|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp công nghệ Châu Á vội vàng tìm nơi trú ẩn giữa bão tố thương mại, không ít DN chạy tới Việt Nam

18:02 | 14/05/2019
Chia sẻ
Ngành công nghệ châu Á đang gấp rút phòng tránh kết quả tồi tệ nhất của cuộc chiến tranh thương mại toàn diện sau khi Mỹ tuyên bố kế hoạch áp thuế 25% lên hơn 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp quyết định chuyển sản xuất sang Việt Nam
Doanh nghiệp công nghệ Châu Á vội vàng tìm nơi trú ẩn giữa bão tố thương mại, không ít DN chạy tới Việt Nam - Ảnh 1.

Công ty công nghệ châu Á sắp khởi xướng kế hoạch dự phòng chiến tranh thương mại. (Ảnh: AP)

Theo Nikkei Asia Review, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vào ngày 13/5 đã chính thức tuyên bố sẽ lấy ý kiến công khai về danh sách thuế quan mới, bao gồm hơn 3.800 mặt hàng, trong đó có các thiết bị điện tử tiêu dùng cho đến nay vẫn được miễn thuế.

Asustek Computer lên kế hoạch sang Việt Nam từ 2018

Asustek Computer, một trong những nhà sản xuất máy tính PC hàng đầu thế giới, đã báo hiệu rằng họ sẽ thực hiện kế hoạch dự phòng nhằm chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh bị áp thuế.

"Chúng tôi không bao giờ có thể loại trừ kịch bản tồi tệ nhất, tức là kịch bản phần còn lại của 325 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bị áp thuế quan mới. Phần hàng hóa này bao gồm máy tính xách tay và tất cả thiết bị điện tử tiêu dùng", CEO Samson Hu cho biết.

"Chúng tôi đã thảo luận với các nhà cung cấp vào năm ngoái và thành lập một số kế hoạch dự phòng để đối phó với điều đó. Bây giờ chúng tôi sẽ bắt đầu lại các kế hoạch đó càng sớm càng tốt".

Khoảng 15% doanh số của Asustek là ở Mỹ. Các nhà cung cấp máy tính xách tay của công ty này bao gồm Pegatron, Compal Electronics và Wistron - đây cũng là các doanh nghiệp sản xuất iPhone và iPad.

Asustek đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sản xuất bo mạch chủ và card đồ họa cho thị trường Mỹ sang Đài Loan và Việt Nam vì những sản phẩm này đã bị áp thuế kể từ nửa cuối năm 2018.

Doanh nghiệp công nghệ Châu Á vội vàng tìm nơi trú ẩn giữa bão tố thương mại, không ít DN chạy tới Việt Nam - Ảnh 2.

Các sản phẩm chính có nguy cơ bị Mỹ áp đợt thuế thứ 4.

Foxconn chọn Đài Loan làm "đất cắm cờ"

Foxconn (Hon Hai Precision Industry), nhà cung ứng quan trọng nhất của Apple, đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất server sang Đài Loan và các nơi khác. Vào hôm 13/5, Foxconn ra hiệu rằng chiến tranh thương mại có thể là một cơ hội cho tất cả nhà cung ứng Đài Loan.

"Tại thời điểm này, không ai có thể thực sự biết khi nào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kết thúc. Điều mà các nhà cung ứng có thể làm chính là nắm bắt cơ hội nhằm giúp các công ty Mỹ xây dựng lại chuỗi cung ứng tại nước này", Chủ tịch Terry Gou nói.

Foxconn là nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc.

Là quê hương của một số công ty bán dẫn và màn hình hàng đầu thế giới, Hàn Quốc có nguy cơ thiệt hại 2 tỉ USD vì thuế

Nhiều nhà kinh tế đang dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc và Đài Loan.

Các cơ sở sản xuất này là chìa khóa cho chuỗi cung ứng của các thiết bị điện tử tiêu dùng như iPhone, MacBooks, Apple Watches, Fitbits cũng như máy tính xách tay của HP, Dell, Acer và Microsoft - tất cả đều đang có nguy cơ tăng giá đáng kể.

"Các thương hiệu điện tử tiêu dùng truyền thống đã gắn rễ sản xuất ở Trung Quốc và việc xây dựng lại một hệ sinh thái mới ở nơi khác sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian", một nguồn tin cho hay.

Hàn Quốc, quê hương của một số công ty bán dẫn và màn hình lớn nhất thế giới như Samsung Electronics, LG Electronics và SK Hynix, có thể mất gần 2 tỉ USD giá trị hàng xuất khẩu nếu thuế suất 25% được áp lên tất cả hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, theo Viện Thương mại Quốc tế - một đơn vị nghiên cứu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc.

Khi xem xét những ảnh hưởng gián tiếp chẳng hạn như đình trệ đầu tư vốn và thị trường tài chính suy sụp, viện chính sách này cho rằng tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hàn Quốc sẽ còn lớn hơn.

"Ông lớn" Đài Loan Compal Electronics và Pegatron cũng thích Việt Nam

"Vào tháng 4, nhóm nghiên cứu về châu Á của Citibank đã tìm thấy dấu hiệu phục hồi trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, sự bất ổn vẫn còn cao và có khả năng trì hoãn sự hồi phục của ngành bán dẫn", bà Marie Kim, nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Mỹ này, cho hay.

Nhiều công ty công nghệ chỉ ra, căng thẳng thương mại là rủi ro chính khiến nhiều người kém lạc quan về khả năng nhu cầu phục hồi trong nửa cuối năm 2019.

Ông Doris Hsu, Chủ tịch kiêm CEO của GlobalWafers (nhà sản xuất vật liệu bánh bán dẫn silic lớn thứ ba thế giới và cung ứng cho các công ty Samsung, Intel và Taiwan Semeconductor Manufacturing), cho biết hầu hết khách hàng đã kì vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2019.

Tuy nhiên, bất ổn lại leo thang và khả năng phục hồi là rất thấp, ông Hsu nói.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Đài Loan  - quê hương của các nhà cung ứng cho cho phần lớn thương hiệu công nghệ hàng đầu trên thế giới - vốn được dự báo chỉ ở mức khiêm tốn 2,1% trong năm 2019 sẽ có thể giảm tiếp 0,5 - 0,8%, theo ông Roy Chun Lee, phó giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới Đài Loan và Trung tâm Hiệp định Thương mại Khu vực của Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua.

"Tác động đến Trung Quốc sẽ còn lớn hơn nữa", ông Lee nói. "Một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể quét sạch hơn 1% GDP của Trung Quốc".

Compal Electronics - công ty sản xuất một loạt thiết bị điện tử, từ máy tính xách tay và iPad đến loa thông minh kích hoạt bằng giọng nói và TV - cho biết họ sẽ mở lại nhà máy ở miền bắc Việt Nam ngay khi Washington áp thuế bổ sung lên 325 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Pegatron - nhà lắp ráp iPhone chính - đã đầu tư vào đảo Batam của Indonesia để sản xuất các thiết bị không phải iPhone từ tháng 12/2018 và sắp thuê cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Trần Nam Thi