Cơ cấu lại ngành mía đường: Xu hướng tất yếu khi hội nhập
Ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt sức ép cạnh tranh lớn từ thị trường thế giới (ảnh minh họa: KT) |
Năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản xuất cao so với các nước trong khu vực và thế giới là những tồn tại và bất lợi của ngành mía đường khi thực hiện cam kết với Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo lộ trình, sau năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Đến thời điểm này, lượng đường từ các quốc gia ASEAN, trực tiếp là Thái Lan, sẽ tạo ra những sức ép không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi ngành mía đường phải tổ chức lại sản xuất để tồn tại, phát triển nếu không muốn thất bại trên sân nhà khi phải cạnh tranh với những sản phẩm đường của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Năng suất thấp
Năng suất thấp là nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất đường của Việt Nam cao hơn so với các nước khác. Thực trạng này là do diện tích trồng mía manh mún khiến việc cơ giới hóa trong canh tác mía còn rất hạn chế dẫn đến thu nhập của nông dân và lợi nhuận của doanh nghiệp không cao…
Anh Trần Văn Công (ở xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, ruộng mía của gia đình rộng hơn 1 ha nhưng chia làm 2 thửa và trồng 2 giống mía khác nhau là đường 55 và ROC16, do ruộng nhỏ máy cắt mía không vào được nên phải thuê 10 công nhân để chặt mía khiến chi phí đội lên gấp 3 lần.
"Với 20 ha mía trồng ở đây, nếu sử dụng máy với ô tô vận chuyển liên tục thì chỉ trong 24 tiếng là đường đã ra, theo đó sẽ nâng giá trị của đường và thu nhập cho nông dân. Còn như ở gia đình với hơn 1ha phải mất từ 7 triệu đến 8 triệu đồng thuê nhân công thu hoạch. Còn nếu thuê máy thì chỉ mất từ 4,5 triệu đồng, mình vẫn tiết kiệm được tiền thuê nhân công"- anh Công cho biết.
Theo tính toán, nếu áp dụng cơ giới hóa trong canh tác có thể giúp giảm 20% chi phí sản xuất và tăng năng suất đường trên mỗi ha lên 15% đến 20%. Trong khi yếu tố sản xuất mía trên cánh đồng đang quyết định hơn 80% giá thành đường, thì những yếu kém về giống mía, diện tích nhỏ lẻ không thể cơ giới hóa trong sản xuất làm giảm sức cạnh tranh của mía đường Việt Nam….
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam chia sẻ: "Giảm giá thành để cạnh tranh quan trọng nhất là phải giảm giá thành mía nguyên liệu. Muốn giảm giá thành mía nguyên liệu thì phải hướng đến sản xuất tập trung hàng hóa chứ không phải sản xuất tiểu nông như bây giờ".
Thiếu gắn kết
Các chuyên gia cho rằng, giải quyết những tồn tại và bất cập của ngành mía đường cũng như tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mang đến nhiều cơ hội cho ngành mía đường. Tuy nhiên, ngành cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia sân chơi thương mại rộng lớn, cạnh tranh công bằng dựa trên những yếu tố về chất lượng và giá thành.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, 1 tấn đường Việt Nam sản xuất cao gấp 2,5 lần so với Brazil, so với Thái Lan là gần gấp đôi. Nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 13.000 đồng/kg, trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg….
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, giải bài toán của ngành mía đường đem lại nhiều lợi ích nhưng ở góc độ của doanh nghiệp thực hiện kể cả việc trồng vùng nguyên liệu riêng cũng như phát triển công nghiệp chế biến đường phải theo quy luật thị trường. Bất cập của ngành hiện nay là thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân và chưa chủ động trong nhận diện thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Việc tổ chức nông dân trồng mía theo vùng quy hoạch và theo chuỗi và gắn với thị trường tiêu thụ ổn định kể cả trong nước cũng như xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng những công nghệ để đạt năng suất chất lượng mía cao đủ sức cạnh tranh. Bản thân từng doanh nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp mía đường cũng phải có sự điều chỉnh, nhất là tăng tính liên kết, phát triển chuỗi gắn với nông dân và thị trường trên cơ sở này đầu tư công nghệ, phân công cụ thể trong chuỗi giá trị. Đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển để nâng cao khả năng cạnh tranh"- ông Phong khuyến nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chậm, đường tồn kho cao cùng diễn biến phức tạp của đường nhập lậu thì việc thực hiện cam kết song phương và đa phương trong hội nhập đòi hỏi ngành phải thay đổi để tồn tại, phát triển. Ngành xác định trong thời gian tới sẽ tạo các khâu đột phá về giống, thủy lợi và cơ giới hóa, đặc biệt là tổ chức lại sản xuất của ngành mía đường...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: "Phải chủ động xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành mía đường để thích ứng với biến đổi khí hậu và trong điều kiện hội nhập cạnh tranh với thị trường quốc tế. Theo đó, ngành cần theo lộ trình đầu tư vùng nguyên liên gắn kết với nông dân, đồng thời áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao giá trị các sản phẩm phụ sau đường để tạo thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp".
Trước những cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập quốc tế, đã đến lúc ngành mía đường phải tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đổi mới toàn diện về quy mô, giống cây trồng, phương thức, công nghệ sản xuất...Các doanh nghiệp mía đường phải tìm cách giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới hy vọng có thể tồn tại sau thời điểm năm 2018.
Ngành mía đường, nếu không tái cấu trúc... Chính phủ Thái Lan và Philippines đã và đang có những hành động cụ thể nhằm tái cấu trúc mạnh mẽ ngành mía đường. Trong ... |
Đường trong nước trước áp lực giảm giá Thuế suất nhập khẩu đường sẽ không còn là rào cản để bảo vệ ngành đường trong nước trong thời gian tới, trong khi xuất ... |
Chữ đường: 'Góc tối' ngành mía đường Một chuyên gia có tiếng trong ngành đường nói, chữ đường là một bí ẩn đào sâu chôn chặt của các NM đường, "vết đen" ... |