Doanh nghiệp may mặc khó tìm đơn hàng cuối năm
Song năm nay, đa phần các doanh nghiệp mới ký kết đơn hàng đủ sản xuất từ 50-60% công suất trong tháng 11, tháng 12. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không chỉ "ăn đong" từng đơn hàng mà còn bị ép giá xuống tới 20-30%.
Là một trong những nhà máy thuộc Tập đoàn Tiên Sơn (Thanh Hóa), hiện Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà (Thị xã Bỉm Sơn) đang tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 1.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 9 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm này năm trước, các đơn hàng tăng đột biến dịp cuối năm nên doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động, tổ chức tăng ca…
Tuy nhiên, thời điểm này, việc tìm kiếm đơn hàng gặp nhiều khó khăn, nên việc sản xuất chỉ tiến hành cầm chừng để níu chân người lao động. Nếu tình trạng kéo dài có thể doanh nghiệp sẽ phải tính đến phương án cắt giảm lao động vì không có việc làm…
Chị Nguyễn Thị Tươi, Công nhân tổ 6, nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Công ty cổ phần tập đoàn Tiên Sơn, Thanh Hóa cho biết, tầm giờ năm ngoái, công ty có nhiều đơn hàng nên công nhân không lo hết việc, thậm chí thường xuyên tăng ca, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên năm nay, do thị trường khó khăn nên rất ít việc làm, nếu tình trạng này kéo dài nguy cơ công ty sẽ phải cắt giảm nhân công. Tết Nguyên đán cận kề nên công nhân rất lo lắng không có việc làm, thu nhập giảm.
Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân tổ 14, nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Công ty cổ phần tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa mong muốn công ty tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng để công nhân có thêm việc làm tăng thu nhập. Bởi, thời điểm này năm ngoái, thu nhập bình quân của công nhân sau khi tăng ca từ 12 đến 13 triệu nên cũng có nguồn thu nhập chăm lo cho Tết, nhưng năm nay dự báo sẽ rất khó khăn vì thu nhập giảm gần một nửa do thiếu đơn hàng.
Tình trạng thiếu đơn hàng đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng đầu tháng 7/2022. Hiện có khoảng 2/3 các doanh nghiệp hội viên thuộc hiệp hội dệt may Thanh Hóa bị thiếu đơn hàng và phải tìm các biện pháp để duy trì sản xuất, ổn định việc làm và giữ chân người lao động. Trước mắt, các doanh nghiệp dệt may đang triển khai một số giải pháp tạm thời như: chấp nhận đơn hàng giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động, hoặc cho công nhân giãn việc, cắt giảm nhân sự do không đủ nguồn lực tài chính.
Ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Công ty cổ phần tập đoàn Tiên Sơn, Thanh Hóa chia sẻ, thời điểm này năm 2021, lương công nhân năm ngoái được khoảng 9 triệu, năm nay lương bình quân thấp xuống còn 6 triệu vì không có đơn hàng. Tới đây, khoảng tháng 1-2/2023, khách hàng đã thông báo sẽ cắt giảm 50 % đơn hàng nên công nhân sẽ phải giảm ngày làm, giảm giờ làm, thậm chí phải nghỉ việc.
Để vượt qua thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm; tìm đối tác mới ngay chính trong thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao. Đồng thời, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường; chủ động kết nối và chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích với các doanh nghiệp khác.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc thời điểm này, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 262 doanh nghiệp dệt may, tạo công ăn việc làm cho hơn 100.000 lao động với mức thu nhập ổn định.
Năm 2022 do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 của 2 năm 2020-2021, ngành may nói chung và Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp rất nhiều khó khăn như phải sản xuất giãn cách thay ca, thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Đầu năm 2022, sau khi các thị trường mở cửa, ngành may đã khởi sắc lại, tuy nhiên từ tháng 9/2022 đến nay do lạm phát toàn cầu nên các đơn hàng may mặc đã bị cắt giảm, có những đơn hàng bị cắt giảm tới 70%-80%, thậm chí huỷ 100% đơn hàng.
Hiện tại, các công ty may trong Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa rơi vào tình trạng thiếu việc làm, có những doanh nghiệp phải giảm bớt lao động hoặc đi làm luân phiên ngày làm ngày nghỉ. Bên cạnh đó, các công ty cũng dặp khó khăn về tài chính do các ngân hàng siết chặt; có nhiều doanh nghiệp trả nợ vào nhưng không vay ra được...
“Đứng trước khó khăn đó, Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa liên tục tổ chức tọa đàm kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giữ vững và tồn tại để phát triển sau này. Đó là phải nới room tài chính, ưu tiên giải ngân cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu để có điều kiện bù đắp tiền lương, chế độ, giữ chân người lao động để những năm tiếp theo khi thị trường thế giới ổn định và phát triển, ngành dệt may tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước, cũng như ngân sách địa phương…”, ông Lâm kiến nghị.