Điểm mặt doanh nghiệp lãi nghìn tỉ: Ngân hàng chiếm ưu thế, 'ông lớn' lên đỉnh lịch sử, 'ông lớn' lao dốc
Bức tranh chung về lợi nhuận tương đối sáng sủa
Tính đến cuối ngày 1/8, tổng số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh gồm 861 đơn vị. Trong đó có 313 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, 292 doanh nghiệp niêm yết trên HNX và 256 doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM.
Số liệu kết quả lợi nhuận được công bố cho thấy bức tranh chung tương đối sáng sủa. Theo đó, thời điểm hện tại có 739 kinh doanh có lãi, chiếm tỉ trọng 85,8%, 121 doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế, chiếm tỉ trọng 14%. Trong số những doanh nghiệp có lãi, có 596 đơn vị có lợi nhuận dưới 100 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng đến 80,6%, những đơn vị có mức lãi 100 – 200 tỉ đồng (6,9%), 200 – 300 tỉ đồng (2,8%), 300 – 500 tỉ đồng (3,4%), 500 – 1000 tỉ đồng (2,2%) và trên 1.000 tỉ đồng (4,1%).
Nguồn: Phan Quân thống kê
Về số liệu tổng quan, tổng lợi nhuận trước thuế của 861 doanh nghiệp là 171.812 tỉ đồng, tăng nhẹ 5,2% so với cùng kì năm ngoái. Cùng với đó, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng gần 5,1% lên 138.460 tỉ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Vinhomes (Mã: VHM) là doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận sau thuế với 11.142 tỉ đồng. Trong khi đó, hai doanh nghiệp của 'bầu' Đức là HAGL Agrico (Mã: HNG) và HAGL (Mã: HAG) ghi nhận mức lỗ sau thuế cao nhất, lần lượt là 737,5 tỉ đồng và 691 tỉ đồng.
Về tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận, Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam (Mã: PPS) đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận khi tăng gần 444 lần từ 5,2 triệu đồng nửa đầu năm 2018 lên 2,3 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Doanh nghiệp lãi nghìn tỉ: Vinhomes lên đỉnh lịch sử
Số liệu thống kê cho thấy trên sàn có 30 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỉ đồng, tăng 3 đơn vị so với nửa đầu năm 2018.
Theo đó, 5 cái tên mới gia nhập nhóm lãi nghìn tỉ như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), Sacombank (Mã: STB), Ngân hàng VIB (Mã: VIB), TPBank (Mã: TPB), Ngân hàng SHB (Mã: SHB). Hai doanh nghiệp rời nhóm lợi nhuận nghìn tỉ gồm có Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), Gemadept (Mã: GMD).
Trong số những doanh nghiệp báo lãi sau thuế nghìn tỉ, nhóm ngân hàng chiếm ưu thế với 11 đại diện. Tổng lợi nhuận sau thuế của những ngân hàng này là 36.061 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 37,25% cả nhóm doanh nghiệp lãi nghìn tỉ.
Đáng chú ý nhất, Vinhomes là doanh nghiệp duy nhất báo lãi vượt 10.000 tỉ đồng. Theo BCTC công bố, lợi nhuận sau thuế lũy kế nửa đầu năm 2019 đạt 11.143 tỉ đồng, tăng 36,61% so với 6 tháng đầu năm 2019. Đây là lợi nhuận cao nhất lịch sử của Vinhomes.
Công ty mẹ của Vinhomes là Tập đoàn Vingroup có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm, đạt 89,5%, lên 3.352 tỉ đồng. Cùng với đó, Vincom Retail công bố lợi nhuận sau thuế tăng 7,66% lên 1.251 tỉ đồng.
Nguồn: Phan Quân thống kê, Đồ Họa: Alex Chu
Theo BCTC 6 tháng, Vietcombank đứng đầu về lợi nhuận của nhóm ngân hàng và thứ hai trong 'câu lạc bộ' lợi nhuận nghìn tỉ với 9.076 tỉ đồng, tăng 40,93% so với nửa đầu năm 2018.
Trong khi đó, TPBank đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong nhóm ngân hàng. Nửa đầu 2019, nhà băng này ghi nhận mức lãi sau thuế 1.295 tỉ đồng, tăng trưởng 58,12% so với cùng kì năm 2018. Theo sau đó, Ngân hàng VIB báo lãi 1.456 tỉ đồng, tăng trưởng 58,09%.
Hai ngân hàng mới gia nhập nhóm lợi nhuận nghìn tỉ là SHB và Sacombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng lần lượt là 53,13% và 49,87%, lên 1.248 tỉ đồng và 1.151 tỉ đồng. Một số ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hai con số trong nửa đầu năm nay gồm MBB (29,31%), ACB (17,75%).
Những ngân hàng khác nghi nhận tăng trưởng dưới 10% như Techcombank (9,04%), HDBank (7,32%), VietinBank (1,27%).
Trái với xu hướng chung, BIDV và VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm 4,49% và 0,86% xuống còn 3.826 tỉ đồng và 3.471 tỉ đồng.
Lợi nhuận Masan, BIDV lao dốc
Trái với xu hướng chung, BIDV và VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm 4,49% và 0,86% xuống còn 3.826 tỉ đồng và 3.471 tỉ đồng.
Những đại diện nhóm thực phẩm – đồ uống là Vinamilk, Sabeco, Masan Consumer ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, trong khi đó Masan Group báo lãi giảm mạnh nhất cả nhóm với tỉ lệ 35,87%.
Cái tên duy nhất của ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 12,77% xuống còn còn 3.860 tỉ đồng. Diễn biến khả quan hơn, những doanh nghiệp nhóm dầu khí - điện đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng như PV Gas (5,21%), PV Power (15,87%), Petrolimex (10,94%).
Nhóm doanh nghiệp bán lẻ, Thế giới Di động (Mã: MWG) đạt tỉ lệ tăng trưởng cao nhất với 37,73%, lên 2.121 tỉ đồng.
Những thống kê trên cho thấy nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến khởi sắc trong nửa đầu năm 2019.