|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất chấp dịch COVID-19, nhu cầu tuyển nhân sự ngành dệt may tăng mạnh 6 tháng đầu năm

07:40 | 05/08/2021
Chia sẻ
Do tình hình bất ổn ở một số quốc gia láng giềng, các đơn hàng dệt may đổ về thị trường Việt Nam nhiều hơn dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dệt may tăng mạnh.
Nhu cầu tuyển nhân sự ngành dệt may tăng mạnh 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Hình minh họa: TTXVN.

Hãng cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa phát hành báo cáo "Nhân sự ngành dệt may: Cơ hội và thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng từ thị trường". Theo đó, thị trường nhân sự ngành dệt may đang chứng kiến sự bùng nổ về tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, trong giai đoạn này, do tình hình bất ổn ở một số quốc gia láng giềng, các đơn hàng dệt may đổ về thị trường Việt Nam nhiều hơn dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) dệt may tăng mạnh. 

Tháng 6 và 7 hằng năm là mùa cao điểm của việc sản xuất các đơn hàng dành cho mùa thu - đông. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa quay trở lại mức tăng như năm 2019.

Theo quan sát của Navigos, hiện nay các nhà máy sản xuất tại Việt Nam (bao gồm cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài và các DN Việt Nam) do có sự đầu tư lớn, đã có nhiều thay đổi và có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, từ dây tiêu chuẩn chuyền sản xuất, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đến các tiêu chuẩn về nhân sự như độ tuổi lao động, chế độ lao động, mức lương, thưởng…

Chính vì vậy, khối khách hàng ngành dệt may chuyển sang làm việc trực tiếp với các nhà máy sản xuất tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt là các vị trí: Tìm nguồn cung ứng vật tư, quản lý chất lượng; phát triển mẫu mã và kỹ thuật sản phẩm, các vị trí về kỹ thuật như kỹ sư, cải tiến sản xuất…

Báo cáo cũng cho thấy so với 5 năm trước, các ứng viên trong ngành dệt may đã được cải thiện về các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật, ngoại ngữ… Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều trường đại học, cao đẳng đã đào tạo chính quy về lĩnh vực dệt may. 

Bên cạnh đó, nhờ vào sự hợp tác giữa các DN dệt may với các trường đại học trong việc thiết kế và ứng dụng các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật nên khi các ứng viên mới ra trường đã có thể áp dụng từ 50 - 60% kiến thức đã học áp dụng vào các công việc thực tế.

Navigos cũng chỉ ra những ưu - nhược điểm lớn của lao động Việt Nam. Theo đó, người Việt có ưu điểm lớn nhất là ham học hỏi và học rất nhanh về kỹ thuật để có kỹ thuật chuyên sâu. 

Trái lại, vấn đề về ngoại ngữ là rào cản lớn nhất của họ, đồng thời, độ lăn xả với công việc, đam mê làm việc cũng được nhận xét là chưa cao. Các vị trí khó trong lĩnh vực dệt may (trưởng bộ phận về kỹ thuật, chuỗi sourcing) vẫn phải tuyển các ứng viên người nước ngoài.

Tuy vậy, Navigos cho rằng các ứng viên trong ngành dệt may có các cơ hội chuyển đổi linh hoạt sang các lĩnh vực khác cũng như các ứng viên ở ngành khác cũng có thể chuyển sang làm việc trong mảng dệt may. Các lĩnh vực mà ứng viên ngành dệt may có thể chuyển đổi linh hoạt như lĩnh vực điện tử, đóng gói, tìm nguồn/chuỗi cung ứng,…

Tường Vy