Doanh nghiệp mía đường nỗ lực ứng phó ATIGA
Giảm giá mía nguyên liệu, nâng cao chất lượng là giải pháp mấu chốt giúp ngành mía đường tăng sức cạnh tranh. (Ảnh: ST) |
Đâu là điểm yếu?
Việt Nam là một trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có sản xuất đường với quy mô công nghiệp lớn. Theo Bộ NN&PTNT, sau 22 năm đầu tư, phát triển, ngành mía đường Việt Nam hiện có sức cạnh tranh yếu. Một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới tình trạng trên là giá mía nguyên liệu cao, khi đa số diện tích trồng mía là sở hữu của nông dân (quy mô hộ), quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hạ tầng cơ sở yếu kém. Việc áp dụng cơ giới hóa, tưới và các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt hạn chế, năng suất, chất lượng mía thấp…
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới nói chung, trước áp lực mốc ATIGA 2018 nói riêng, nhiều DN mía đường đã nhìn rõ điểm yếu, từ đó tạo dựng được mối liên hệ gắn bó giữa DN với nông dân cùng phát triển vùng nguyên liệu.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Thời gian qua, một loạt DN như Công ty CP Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP đường Quảng Ngãi… đã nâng năng suất mía lên 80-90 tấn/ha, thậm chí là 100-120 tấn/ha thông qua việc chủ động áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu giống, phân bón, canh tác, thu hoạch…
Việc kết hợp, gắn bó với người nông dân được củng cố chặt chẽ, thể hiện rõ ở khâu cung cấp nguồn giống. Thực tế cho thấy, chỉ cần giải quyết tốt khâu giống, năng suất mía đã có thể tăng lên ít nhất 8-10 tấn/ha. Do vậy, các DN đã đầu tư nghiêm túc, phát triển các giống mía chịu được hạn hán, xâm nhập mặn nhằm ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ.
Trước đây, phần lớn giống là do các hộ nông dân tự để lại và trồng, song hiện nay không ít nhà máy có trung tâm sản xuất giống riêng cung cấp cho người nông dân. “Trường hợp tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn là ví dụ khá rõ ràng. Công ty có cả Trung tâm công nghệ sinh học cao tạo ra giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô. Giống mía được sản xuất, sau đó chuyển ra trại nhân giống và cung cấp cho người dân trồng. Cách làm này đã giúp năng suất mía đảm bảo trung bình từ 100-120 tấn/ha”, ông Doanh nhấn mạnh.
Bên cạnh giống mía, hiện nhiều DN cũng phối hợp chặt chẽ với người nông dân để kiểm soát tốt hơn các khâu như tưới nước, bón phân, làm đất, thu hoạch… nhằm đảm bảo mía đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Cụ thể như ở khâu bón phân, nông dân vẫn quen với công thức bón cho đủ số lượng, ví dụ 1 ha sẽ tương ứng với số kg phân nhất định. Tuy nhiên, giờ nhiều nhà máy đã chọn cách kết hợp với các nhà máy sản xuất phân bón để lấy đất khu vực trồng mía đem đi phân tích nông hóa thổ nhưỡng. Khi xác định được đất đang cần chất gì thì tiến hành bổ sung phân bón cho hiệu quả.
Xu hướng M&A
Ngoài tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mía, giảm giá thành sản phẩm, để tăng sức cạnh tranh, nhiều DN ngành mía đường lựa chọn phương án tái cơ cấu DN, đổi mới quản trị DN, đổi mới khoa học công nghệ… Cụ thể như, Tổng công ty Mía đường I đã tiến hành thoái hết phần vốn nhà nước. Công ty CP đường Quảng Ngãi tiến hành mở rộng quy mô sản xuất… Đáng chú ý hơn cả là động thái sáp nhập (M&A) lẫn nhau giữa các DN.
Trường hợp điển hình là ngay cuối tháng 5 vừa qua, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh và Công ty CP Đường Biên Hòa, hai đơn vị trực thuộc Tập đoàn Thành Thành Công đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua chủ trương sáp nhập.
Kết quả của việc sáp nhập là các cổ đông của cả hai công ty sẽ nhận được lợi ích trực tiếp khi hiệu quả hoạt động được gia tăng sau sáp nhập nhờ cộng lực các yếu tố như: Cắt giảm chi phí ở những bộ phận có cùng chức năng, tăng doanh thu, nâng cao tiềm lực tài chính làm gia tăng giá trị DN, đặc biệt là tăng giá trị vốn chủ sở hữu và thanh khoản cổ phiếu được tốt hơn.
Nhìn nhận về động thái M&A giữa các DN, ông Doanh cho rằng, trong ngành mía đường, có những DN quy mô nhỏ, trước áp lực lớn sẽ khó cạnh tranh để tồn tại, thậm chí có DN phải đóng cửa, dừng sản xuất. Khi đó, việc M&A diễn ra là xu hướng bình thường, thậm chí tất yếu.
Liên quan tới “bài toán” làm sao để ngành mía đường cạnh tranh tốt hơn trong hội nhập nói chung, trước áp lực ngưỡng ATIGA 2018 nói riêng, Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp tái cấu trúc toàn bộ ngành đường, hình thành các tập đoàn, các công ty lớn, trong đó có các DN “đầu tàu” và các DN “vệ tinh”.
Đại diện Bộ NN&PTNT nhận định: Hiện nay, Việt Nam đã có các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả như Công ty CP đường Quảng Ngãi, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Tập đoàn Thành Thành Công… Thời gian tới, cần đánh giá, tổng kết các mô hình này để nhân rộng phát triển trong phạm vi toàn ngành.
Đại diện một số DN mía đường đánh giá: Từ năm 2018, ngành mía đường sẽ chịu sức ép và rủi ro lớn khi Việt Nam nằm sát cạnh Thái Lan, nước XK đường thứ hai thế giới và là quốc gia có nhiều chính sách bảo hộ đáng kể ngành đường.
Để khắc phục tình trạng này, các DN kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các cơ chế kiểm soát NK và giá bán buôn, bán lẻ đường trong nước thông qua việc tiếp tục đàm phán xác định lượng NK theo quota; đấu thầu hạn ngạch NK với cơ chế giá thị trường trong nước; quy định và kiểm soát giá bán buôn, bán lẻ đường, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường nhập lậu một cách hiệu quả.
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được ký kết ngày 26/2/2009 tại Hội nghị cấp cao lần thứ 14, tại Thái Lan giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đúng theo lộ trình cắt giảm thuế quan ATIGA, đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế XNK) xuống 0%. Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA.
Còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018 (gồm các mặt hàng nhạy cảm cần có lộ trình bảo hộ dài hơn, chủ yếu như: Sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất...) và 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan (bao gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5%: Gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường).
Cơ cấu lại ngành mía đường: Xu hướng tất yếu khi hội nhập Ngành mía đường Việt Nam đang tình trạng năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản xuất cao so với các ... |