|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp ngành gỗ chuyển đổi phương án kinh doanh

23:59 | 05/03/2020
Chia sẻ
Dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu; trong đó ngành gỗ cũng không tránh khỏi áp lực.
Doanh nghiệp ngành gỗ chuyển đổi phương án kinh doanh - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cần tìm kiếm phương thức xúc tiến thương mại và kinh doanh mới để thích ứng.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Mô hình 2O2: Nền tảng kinh doanh từ offline đến online” do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức chiều 5/3.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, dịch COVID-19 (virus corona) lây lan rộng sang nhiều quốc gia từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran đã khiến hàng loạt hội chợ nội thất trên toàn thế giới bị trì hoãn và hủy bỏ.

Tại Việt Nam, mặc dù đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để tổ chức Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2020) trong tháng 3 nhưng để bảo an toàn sức khỏe và hiệu quả thương mại tốt nhất cho doanh nghiệp, Ban tổ chức (HAWA) đã quyết định rời lịch sang thời điểm thích hợp hơn.

Bên cạnh đó, Hội đồng công nghiệp nội thất Đông Nam Á (AFIC) cũng quyết định rời chuỗi hội chợ chuyên ngành gỗ và nội thất tại ASEAN.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, các hội chợ đầu năm là mùa bán hàng quan trọng của ngành gỗ, nội thất.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng mẫu mã sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh cho năm 2020 để giới thiệu tại các triển lãm, tuy nhiên do tình huống bất khả kháng nên kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi.

Trong tình thế này, các doanh nghiệp và hiệp hội cần tìm kiếm giải pháp sản xuất và kinh doanh thay thế để ứng phó với mùa dịch COVID-19.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Scansia Pacific thông tin, do tác động của dịch COVID-19, ngành sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc đang bị đình trệ, hầu hết các nhà máy chưa hoặc sản xuất cầm chừng, gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện nay, các khách hàng lớn tại Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản… càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc, Đông Nam Á trở nên thị trường thay thế lý tưởng; trong đó Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực.

Thêm vào đó các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA đi vào thực thi càng tăng khả năng kết nối cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều thị trường mới được mở ra.

Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung, nguồn lực sản xuất Việt Nam đã sẵn sàng, các doanh nghiệp gỗ cần tiếp cận thị trường càng sớm càng tốt, doanh nghiệp cần phải nhanh, năng động để đón lấy cơ hội thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, đứng trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi. Một doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ thị trường.

Không chỉ có dịch bệnh mà trên thực tế doanh nghiệp còn phải đối mặt với các vấn đề khác như sự chuyển đổi không gian số nhanh hơn bao giờ hết, động thái tiêu dùng thay đổi liên tục…, những áp lực và thách thức đó buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, cải tiến ở tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại.

Ông Shawn Xu, Phó Chủ tịch điều hành Silversea Media Group (Singapore) nhận định, ngành nội thất đang chuyển đổi rất nhanh.

Những khách hàng trẻ cũng thay đổi cách mua hàng, thay vì đến từng cửa hàng để tìm kiếm sản phẩm thì ngày nay họ tìm sản phẩm và thông tin cửa hàng qua mạng internet, sau đó mới quyết định đến trực tiếp hoặc đặt hàng.

"Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thế mạnh sản xuất nội thất nhưng chủ yếu làm gia công nên lợi nhuận không nhiều. Sản phẩm Việt Nam có mặt ở khắp nơi trên thế giới nhưng hầu hết mang thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Tương tự, hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng của doanh nghiệp Việt cũng chủ yếu dựa trên việc gặp gỡ trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm.

Tuy nhiên, để thích ứng với những sự cố như COVID-19, doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp thị và bán hàng đa kênh.

Không chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống với những khách hàng lâu năm mà phải kết hợp giữa trực tiếp (offline) và qua công nghệ (online) để tiếp cận nhiều khách hàng mới hơn",  ông Shawn Xu chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Trần Quý Hiến, thành viên sáng lập Công ty Econstone cho rằng, dịch bệnh là sự cố bất khả kháng nhưng cũng là một yếu tố giúp doanh nghiệp nhận ra các vấn đề của mình, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển bùng nổ.

Thực tế là, từ trước khi có dịch COVID-19, mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống đã gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí vận hành quá lớn, kém năng động, một điển hình gần đây là việc đăng ký phá sản của Peer 1 Import – hệ thống kinh doanh đồ nội thất rất lớn tại Mỹ, buộc họ phải cải tổ để đi tiếp.

Ngược lại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng công nghệ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng hạn chế ra ngoài và đến nơi đông người thì thương mại điện tử càng trở thành công cụ bán hàng hiệu quả.

Không chỉ thương mại, doanh nghiệp cũng có thể vận dụng công nghệ vào thiết kế, sản xuất, xúc tiến thương mại và dịch vụ trải nghiệm cho khách hàng để nâng cao hiệu quả kinh doanh lâu dài.

Xuân Anh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.