|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện gió ngoài khơi: Chuẩn bị một lộ trình phù hợp

05:07 | 21/06/2022
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng cùng các giải pháp phù hợp trong phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam sẽ có vị thế để tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng mục tiêu đã cam kết tại COP26.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia COP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió La Gàn. (Nguồn: congnghiepmoitruong.vn)

Điện gió ngoài khơi được đánh giá là một giải pháp năng lượng lâu dài và bền vững cho Việt Nam nhờ tiềm năng to lớn và nguồn tài nguyên phong phú. Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, đây là một lựa chọn khả thi và đáng tin cậy mà Việt Nam cần để sản xuất ra năng lượng tái tạo.

Cùng với việc phát triển các giải pháp tiên tiến khác như lưu trữ năng lượng khi đi vào vận hành thương mại, Việt Nam sẽ càng có vị thế để tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng các mục tiêu Net Zero đã cam kết tại COP26.

Tuy nhiên, những vướng mắc của loại hình năng lượng này là gì, liệu có gặp “vấn đề” trong đấu nối hệ thống điện? Các chuyên gia nhận định, điện gió có mức độ phức tạp cao, thời gian xây dựng và phát triển lâu hơn với chi phí đầu tư cũng lớn hơn, đo đó cần chuẩn bị lộ trình phát triển phù hợp.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia COP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió La Gàn.

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng điện gió của Việt Nam, thưa ông?

Ông Stuart Livesey: Việt Nam may mắn sở hữu điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và nhiều báo cáo khác, khu vực phía Nam của Việt Nam là nơi có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận với chất lượng gió tốt nhất.

Nơi đây có vận tốc gió lớn hơn các khu vực khác và do đó tạo ra nguồn điện lớn hơn, đồng thời có thể cung cấp giá điện sạch tốt hơn cho người tiêu dùng nhờ nguồn gió ổn định.

Do đó, chúng tôi quyết định tập trung nguồn lực đầu tư vào khu vực ngoài khơi của tỉnh Bình Thuận thông qua dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất dự kiến 3,5GW và có thể hướng đến các dự án khác tại Việt Nam trong tương lai.

Để tối ưu hóa các nguồn tài nguyên gió của Việt Nam và giảm bớt chi phí cho những dự án đầu tiên tại thị trường mới này, nhà nước phải đánh giá một cách cẩn thận và lựa chọn các khu vực có tốc độ gió tối ưu để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên có thể tạo ra nguồn điện năng tốt nhất với chi phí cạnh tranh.

Vì điện gió ngoài khơi không giống với các nguồn năng lượng tái tạo khác, có mức độ phức tạp cao, thời gian xây dựng và phát triển lâu hơn với chi phí đầu tư cũng lớn hơn; do đó, chúng ta cần đặc biệt quan tâm để chuẩn bị một lộ trình phù hợp cho sự phát triển của ngành đặc thù này khi Việt Nam vẫn là một thị trường còn rất mới.

- Theo ông, vướng mắc lớn nhất ngăn trở việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam hiện nay là gì?

Ông Stuart Livesey: Hiện nay, việc thiếu các quy định và chính sách rõ ràng cùng với sự do dự trong việc làm thế nào để triển khai một dự án điện gió ngoài khơi cũng là những trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Chúng tôi khuyến khích và mong chờ Chính phủ nhanh chóng xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch và một môi trường đầu tư thuận lợi hơn để lựa chọn và thu hút các nhà phát triển quốc tế giàu kinh nghiệm đến đầu tư và định hình thị trường ở giai đoạn đầu do đây là giai đoạn thường có nhiều rủi ro cao.

Việc tạo nền tảng ổn định cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mới là điều quan trọng để đảm bảo thành công.

Thêm vào đó, thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, đòi hỏi phải nâng cấp hệ thống hiện có, ví dụ như công suất kết nối lưới điện và khả năng truyền tải sản lượng điện năng lớn trên khắp cả nước.

Chính phủ có thể xem xét đến việc tiếp cận mang tính hợp tác hơn bằng cách tham gia ngay từ giai đoạn sơ khởi và cho thấy sự đảm bảo hơn trong việc ban hành cơ chế, chính sách, lộ trình nâng cấp, các thỏa thuận thương mại để đảm bảo khung thời gian đã định ra, chia sẻ rủi ro và làm việc với các nhà phát triển có kinh nghiệm để hoàn thiện các lỗ hổng về pháp lý cũng như định hướng thị trường.

Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi. (Ảnh: TTXVN)

Các công ty trong nước, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ có liên quan đều sẽ nhận thấy lợi ích to lớn khi tham gia phát triển ngành công nghiệp mới này.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà phát triển có thể giúp đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết như lưới điện hoặc cảng để giúp đất nước phát triển, đồng thời điều này sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát triển dự án.

- Câu chuyện đấu nối vào hệ thống điện, giảm công suất phát đang là trở ngại của nhiều dự án năng lượng tái tạo, và điện gió ngoài khơi cũng không ngoại lệ. Vậy với kinh nghiệm của mình, ông có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Stuart Livesey: Việc giảm công suất phát là một trong những mối lo ngại chính đối với các dự án năng lượng ở nhiều quy mô khác nhau trên toàn cầu. Khi nói đến một dự án điện gió ngoài khơi công suất lớn (với quy mô 3.5 GW khi hoạt động hết công suất - đủ cho hơn 7 triệu hộ dân Việt Nam sử dụng mỗi năm), lấy sự giảm công suất 10% như một ví dụ, giống như việc tắt nguồn bảy dự án năng lượng mặt trời 50 MW và các nguồn doanh thu liên quan.

Đây không chỉ là sự tổn thất đáng kể cho các nhà đầu tư phát triển mà còn là sự hao phí lớn khi tạo ra năng lượng nhưng không thể hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Ngoài ra, khi một nhà phát triển xem xét tính kinh tế cho một dự án có quy mô lớn như dự án La Gàn, việc sụt giảm doanh thu tài chính cùng việc cắt giảm điện không được dự kiến trước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các dự án và cản trở việc xây dựng dự án.

Trong ngắn hạn, giải pháp tối ưu chính là kiểm soát các nguồn năng lượng mới bằng những hướng dẫn rõ ràng về công suất phát trong một thời gian nhất định (như trong dự thảo mới nhất của Quy hoạch Điện VIII).

Tuy nhiên, một đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc nâng cấp và các thỏa thuận thương mại giữa các nhà máy phát điện (hay các dự án) và đơn vị vận hành lưới điện (EVN) là cần thiết để tạo sự chắc chắn và nghĩa vụ pháp lý cho đôi bên.

Về dài hạn, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc lưu trữ năng lượng, khi mà công nghệ phát triển cho phép thương mại hóa tiềm năng khổng lồ từ điện gió ngoài khơi. Việc lưu trữ năng lượng có nhiều hình thức như tích trữ điện dạng bơm tích năng, Power to X (amoniac, hydro...), lưu trữ pin...

Tuy nhiên, công nghệ đằng sau những loại hình lưu trữ năng lượng này trên quy mô lớn vẫn còn ở giai đoạn tương đối mới và cần thời gian để phát triển thêm.

- Có ý kiến cho rằng, năng lượng gió và mặt trời ở Việt Nam đang được khai thác chưa phải là một nguồn điện hoàn chỉnh mà là giải pháp tiết kiệm năng lượng thì đúng hơn. Có nghĩa là phải có nguồn khác để dự phòng cho nó khi vào những giờ không thể phát.

Kinh nghiệm của các nước đã xảy ra khủng hoảng năng lượng cho thấy tỷ lệ của các nguồn năng lượng tái tạo chỉ nên dưới 10% trong giai đoạn hiện nay. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Stuart Livesey: Đúng là năng lượng gió có thể hay biến đổi, tuy nhiên điện gió ngoài khơi thường ổn định hơn so với trên bờ hoặc gần bờ. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu đang có các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và những dự án này thường có công suất phát điện nhỏ với hệ số công suất thấp, chưa kể đến các yêu cầu cắt giảm sản lượng.

Điện gió ngoài khơi ổn định hơn vì nguồn gió ngoài khơi dồi dào hơn, mạnh hơn và có xu hướng ít ảnh động đến môi trường hơn. Dựa vào những cải tiến trong công nghệ tuabin gió, hệ số công suất của các dự án điện gió đang tăng lên một cách nhanh chóng. Hiện nay, công suất điện gió ngoài khơi trên 50% đang trở nên phổ biến.

Trên thực tế, các dự án điện gió ngoài khơi hiện đại có thể đạt công suất so sánh được với các nhà máy nhiệt điện than và điện khí (thông thường có xu hướng trong khoảng 50% đến 60%).

Đây có thể là một giải pháp tối ưu cho Việt Nam khi xem xét tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo với quy mô lớn. Và chúng tôi kỳ vọng dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3.5GW sẽ là một trong số đó.

- Xin cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Dũng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.