DN sản xuất khẩu trang, 'máy in tiền' thời dịch bệnh nhưng cần thận trọng tính thời vụ và các tiêu chuẩn xuất khẩu
Nhu cầu lớn về khẩu trang mở ra cơ hội mới cho các DN dệt may
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất khẩu trang đang là cỗ máy in tiền thời dịch bệnh.
Hiện nay, công suất sản xuất khẩu trang của Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang, theo thông tin từ báo điện tử Chỉnh phủ.
Thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tính riêng 50 doanh nghiệp có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc/tháng. Nếu tính trên qui mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.
Cũng theo thông tin từ báo điện tử Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những động thái kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu khẩu trang trên thị trường. Đơn cử như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) gần đây đã đưa ra thị trường dòng sản phẩm khẩu trang thương hiệu Vinatex.
"Năng lực sản xuất của Vinatex lên tới 100 triệu chiếc khẩu trang/tháng và có khả năng cung ứng các đơn hàng lớn của các tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Sản phẩm được bán lẻ tại ba cửa hàng thuộc Tập đoàn với số lượng 100.000 chiếc/ngày", ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex cho biết.
Cần thận trọng trong đầu tư vì mặt hàng khẩu trang chỉ mang tính thời vụ
Với khả năng cung ứng lớn, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tự tin rằng Việt Nam có đủ năng lực để trở thành quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần xét nhiều yếu tố.
Theo ông, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.
Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại cũng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.
Ngoài ra, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng cảnh báo, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
"Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư qui mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít", ông Hải nhận định.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng lưu ý thêm rằng thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Trong diễn biến gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã có thông báo về việc chỉ cho phép những doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU về khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế được phép xuất khẩu mặt hàng này vào EU.
Các tiêu chuẩn đó có thể là dán nhãn CE (thích ứng với các qui định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE - để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia...