|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh nghiệp BĐS không thể tái cấp vốn sẽ tăng rủi ro cho các ngân hàng?

15:55 | 07/01/2023
Chia sẻ
Theo VCSC, một số diễn biến thị trường gần đây có thể tạo áp lực lên khả năng tái cấp vốn của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nếu các tổ chức phát hành (đặc biệt là các chủ đầu tư địa ốc) không thể tái cấp vốn, điều này có thể tăng rủi ro cho các ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn.

 

Trong báo cáo phát hành mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát triển mạnh mẽ từ mức thấp với giá trị phát hành TPDN có tăng trưởng kép (CAGR) 55,3%, tập trung phát hành trong các năm 2020 và 2021.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường TPDN chiếm khoảng 16% GDP của Việt Nam tính đến hết năm 2021, đây vẫn là mức khiêm tốn so với các thị trường trái phiếu trong khu vực như Malaysia (57%), Singapore (27%) và Thái Lan (25%).

VCSC ước tính, 58% giá trị TPDN đang lưu hành vào tháng 6/2022 sẽ đáo hạn trong vòng hai năm tới, trong đó TPDN bất động sản chiếm 35,9%. Tuy nhiên, một số diễn biến thị trường gần đây có thể tạo áp lực lên khả năng tái cấp vốn của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Đơn cử như lãnh đạo một số công ty bất động sản lớn bị khởi tố, tạm giam do các tội danh liên quan đến phát hành TPDN gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Nghị định 65 được Chính phủ ban hành vào tháng 9 quy định về phát hành, mua bán TPDN riêng lẻ trên thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế đã thắt chặt các yêu cầu đối với cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10 và hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã được NHNN quản lý thận trọng. 

Nhóm phân tích cho rằng, nếu các tổ chức phát hành trái phiếu (đặc biệt là các chủ đầu tư bất động sản) không thể tái cấp vốn, điều này có thể tăng rủi ro cho các ngân hàng do có thể dẫn đến khả năng hình thành nợ xấu và chi phí dự phòng cao hơn, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo ước tính của công ty chứng khoán này, tính đến tháng 6/2022, TPDN do các ngân hàng nắm giữ chỉ chiếm 2,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, trong đó TPDN do lĩnh vực bất động sản phát hành chiếm 49,8% (tức 1,36% tổng dư nợ toàn hệ thống tín dụng).

Nếu tính chung TPDN trong lĩnh vực bất động sản với các khoản cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, VCSC ước tính tổng dư nợ chiếm khoảng 6,8% tổng tín dụng toàn hệ thống. Nhóm phân tích quan sát thấy có 4 ngân hàng có tỷ trọng TPDN và cho vay lĩnh vực bất động sản tương đối cao, đó là Techcombank, MBBank, VPBank và TPBank.

"Thị trường TPDN vẫn còn khá nhỏ so với dư nợ tín dụng toàn hệ thống và mức độ ảnh hưởng trực tiếp của TPDN và ngành bất động sản chỉ nằm trong nhóm 4 ngân hàng kể trên", VCSC nhận định.

 

Theo nhóm phân tích, thị trường đang lo ngại liệu các vấn đề trong thị trường TPDN và phát triển bất động sản trong năm 2022 có thể gây ra một ảnh hưởng lớn cho hệ thống ngân hàng, tương tự như tình hình giai đoạn 2010 - 2012 hay không.

Mặc dù rất khó để dự báo diễn biến và kết quả của các cuộc thanh tra của Chính phủ về các hoạt động sai quy định tiềm ẩn ở những thị trường này, VCSC cho rằng vị thế hiện tại của nền kinh tế và lĩnh vực ngân hàng đã mạnh hơn rất nhiều so với 10 năm trước.

Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng và lạm phát đã được kiểm soát tốt trong những năm gần đây và các ngân hàng có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn, tỷ lệ an toàn vốn và bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Ngoài ra, công ty chứng khoán này tin rằng, không phải tất cả các tổ chức phát hành TPDN sẽ gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho các nghĩa vụ tài chính của mình, mặc dù có khả năng ngân hàng và nhà đầu tư sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tổ chức phát hành, và các tổ chức phát hành có rủi ro cao hơn có thể phải trả mức chênh lệch (lãi suất) cao hơn để tái cấp vốn.

Theo VCSC, trọng tâm trước mắt của Chính phủ là đảm bảo duy trì tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và khuyến khích các công ty bất động sản lập kế hoạch trước để đảm bảo nguồn vốn nhằm thực hiện các nghĩa vụ tài chính và cải thiện vị thế tiền mặt thông qua các hoạt động như giảm giá bán bất động sản để thúc đẩy doanh số bán hàng hoặc thậm chí thanh lý một số tài sản.

Mặc dù thông tin về tình hình tài chính của các chủ đầu tư bất động sản chưa niêm yết chưa rõ ràng, tuy nhiên, nhóm phân tích tin rằng những chính sách này sẽ ngăn chặn được việc lạn rộng rủi ro từ một số công ty đang gặp khó thành rủi ro mang tính hệ thống cho khu vực ngân hàng cũng cho nền kinh tế. 

Hà Lê