|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ tháng 1/2020 ước giảm hơn 10% do kì nghỉ Tết Nguyên đán

14:36 | 06/02/2020
Chia sẻ
Hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do kì nghỉ lễ Tết Nguyên Đán vào tuần cuối tháng 1/2020 là nguyên nhân chính dẫn tới trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2020 đạt 1 tỉ USD, giảm 10,3% tháng 12/2019 nhưng tăng 1,4% so với tháng 1/2019.

Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 748 triệu USD, giảm gần 11% so với tháng 12/2019 nhưng tăng 1,6% so với tháng 1/2019. 

Hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do kì nghỉ lễ Tết Nguyên Đán vào tuần cuối tháng 1/2020, là nguyên nhân chính dẫn tới trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh so với tháng 12/2019. 

Cũng theo Bộ Công Thương đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong năm 2019, đạt 7 tỉ USD, tăng 25,2% so với năm 2018, chiếm tới 65,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2018. 

Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng xuất khẩu có trị giá dẫn đầu đạt 2,25 tỉ USD, tăng 25,3% so với năm 2018. 

Trị giá xuất khẩu ghế khung gỗ đạt 2 tỉ USD, tăng 43,4% so với năm 2018, đây là mặt hàng xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.

Xuất khẩu gỗ tháng 1/2020 ước giảm hơn 10% do kì nghỉ Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 12 và năm 2019. Nguồn: Bộ Công Thương/Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.

Tiếp theo là các mặt hàng như đồ nội thất phòng ngủ, đồ nội thất nhà bếp và đồ nội thất văn phòng. 

Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, năm 2019 Việt Nam còn xuất khẩu một số mặt hàng khác như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ… 

Đối với mặt hàng dăm gỗ, tỉ trọng xuất khẩu giảm trong bối cảnh xuất khẩu sản phẩm gỗ ngày càng tăng, ngành công nghiệp chế biến gỗ đang rất cần nguyên liệu. 

Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam có thể thực thi chính sách lâu dài nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để mở rộng chế biến và nâng giá trị gia tăng sản phẩm trong nước. Trong năm 2019, xuất khẩu dăm gỗ giảm tỉ trọng là dấu hiệu tốt cho ngành gỗ chễ biến của Việt Nam trong thời gian tới.

Như Huỳnh