|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may mùa dịch: Dệt Hà Tây ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập, May 10 đã xây dựng kịch bản ứng phó dài hạn

16:42 | 06/03/2020
Chia sẻ
Cả Dệt Hà Tây và May 10 đều đã xây dựng các phương án ứng phó với tác động của dịch COVID-19, đồng thời cả hai doanh nghiệp cũng chuẩn bị cho thời điểm EVFTA có hiệu lực.
Doanh nghiệp dệt may, da giầy chủ động lên kế hoạch đối phó với COVID-19 và chuẩn bị cho EVFTA - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm các xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây. Nguồn: Bộ Công Thương

Chiều ngày 5/3, Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh đã có buổi thực địa tại Tổng Công ty May 10 (May 10 - Mã: M10) và Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây (Dệt Hà Tây) để tìm hiểu về tình hình kinh doanh và các khó khăn mà doanh nghiệp dệt may và da giày đang gặp phải trong nạn dịch COVID-19.

Theo Bộ Công Thương, dệt may và da giày được đánh giá là hai lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và nặng nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Dệt Hà Tây chuyên về sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với công suất 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc của Dệt Hà Tây, tuy tỉ lệ nội địa hóa của Công ty trên 70%, nhưng một số vải đặc chủng vẫn cần nhập khẩu. Theo đó, nguồn nguyên liệu hiện tại đang là một vấn đề khó khăn.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, ông Tùng chia sẻ vì Dệt Hà Tây sản xuất theo hình thức FOB nên Công ty đang tìm kiếm thêm các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đàm phán lùi đơn hàng với khách hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên liệu.

Doanh nghiệp dệt may, da giầy chủ động lên kế hoạch đối phó với COVID-19 và chuẩn bị cho EVFTA - Ảnh 2.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (phải) lắng nghe ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nguồn: Bộ Công Thương

Song song đó tại Tổng Công ty May 10, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Ban phòng chống dịch bệnh đã được thành lập để bảo vệ sức khỏe cho 12.000 người lao động thuộc hơn 18 nhà máy, xí nghiệp. 

Nhận xét về tình hình kinh doanh của May 10, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty cho biết May 10 đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó là sức ép lãi vay, trả nợ gốc, vấn đề nhân công và nguy cơ khách hàng hủy đơn do nguồn cung bị ảnh hưởng trong khi đối tác vẫn cần hàng.

Tuy nhiên, ông Việt cũng chia sẻ, May 10 đã bắt đầu xây dựng các phương án cho trường hợp dịch bệnh kết thúc hoặc kéo dài. 

Ngoài ra, khi thảo luận về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cả hai doanh nghiệp đều có chung nhận định tích cực về triển vọng và sự chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội này.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, bên cạnh thuận lợi về thuế suất, các đối tác châu Âu cũng đánh giá cao chất lượng sản phẩm và uy tín của Công ty. Theo đó, EVFTA là đòn bẩy giúp doanh nghiệp xuất khẩu vào EU một cách tốt hơn.

Cùng ý kiến, ông Thân Đức Việt cũng cho rằng EVFTA là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và tăng năng lực cạnh tranh khi các dòng thuế giảm ngay về 0%, hoặc giảm dần từ 3-7 năm khi có hiệu lực.

Thiên Cơ