|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cá tra: Thời thế thay đổi

13:15 | 03/08/2018
Chia sẻ
Từng được mệnh danh là “vua cá tra” nhưng nay Hùng Vương vẫn phải chật vật xóa lỗ, giảm nợ ngân hàng trong khi ngành cá tra xuất hiện những cái tên mới với kết quả kinh doanh tích cực như IDI, Tập đoàn Sao Mai và Nam Việt.

Xuất khẩu khởi sắc, giá nguyên liệu tăng cao

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra khởi sắc với mức tăng gần 33% trong tháng 6 đạt trên 200 triệu USD. Tổng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1 tỷ USD, tăng 21%.

Trừ thị trường EU bị sụt giảm, xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác vẫn rất khả quan, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Mỹ do nhu cầu của các thị trường lớn này tăng mạnh.

Những rào cản từ thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn được doanh nghiệp Việt chuẩn bị tâm lý đón nhận. Đồng thời, việc xuất khẩu vẫn duy trì ổn định, dù chỉ còn một số ít doanh nghiệp sang Mỹ. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang được đánh giá đem lại cơ hội cho Việt Nam khi đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang cả hai thị trường này.

Nhu cầu xuất khẩu dự báo tăng cùng khó khăn về nguồn con giống đã đẩy giá cá nguyên liệu trong nước tăng cao kỷ lục. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức cao kỷ lục trên 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức cao nhất trong những năm gần đây đối với ngành xuất khẩu cá tra trong nước, mang lại lợi nhuận cao cho hộ nuôi trồng, các doanh nghiệp có vùng nuôi khép kín và nhóm doanh nghiệp thu mua và chế biến xuất khẩu.

Người ăn nên làm ra, kẻ chật vật xóa lỗ

Theo thống kê của người viết, ngoại trừ “nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) chưa công bố báo cáo tài chính quý II thì có tới 4/5 doanh nghiệp cá tra có kết quả kinh doanh tích cực.

doanh nghiep ca tra thoi the thay doi
Đơn vị: Tỷ đồng (Tổng hợp: Minh Anh)
doanh nghiep ca tra thoi the thay doi
Doanh thu thuần và lãi sau thuế quý II/2018 của doanh nghiệp cá tra.

Đầu tiên phải kể đến CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) với doanh thu thuần 6 tháng đạt 2.717 tỷ đồng, tăng 176%. Lãi sau thuế 864 tỷ đồng, gấp 18 lần so với cùng kỳ và 95% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, nợ vay ngắn hạn của Tập đoàn Sao Mai cũng tăng mạnh lên hơn 3.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm.

Đứng thứ hai là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia IDI (Mã: IDI) với lãi sau thuế 6 tháng đạt 316 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ và bằng 55% kế hoạch năm.

Theo giải trình của công ty, quý II là thời gian cá tra nguyên liệu trên thị trường tiếp tục tăng và giữ ở mức giá cao khoảng từ 30.000 đến 31.700 đồng/kg, trong khi công ty có nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào thông qua hình thức nuôi liên kết và chốt giá trước với các hộ nông dân ở mức giá dao động từ 21.000 đến 23.000 đồng/kg.

Nhờ sở hữu hơn 250ha ao nuôi nên kết quả kinh doanh 6 tháng của Nam Việt (Mã: ANV) khả quan với doanh thu thuần đạt 1.683 tỷ đồng, tăng 23%. Lãi sau thuế 193 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Tương tự Tập đoàn Sao Mai, tính tại thời điểm 30/6 vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Nam Việt ở mức 1.588 tỷ đồng, tăng 55% trong khi đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm mạnh từ 76 tỷ xuống còn 17 tỷ đồng.

Mặc dù là doanh nghiệp quy mô nhỏ trong ngành cá tra nhưng Thủy Sản Bến Tre (Mã: ABT) và Thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) có bức tranh kinh doanh khá tốt.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thủy sản Bến Tre đạt 196 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,7%. Lãi sau thuế 38,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ.

Trong khi đó, doanh thu thuần Thủy sản Cửu Long An Giang trong 6 tháng đạt 720 tỷ đồng, tăng 20%. Lãi sau thuế 54 tỷ đồng tăng mạnh so với cùng kỳ 2017 và bằng 74% kế hoạch năm.

Từng lừng lẫy một thời trên thương trường cá tra, “vua” cá tra Hùng Vương (Mã: HVG) tiếp tục chật vật với việc xóa lỗ, giảm nợ vay ngân hàng.

Lũy kế 9 tháng (niên độ 1/10/2017-30/6/2018), Hùng Vương báo lỗ ròng 366 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 97 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/6, lỗ lũy kế của công ty lên tới 650 tỷ đồng.

Hiện Hùng Vương phải đối mặt với loạt vấn đề tồn đọng về vùng nguyên liệu, giá bán thành phẩm, chi phí lãi vay… Bên cạnh đó, tại báo cáo bán niên soát xét, phía kiểm toán cho rằng, tình hình kinh doanh liên tục lao dốc dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Lý giải về kết quả kinh doanh sa sút, ban lãnh đạo Hùng Vương cho rằng hai nguyên nhân chính khiến thua lỗ ngày càng nghiêm trọng là do thiếu hụt nguyên liệu và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dang dở.

Cá tra trước thách thức 6 tháng cuối năm

Với mục tiêu xuất khẩu cá tra trong năm 2018 khoảng 2-2,2 tỷ USD, ngành cá tra vẫn gặp khó khi chính phủ tại thị trường nước ngoài có thể đưa ra lệnh cấm tạm thời đối với thủy hải sản Việt Nam do lo ngại về vệ sinh-an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, trước tình hình diện tích thả nuôi cá tra tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải lưu ý về nguy cơ phá vỡ quy hoạch nuôi trồng rất lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp, giá cá tra tăng cao dẫn đến tình trạng nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tự phát đào ruộng lúa chuyển sang nuôi cá tra, sản xuất giống cá tra...Đây là vấn đề rất nguy hiểm bởi diện tích cá tra Việt Nam hiện chỉ có thể ổn định xoay quanh 5.000ha, chỉ cần diện tích, sản lượng cá tra tăng 10-15% trong thời gian ngắn đã có thể gây rối loạn về giá cho mặt hàng này.

Bên cạnh đó, thị trường cá tra Trung Quốc đang tiêu thụ rất tốt và chưa có điểm dừng, tuy nhiên nguy cơ rủi ro là rất cao vì đây là thị trường tiểu ngạch.

Xem thêm

Minh Anh