|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều gì kéo giá dầu tăng vọt 25%?

16:41 | 03/04/2020
Chia sẻ
Giá dầu đã nhảy vọt 25% vào thứ Năm (2/4) sau dòng tweet của Tổng thống Trump cho biết Nga và Arab Saudi đã chấp nhận giảm mức sản lượng khoảng 10 - 15 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên mức giảm này có thể đối mặt nhiều hệ lụy.

Đại dịch đã khiến biến động của ngành dầu mỏ không tuân theo bất kì qui luật thông thường nào trước đây, và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra đối với thị trường trong cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng y tế lớn nhất trong vòng một thập kỉ qua.

Tuy nhiên, dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump dấy lên rất nhiều câu hỏi. Đầu tiên, giảm 10 - 15 triệu thùng dầu/ngày là một con số rất lớn. Vậy mỗi nước sẽ cắt bao nhiêu thùng?

Với sản lượng đầu ra mỗi ngày của Arab Saudi và Nga là 11 triệu thùng, liệu một mỗi nước có giảm một nửa sản lượng của mình không? Chuyên gia từ Oilprice nhận xét đây là một ý nghĩ ngốc nghếch.

Ngay lập tức, Moscow phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận trên. Sau đó đến lượt Arab Saudi. Quốc gia Trung Đông đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của OPEC+ nhằm đi đến một thỏa thuận giảm sản lượng với một nhóm quốc gia khác trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp công bằng cho các bên.

Điều này nghĩa là Arab Saudi chưa hề kí bất kì một thỏa thuận nào. Và sẽ chỉ đồng ý cắt sản xuất nếu các quốc gia khác cũng làm điều tương tự. Arab Saudi ngụ ý các quốc gia khác ở đây gồm những quốc gia không thuộc OPEC như Mỹ, Canada, Brazil và/hoặc một số nhà sản xuất dầu khác.

Sau đó, lại có thông tin cho biết Arab Saudi sẵn sàng giảm sản lượng xuống dưới 9 triệu thùng/ngày nếu các nước khác làm theo, tức là lượng giảm sẽ rơi vào khoảng 2 triệu thùng/ngày, một con số khá khiêm tốn so với những gì mà ông Trump nêu ra.

Con số này đưa Arab Saudi quay về với mức sản lượng của 1 tháng trước, thời điểm đàm phán OPEC+ chưa tan vỡ.

Trong khi đó, còn một câu hỏi lớn khác, đó là Mỹ sẽ bỏ ra điều gì để đạt được những gì ông Trump tuyên bố. Với sự suy yếu của ngành dầu đá phiến nước này, liệu Washington có phải đưa ra những quyền lợi dành cho Nga và Arab Saudi để hai nước này chấp nhận giảm lượng hay không?

Điều gì kéo giá dầu tăng vọt 25%? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Hoàng tử Salman Bin Abdelaziz. Ảnh: Reuters.

Mỹ có giảm sản lượng?

Liệu nước Mỹ có thực hiện cắt sản xuất không? Chưa rõ Mỹ có thế thực hiện giảm sản lượng bằng cách nào với việc có quá nhiều công ty dầu mỏ tư nhân, liệu chính phủ có sử dụng quyền lực của mình hay công ty tư nhân sẽ tự giác giảm sản lượng?

Một giải pháp là lệnh cấm xuất khẩu từ liên bang, nhưng ý tưởng này sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và sẽ cần sự tham gia của Quốc hội. Một nhóm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ các bang sản xuất dầu cũng đã để xuất một mức thuế thấp hơn đối với dầu nhập khẩu, nhưng Viện Dầu khí Mỹ đã gạt bỏ đề xuất trên.

Hôm 2/4, ông Ryan Sitton, Ủy viên của Uỷ ban đường sắt Texas, cho biết ông đã có cuộc trao đổi với bộ trưởng Bộ năng lượng Nga Alexander Novak về việc giảm 10 triệu thùng dầu/ngày và ông cũng sẽ sớm thảo luận với bộ trưởng Bộ năng lượng Arab Saudi về vấn đề này

Các nhà quản lí tại Texas đang nghiên cứu kĩ về vấn đề cắt sản xuất, vấn đề đã chia rẽ ngành dầu mỏ Mỹ.

Không lâu sau dòng tweet của ông Trump, Reuters cho biết chính quyền Washington chưa có kế hoạch thực sự trong việc yêu cầu nhà khai thác giảm công suất. Ông Trump sẽ có một cuộc họp với CEO các công ty dầu mỏ vào thứ Sáu (3/4), nhưng có vẻ như ông sẽ không yêu cầu họ giảm sản lượng.

Trang Bloomberg đưa tin dòng tweet của ông Trump đã gây hoang mang ngay cả trong chính phủ Mỹ.

Nếu Mỹ không giảm sản lượng, vậy ông Trump đang ngụ ý điều gì? Một điều có thể xem xét là Arab Saudi có thể chiếm được lòng tin từ phía Washington bằng cách kêu gọi một cuộc họp khẩn giữa OPEC+.

Quốc gia Trung Đông có thể đồng ý với lời đề nghị của Trump, quan tâm với việc giá dầu thấp, đồng thời sẽ cam kết hành động quyết liệt nếu các nước khác làm theo. Chính quyền Riyadh không bắt buộc phải đồng ý với bất kì thỏa thuận nào ngày lập tức, nhưng với việc đẩy được Mỹ và Nga vào một cuộc chiến song phương, họ có thể lôi kéo một số nước khác cùng giảm sản lượng.

Đoạn tweet của ông Trump đã kéo giá dầu tăng đột biến, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Mặc dù ngoại giao quốc tế dường như đã có bước tiến, việc Arab Saudi đơn phương hoặc kể cả song phương giảm sản lượng cùng với Nga là điều rất khó xảy ra.

Tố Tố