|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may lại sóng gió

10:45 | 15/08/2021
Chia sẻ
Theo VNDirect, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm nay liên quan đến gián đoạn hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng và thiếu nhân lực do dịch COVID-19.

Chi phí tăng, thiếu hụt nguồn nhân lực trong quý III

Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán VNDirect, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm nay. Chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu vì dịch COVID-19 và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.

Cụ thể, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, VNDirect dự báo chi phí tăng thêm cho việc sinh hoạt và tiêm chủng COVID-19 cho nhân viên sẽ chiếm 10% chi phí quản lý doanh nghiệp của các công ty dệt may trong năm nay.

Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM. Trước đó chi phí vận tải bằng container đã tăng ba lần trong 6 tháng đầu năm.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 8, số lượng công nhân dự kiến cũng chỉ đạt 60 - 65%. Do đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng sẽ thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý III.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết có khoảng 50% nhà máy dệt đặt tại khu vực miền Nam nhưng tỷ lệ đóng cửa đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ". Đồng thời, ngành này đang phải chứng kiến sự thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vắc xin ở mức thấp.

Ở kịch bản tích cực rằng dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8, Vitas dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong năm nay có thể chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 84% kế hoạch kinh doanh năm (39 tỷ USD).

Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, VNDirect kỳ vọng rằng những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc.

Các chuyên gia phân tích cho rằng TNG, MSH và GIL có thể là những doanh nghiệp hưởng lợi nhất vì các nhà máy của họ đang được đặt tại Thái Nguyên, Nam Định và Huế - những nơi nằm ngoài tâm dịch hiện tại.

Việc sinh hoạt, tiêm vắc xin có thể chiếm 10% chi phí QLDN ngành dệt may trong năm 2021 - Ảnh 1.

Hình minh họa: TCM.

Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn có khả năng vượt kế hoạch năm

VNDirect cũng đưa ra các dự phóng về lãi ròng năm 2021 của một số doanh nghiệp dệt niêm yết. Cụ thể, đối với CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH), năm nay công ty có thể đạt 448 tỷ đồng lợi nhuận ròng, vượt 56,5% so với kế hoạch năm. 

VNDirect nhận định điều này là nhờ kết quả kinh doanh khả quan của MSH trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, MSH cũng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do các nhà máy tại Nam Định nằm ngoài tâm dịch; và nhà máy May Sông Hồng 10 dự kiến tăng 20% công suất MSH trong quý IV.

CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã: GIL) có thể lãi ròng 350 tỷ đồng năm nay, vượt 94,4% kế hoạch năm công ty đề ra nhờ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 6 tháng đầu, các nhà máy đặt tại Huế không ở tâm dịch hiện tại và triển vọng hợp tác với các đơn vị bán lẻ trực tuyến lớn như Amazon và IKEA.

Đối với CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), các chuyên gia cho rằng trong quý II và quý III, công ty sẽ thiếu hụt đơn hàng khẩu trang y tế và vải anti-virus.

Ngoài ra, các nhà máy của TCM đặt tại tỉnh Vĩnh Long, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt bùng phát dịch COVID-19, đang thực hiện "3 tại chỗ" cho người lao động ở lại các nhà máy nên sẽ làm tăng thêm 15% chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2021.

VNDirect nhận định CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) có thể đạt lãi ròng 296 tỷ đồng năm 2021 nhờ việc chuyển đổi đơn hàng từ sợi nguyên sinh sang sợi tái chế và giành thêm thị phần từ thị trường Mỹ do chỉ chịu mức thuế chống bán phá giá sơ bộ thấp. 

Ngoài ra, việc cho ăn, ở và tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên sẽ làm tăng thêm chi phí khoảng 3 tỷ đồng.

Còn CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) được dự báo có khả năng vượt 31% kế hoạch năm nhờ lợi nhuận của mảng bất động sản khu công nghiệp trong 6 tháng cuối năm dự kiến đạt 70 tỷ đồng; tận dụng lợi thế từ việc chuyển dịch đơn hàng từ Ấn Độ và Myanmar; và không bị ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.

Tường Vy