|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cá tra: mọi ánh mắt đang nhìn thị trường Trung Quốc

14:54 | 28/07/2018
Chia sẻ
Cá tra trúng giá và người nuôi lãi tới 6.000-8.000 đồng/ki lô gam, tương đương khoảng 2 tỉ đồng/héc ta. Nhưng niềm vui này có thể chẳng kéo dài lâu, vì sản lượng cá nuôi đã bắt đầu tăng nhanh hơn và thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc thì vẫn rất khó đoán.
ca tra moi anh mat dang nhin thi truong trung quoc
Dự báo xuất khẩu cá tra vẫn khả quan, nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro ở thị trường Trung Quốc. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Lách cửa hẹp Mỹ, tăng nóng ở Trung Quốc

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết cá tra phi lê xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ từ năm 2001 chỉ chịu thuế mấy chục phần trăm. Nhưng sau khi bị thuế chống bán phá giá lần cuối cùng trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), doanh nghiệp bị đánh cao nhất đến 7,74 đô la Mỹ/ki lô gam và các doanh nghiệp chịu thuế bình quân (có tham gia vụ kiện) là 3,84 đô la Mỹ/ki lô gam, cao bằng giá bán.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế xuất khẩu cá tra tốt vào thị trường Mỹ, đó là Biển Đông (0,19 đô la Mỹ/kg) và Vĩnh Hoàn (miễn thuế). Điều này, chẳng những giúp cá tra Việt Nam “thoát cửa tử” mà còn “bơi” mạnh hơn vào thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm 2018.

Chỉ riêng Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn, sáu tháng đầu năm 2018 doanh thu xuất khẩu của đơn vị này đạt 163 triệu đô la Mỹ. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 64%, tương đương chiếm trên 104 triệu đô la Mỹ, tức chiếm khoảng 71% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam vào Mỹ.

Nhờ có hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế tốt, nên xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ vẫn tăng. Số liệu báo cáo của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam vào thị trường này đạt 146 triệu đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, mức tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn tiếp tục “nóng”. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), kim ngạch xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2018 vào thị trường này đạt trên 203 triệu đô la Mỹ, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 25,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Ngược lại, thị trường truyền thống khác là EU lại liên tục sụt giảm. Lũy kế năm tháng đầu năm 2018, xuất khẩu loại thủy sản này vào EU chỉ đạt gần 76 triệu đô la Mỹ, giảm 6,3% so với cùng kỳ.

Như vậy, nhờ “lách” qua được cửa hẹp của thị trường Mỹ cũng như sự tăng nóng từ Trung Quốc, cho nên, kim ngạch xuất khẩu cá tra của toàn ngành trong năm tháng đầu năm 2018 đạt hơn 797 triệu đô la Mỹ, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng nuôi đang tăng nhanh

Báo cáo của VINAPA cho biết tổng diện tích thả nuôi đến cuối tháng 6-2018 đạt 2.064 héc ta, tăng 31% so với cùng kỳ; diện tích thu hoạch đạt 2.052 héc ta, tăng 28,4% và sản lượng thu hoạch đạt gần 652.000 tấn, tăng gần 33% và tương đương tăng 215.000 tấn so với cùng kỳ.

Như vậy, so sánh một cách tương đối về tăng trưởng giữa xuất khẩu và sản lượng thu hoạch, thì tốc độ tăng trưởng về sản lượng đang đi nhanh hơn so với xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết, trong những tháng đầu năm 2018 có một lượng lớn cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và không có trong số liệu thống kê. Ông ước đoán giá trị cá tra xuất tiểu ngạch bằng khoảng 40% của tổng kim ngạch xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc (203 triệu đô la Mỹ). Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, nếu kiểm soát kỹ, thì khả năng trong sáu tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc (cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch) có thể chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Đây là một trong những nguyên nhân giúp tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nửa đầu năm 2018 vẫn diễn ra tốt, hoàn toàn không có hiện tượng dồn ứ nguồn cung như từng xảy ra, cho dù sản lượng tăng nhanh. Cụ thể, số liệu theo dõi trong nửa đầu năm 2018 của VINAPA cho thấy, giá bán luôn dao động từ 30.000-31.000 đồng/ki lô gam, tăng 5.000-7.000 đồng/ki lô gam so với các thời điểm của cùng kỳ năm 2017.

Ông Quốc cho rằng, nếu vẫn giữ nhịp độ tăng sản lượng khoảng 30% như trong nửa đầu năm 2018 thì sản lượng cả năm có khả năng đạt 1,5-1,6 triệu tấn, tức tăng khoảng 300.000 tấn so với năm 2017. “Từ nay đến cuối năm, nếu xuất khẩu giữ được như đà của đầu năm (cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch), thì với sản lượng như vậy, việc tiêu thụ cá nguyên liệu cũng sẽ không gặp khó khăn gì”, ông Quốc dự báo.

Còn theo ông Hải, từ nay đến cuối năm xu hướng sẽ tích cực vì thị trường nhập khẩu chuẩn bị đơn hàng cho đợt tiêu dùng dịp cuối năm, nhu cầu thường tăng. “Giai đoạn cuối năm là mùa đông, cho nên hoạt động chăn nuôi của Trung Quốc sẽ khó khăn, do đó lượng tiêu thụ sẽ tăng”, ông cho biết.

Một điểm lưu ý khác, đó là thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài cá tra, Trung Quốc cũng đang nhập khẩu cá thịt trắng như cá Cod, cá Alaska pollock và cá Hake từ Nga, Na Uy và Mỹ. Thế nhưng, giữa Mỹ và Trung Quốc đang “cơm không lành, canh không ngọt”, nên đây cũng có thể là cơ hội để tăng xuất khẩu cá tra trong những tháng cuối năm 2018, nhất là khi thuế xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc được kéo giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên, ông Hải cũng đưa ra cảnh báo, trong thương mại với thị trường Trung Quốc, sản lượng không phải là vấn đề, mà là sự ổn định. Thị trường này luôn có thể xuất hiện những động thái bất lợi cho cá tra Việt Nam bất cứ lúc nào, không đoán trước được. “Khi đó, ngành cá tra Việt Nam chắc chắn sẽ rất khó khăn”, ông cho biết.

Cùng quan điểm, đại diện VINAPA cho rằng tương lai với thị trường Trung Quốc là điều rất khó dự báo, chỉ cần Trung Quốc “chơi đẹp” thì sản lượng 1,8-2 triệu tấn cá nguyên liệu Việt Nam sản xuất ra bán cũng hết. “Nhưng, mình đâu biết ông Trung Quốc ra sao, chỉ cần một động thái gì đó bất lợi thôi là đã hết sức khó khăn rồi”, ông nói.

Chính vì vậy, theo khuyến cáo của VINAPA, ngành cá tra cần có sự chủ động kiểm soát diện tích thả nuôi nhằm chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thị trường. “Muốn vậy, vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất lớn, bởi đơn vị này mới có thẩm quyền điều phối về diện tích, sản lượng giữa các địa phương”, vị đại diện VINAPA nhận xét.

Ngoài ra, việc giữ uy tín và chất lượng cho thương hiệu cá tra Việt Nam để giữ vững thị trường cũ và khai phá thị trường mới cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ông Hải nói rằng thời gian qua có không ít công ty bán cá tra phi lê sang Nga với tỷ lệ mạ băng lên đến 30-40%. Kết quả, thị trường tiềm năng này gần như đã “xóa sổ” mặt hàng cá tra Việt Nam.

Xem thêm

Trung Chánh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.