|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quốc gia nào đang đầu tư nhiều nhất vào ngành gỗ của Việt Nam?

10:00 | 29/02/2020
Chia sẻ
Báo cáo công bố ngày 28/2 của Hiệp hội Gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam cho biết, đến nay, cả nước đang có tổng số 966 doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) hoạt động trong ngành gỗ, với tổng vốn đăng kí gần 6,3 tỉ USD.
Quốc gia nào đang đầu tư nhiều nhất vào ngành gỗ của Việt Nam? - Ảnh 1.

Đầu tư FDI vào ngành gỗ đang tăng trưởng mạnh.

Dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có nhiều DN FDI đầu tư vào ngành gỗ của Việt Nam là Đài Loan với 220 dự án và tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD. Xếp thứ 2 là Hồng Kông với 58 dự án và gần 952 triệu USD vốn đăng ký.

Với 217 dự án có tống số vốn đầu tư 651,4 triệu USD, Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 3 về quy mô đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Các quốc gia xếp sau là Hàn Quốc (103 dự án, 650 triệu USD) và British Virgin Islands (46 dự án, 894,4 triệu USD).

Quy mô vốn trung bình của mỗi dự án năm 2019 đạt 6,5 triệu USD, chủ yếu do sự xuất hiện của 1 nhà máy có quy mô vốn đặc biệt lớn từ Hàn Quốc. Trong các quốc gia đầu tư, quy mô vốn của mỗi dự án FDI từ Trung Quốc là nhỏ nhất (3 triệu USD/dự án).

Theo Hiệp hội Gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam, FDI trong ngành gỗ vẫn đang tăng mạnh. Năm 2019, có 99 dự án FDI mới đăng ký đầu tư vào ngành gỗ, tăng 48% so số dự án của năm 2018. Tổng số vốn đăng ký cho các dự án mới đạt trêm 726 triệu USD, tăng gần 170% so với vốn đăng ký của các dự án mới năm 2018.

Trong năm 2019, lần đầu tiên ngành gỗ đón nhận 1 dự án FDI của Hàn Quốc với quy mô vốn lên tới 163,2 triệu USD, lớn nhất trong lịch sử của ngành. Cùng năm, ngành gỗ còn có thêm 4 dự án FDI với mỗi dự án có vốn đầu tư từ 50 triệu USD trở lên.

Số lượt các dự án FDI tăng vốn đầu tư trong năm 2019 tăng 36%, từ con số 36 lượt năm 2018 lên 49 lượt năm 2019. Tổng số vốn tăng thêm do các lượt tăng vốn đạt 364,7 triệu USD, tăng 220% so với vốn tăng của nhóm các hoạt đông này trong năm 2018.

Các giao dịch góp vốn mua cổ phần cũng sôi động hơn với 286 số lượt góp vốn, tăng 51% so với năm 2018. Tuy nhiên, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần giảm 50% so với năm 2018, chỉ đạt 319,2 triệu USD trong năm 2019 (so với 633,9 triệu USD năm 2018).

Trọng Tùng