|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện bã mía có cơ hội phát triển

10:00 | 19/03/2020
Chia sẻ
Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg.

Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg.

Điện bã mía có cơ hội phát triển - Ảnh 1.

Nhà máy phát điện bã mía bên trong nhà máy đường Lam Sơn (Lasuco).

Trong đó đưa giá mua điện đối với các dự án sinh khối đồng phát nhiệt-điện được điều chỉnh từ 5,8 US cents/kWh lên là 7,03 US cents/kWh. Đây là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp mía đường đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bã mía.

Điện bã mía ì ạch vì đâu?

Bà Lê Thị Thoa – cán bộ cao cấp Dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam (BEM) thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/GIZ (ESP) nhận định, với điều kiện địa lý thuận lợi và nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đã đặt ra mục tiêu phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW.

Nguồn sinh khối ở Việt Nam rất đa dang, bao gồm: trấu, rơm rạ, bã mía, chất thải chăn nuôi... Tuy nhiên, hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường và chất thải tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là có nguồn nguyên liệu tập trung đủ lớn cho phát điện.

Đề án phát triển ngành mía đường đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đặt mục tiêu là tận dụng các phụ phẩm từ ngành mía đường để sản xuất điện nhằm tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

Những năm qua, nhiều công ty mía đường đã tách riêng phần sản xuất điện và đầu tư thêm các thiết bị lò hơi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất điện năng từ bã mía.

Tuy vậy, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2019 chỉ có 175 MW điện sinh khối của 3 nhà máy mía đường phát điện lên lưới. Như vậy, điện sinh khối mới chỉ đạt khoảng 26,5% mục tiêu phát triển đến năm 2020.

Theo bà Thoa, sở dĩ thời gian qua hầu hết các nhà máy mía đường không tha thiết đầu tư nhà máy phát điện bã mía, “điểm nghẽn” chính là ở giá bán điện lên lưới quốc gia. Theo khoản 1, Điều 14 của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg, quy định giá mua điện (FIT) áp dụng cho các dự án đồng phát từ nguồn nguyên liệu bã mía là 5,8 US cents/kWh.

Tại thời điểm năm 2014, khi tính toán giá FIT áp dụng cho dự án sinh khối đồng phát từ nguồn nguyên liệu bã mía thì hầu hết cho rằng bã mía là nguồn nguyên liệu “dư thừa” của các nhà máy đường, nên Chính phủ đưa ra giá mua điện quá thấp. Đến khi một số nhà máy đường đầu tư thiết bị sản xuất điện bã mía, tính toán ra thấy giá thành cao hơn giá mua điện, nên các nhà máy khác chưa muốn đầu tư.

So với các nước trong khu vực, giá bán điện sinh khối ở Việt Nam quá thấp. Đơn cử tại Thái Lan, nếu nhà máy điện sinh khối có công suất từ 1-3 MW thì được hưởng giá bán điện sinh khối tương đương với 17 US cents/kWh. Giá mua điện sinh khối tại Philippines tương đương với 13 US cents/kWh.

Tăng lợi nhuận cho các nhà máy đường

Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng là tín hiệu đáng mừng để khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối. Biểu giá FIT sửa đổi được tính toán dựa trên chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) được tính toán dựa trên chi phí đầu tư (CAPEX), chi phí vận hành (OPEX) và chi phí tài chính (FINEX).

"Với việc điều chỉnh giá bán điện sinh khối này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mía đường phát triển và mở rộng các dự án đồng phát bã mía đồng thời việc phát điện từ các nhà máy sinh khối vào mùa khô sẽ là nguồn phát bổ sung cần thiết giúp ngành điện giải quyết được vấn đề thiếu điện”, bà Thoa nói.

Điện bã mía có cơ hội phát triển - Ảnh 2.

Nhà máy phát điện bã mía của Lasuco.

Để hướng dẫn các chủ đầu tư phát triển các dự án điện sinh khối, GIZ khuyến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay tổ soạn thảo xem xét, sửa đổi có thể là xây dựng thông tư mới quy định về phát triển dự án điện sinh khối và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện sinh khối...

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) cho rằng: “Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả, và giảm phế thải.

Năng lượng sinh khối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”.

Theo GIZ, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) do Bộ Công Thương và GIZ thực hiện đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. ESP đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện sinh khối. GIZ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy việc phát triển bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất nhiệt và điện.


Chu Khôi