tranh thương mại, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể xem xét khả năng bù đắp phần thiếu hụt do thuế quan. 

Một số cơ hội trước mắt có thể nhìn ra được đó chính là tôm tẩm bột khi mặt hàng này được doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Mỹ.

VASEP cho biết theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam vào Mỹ 5 tháng đầu năm nay đạt 4.281 tấn, trị giá 30,9 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong khi đó, lũy kế 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 6.839 tấn, trị giá 38,3 triệu USD tôm bao bột sang Mỹ, giảm 33% về khối lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ 2018.

VASEP nhận định trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm từ đầu năm, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm này có thể được coi là một dấu hiệu tích cực.

Phát biểu tại Hội thảo ngành tôm và thủy sản Việt Nam mới đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng nhận định, mặt hàng hàng tôm tẩm bột được xem là cơ hội đối với Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, nếu nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư xưởng sản xuất tôm bột để xuất sang Mỹ cũng là một rủi ro lớn trong trường hợp Trung Quốc đàm phán thành công với Mỹ để hạ thuế đối với sản phẩm này. Chi phí sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc.

Chia sẻ với người viết bên lề Hội thảo, ông Lực cho biết hiện nay Sao Ta đang nỗ lực tìm hợp đồng bán tôm bao bột vào Hong Kong, do thị trường này không áp bất cứ loại thuế nào đối với sản phẩm này.

Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là 3 nguồn cung chính tôm bao bột cho Mỹ, lần lượt chiếm 31%, 26%, và 25% tổng giá trị nhập tôm bao bột của Mỹ.

Khó đạt mục tiêu 4,2 tỉ USD trong năm nay

Theo ông Hòe, năm 2019 ngành tôm đặt mục tiêu 4,2 tỉ USD. Tuy nhiên, kết thúc 7 tháng đầu năm ngành mới chỉ đạt 43% kế hoạch. 

Đại diện VASEP cho biết thời gian cuối năm là lúc tiêu thụ tốt nên có thế doanh số nhiều hơn đầu năm do đó xuất khẩu tôm Việt Nam được kì vọng đạt những kết quả tích cực hơn.

Tuy nhiên, ông Hòe tỏ ra khá bi quan khi nhận định khả năng để đạt mục tiêu 4,2 tỉ USD khá khó khăn bởi sản lượng xuất khẩu những tháng tới không thể nào đột biến lớn mặc dù thuế suất đã xuống 0%. 

"Để đạt mức 4,2 tỉ thì cần hơn 2 tỉ USD nữa, câu chuyên đó trong 5 tháng còn lại không đơn giản. Do đó, có thể nói tôm chúng tôi kì vọng đạt 3,6 - 3,7 tỉ USD", Tổng Thư kí VASEP cho biết.

Còn theo vị Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta: tại thị trường Mỹ, Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh với tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador hay Indonesia. Theo đó, năm 2018 Ấn Độ chiếm 36% thị phần tại Mỹ, Indonesia chiếm 19%.

Trước áp lực cạnh tranh từ tôm của Ấn Độ, Ecuador, ông Lực lạc quan: "Sao Ta có thế mạnh là hàng giá trị gia tăng và uy tín thương hiệu tốt, sản phẩm vào nhiều kinh phân phối cấp cao nên vẫn cạnh tranh được với tôm giá rẻ nhưng trình độ chế biến thấp từ Ecuador hay Ấn Độ".

Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng mặc dù mặt hàng tôm đã được giảm thuế chống bán phá giá xuống còn 0% tại Mỹ nhưng rủi ro vẫn khó rất khó lường.

Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu thấp vẫn đang là vấn đề nhức nhối kéo dài từ đầu năm đến nay. Ông Lực cho biết giá chào bán tôm từ một số nước quá thấp. 

Với mức giá này, các nhà máy chế biến mua tôm block (tôm vỏ bỏ đầu, cấp đông thành các khối- PV) của các nước về chế biến lại còn có lợi nhiều hơn mua tôm tươi từ trong dân. 

Nhưng cách làm này không căn cơ và rủi ro lớn, sau khi các thị trường lớn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, mới nhất là Mỹ

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu khó kiểm soát được hoàn toàn các áo nuôi nhỏ lẻ để chắc chắn ao tôm nào tôm sạch nhất trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu ngày càng yêu cầu cao về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đức Quỳnh