|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguyên đơn phía Mỹ yêu cầu điều tra lẩn tránh thuế, chống bán phá giá sản phẩm gỗ ép Việt Nam

22:31 | 02/03/2020
Chia sẻ
Nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra, xác định tồn tại hành vi lẩn tránh và áp dụng biện pháp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đã nhận được thông tin về việc Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng (nguyên đơn), gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.

Phía nguyên đơn yêu cầu DOC điều tra sản phẩm ván ép gỗ cứng có mã HS theo phân loại của Hải quan Mỹ. Nguyên đơn cho rằng, sau khi áp thuế với mặt hàng của Trung Quốc, các nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ.

Nguyên đơn phía Mỹ yêu cầu điều tra lẩn tránh thuế, chống bán phá giá sản phẩm gỗ ép Việt Nam - Ảnh 1.

Sản phẩm ván ép gỗ cứng.

Nguyên đơn cũng cáo buộc, các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết, thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc.

Dựa trên cáo buộc này, nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra, xác định tồn tại hành vi lẩn tránh và áp dụng biện pháp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện. Thêm vào đó, nguyên đơn cũng yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp với tất cả các nhà xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc của Việt Nam.

Hồi tháng 1/2018, DOC đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cũng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36%; mức thuế chống trợ cấp là 22,98% - 194,9%.

Sau khi áp thuế, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi nhanh chóng, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng, từ 63 triệu USD năm 2017 lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019.

Nguyễn Quỳnh