Sản lượng tiêu thụ điện hai tháng đầu năm vẫn tăng 7,5% bất chấp dịch COVID-19
Thông tin từ Tập đoaàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống trong cả hai tháng đầu năm 2020 là 36,2 tỉ kWh.
Công suất phụ tải đỉnh trong hai tháng đầu năm đã lên tới 35.000 MW. Sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày trong cả hai tháng đầu năm là 615 triệu kWh/ngày, tăng 7,5% so với 2019.
Như vậy, mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ đầu tháng 2 nhưng tình hình phụ tải tiêu thụ điện của toàn quốc vẫn tăng trưởng 7,5% so với cùng kì năm ngoái.
Bên cạnh đó, tình hình nước về các hồ thủy điện vẫn đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Sản lượng huy động từ thủy điện trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3,37 tỉ kWh, thấp hơn kế hoạch 2,19 tỉ kWh.
Tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện là 18,29 tỉ m3 tương ứng 7,92 tỉ kWh điện. Như vậy, lượng nước thiếu hụt so với mức nước dâng bình thường là 17,42 tỉ m3 tương ứng 7,12 tỉ kWh điện.
Nếu so với cùng kì 2019, đến thời điểm đầu tháng 3/2020, các hồ thủy điện đang có mức nước thấp hơn cùng kì từ 5m đến 24m, tổng lượng nước trong các hồ thủy điện thấp hơn 7,47 tỉ m3, tương đương 3,15 tỉ kWh điện.
Cũng theo EVN ngay trong 2 tháng đầu năm, mặc dù phụ tải chưa phải tăng cao nhưng toàn hệ thống cũng đã phải huy động 230 triệu kWh chạy bằng nguồn điện chạy dầu có giá thành cao để giữ nước các hồ thủy điện phục vụ yêu cầu vận hành trong cả mùa khô.
Hiện nay, hầu hết các hồ lớn khu vực miền Bắc có nước về thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt đạt từ 17 - 83% trung bình nhiều năm.
Ở khu vực miền Trung tình trạng thiếu hụt nước còn nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ có nước về thấp hơn, chỉ đạt từ 2-76% trung bình nhiều năm.
Trong đó các hồ có nước về kém nhất là: Bình Điền, A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Buôn Kuốp, Srê Pok 3,... Còn ở miền Nam, đa số các hồ có cũng có diễn biến nước về kém hơn trung bình nhiều năm, lưu lượng nước về đạt từ 12-70% trung bình nhiều năm; trong đó các hồ nước về kém nhất là Đồng Nai 3, Trị An, Đại Ninh.
Với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất kém so với kế hoạch cũng như trung bình nhiều năm dẫn tới thiếu hụt lớn sản lượng huy động từ thủy điện, việc huy động từ nhiệt điện than, khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện của mùa khô cũng như cả năm 2020.
Về năng lượng tái tạo, trong 2 tháng đầu năm Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã huy động tối đa có thể các nguồn năng lượng tái tạo với tổng sản lượng 1,8 tỉ kWh, chiếm gần 5% trên tổng sản lượng phát điện toàn hệ thống trong khi công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo chiếm khoảng 9% toàn hệ thống nguồn điện.
Riêng đối với điện mặt trời áp mái, đến đầu tháng 3/2020 đã có tổng cộng hơn 24.300 dự án đã được lắp đặt vận hành với tổng công suất là 465,8 MWp.
Đây là mức rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở nước ta. Một trong những nguyên nhân làm điện mặt trời áp mái phát triển chững lại là do người dân vẫn đang chờ ban hành giá điện mặt trời mới sau thời điểm 30/6/2019, EVN cho hay.
Ngoài ra Tập đoàn điện lực Việt Nam dự báo tình hình cung cấp điện từ tháng 3 đến hết mùa khô 2020 sẽ còn nhiều khó khăn.