|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19: Khi thế giới cần niềm tin và sự lạc quan

06:51 | 01/04/2020
Chia sẻ
Mạng tin Arab News mới đây đăng bài bình luận, phân tích về những khía cạnh tích cực, khơi gợi niềm lạc quan của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dịch COVID-19: Khi thế giới cần niềm tin và sự lạc quan - Ảnh 1.

Kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 9/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Có một câu nói nổi tiếng nói rằng “Lạc quan là một nghĩa vụ đạo đức”. Trong bối cảnh không ít chuyên gia đã cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, cộng đồng quốc tế và bản thân mỗi chúng ta rất cần đối diện những thử thách này với sự tích cực và lạc quan.

50 năm trước, cách ly có nghĩa là cô lập hoàn toàn với thế giới. Ngày nay, con người có nhiều lựa chọn phương thức giao tiếp và chính cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 khiến thế giới một lần nữa tìm lại những ý niệm chỉ có “trong thời chiến”, đó là cùng nhau vượt qua những khó khăn và thách thức.

Khi nhiều quốc gia trên thế giới liên tục áp dụng những biện pháp chưa từng có tiền lệ, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu suy ngẫm về những đổi thay căn bản mà cuộc khủng hoảng này sẽ tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Hàng loạt doanh nghiệp bị nhấn chìm đột ngột trong “vực thẳm tài chính”. Một cuộc khảo sát của Mỹ cho thấy hơn một nửa các doanh nghiệp nhỏ có thể bị “xóa sổ” trong vòng 3 tháng tới nếu không được hỗ trợ khẩn cấp.

Các quốc gia đang phải đối mặt với lựa chọn bất đắc dĩ, hoặc phải chấp nhận triển khai các biện pháp hà khắc để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh hoặc sẽ phải chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế.

Dịch bệnh kéo dài cũng sẽ khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí không thể nuôi sống bản thân gia đình mình. 

Cuộc khủng hoảng COVID-19 thực sự là thảm họa đối với các tổ chức văn hóa và quỹ từ thiện, khi những hoạt động và nguồn tài trợ bị cắt xén đáng kể.

Tuy nhiên, khủng hoảng cũng là cơ hội để thế giới nhìn lại con người đang thực sự sống trong một xã hội như thế nào. 

Liệu chúng ta có đổ xô tích trữ nhu yếu phẩm, ưu tiên cho những lợi ích vị kỷ của bản thân, hay sẽ dang rộng vòng tay để đùm bọc những người khác?

Tại Lebanon, đất nước Trung Đông nhỏ bé này đã ở trên đỉnh của một cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia. 

Dịch COVID-19 tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào nước này, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khó có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Số người Lebanon sống trong nghèo đói hiện đã vượt ngưỡng 50%, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp của những người dưới 25 tuổi đã tăng vọt lên trên 37%. 

Cho đến nay, hơn 800 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống của Lebanon phải đóng cửa, đẩy hàng nghìn người khác rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế Lebanon sẽ còn được cảm nhận trong một thời gian dài và đây cũng chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.

Các bệnh viện của Iraq đã quá tải đến mức những người nhiễm virus SARS-CoV-2 thậm chí không muốn vào điều trị trừ những trường hợp diễn biến quá nặng. 

Một số nguồn tin cho rằng, có rất nhiều trường hợp gần đây tại Iraq tử vong ngay sau khi nhập viện, càng làm phức tạp các nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Ở nước láng giềng Iran, nơi ghi nhận số ca lây nhiễm dịch COVID-19 nhiều nhất tại Trung Đông, thống kê chính thức cho thấy trung bình 10 phút lại có một người dân tử vong do virus SARS-CoV-2.

Một vài nghiên cứu đã cảnh báo rằng 3,5 triệu người Iran có thể lây nhiễm dịch bệnh này nếu tình hình không sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, giới chức Iran dường như vẫn coi nhẹ sự bùng phát của dịch bệnh, trong khi vẫn ưu tiên cho những tham vọng khu vực của mình.

Trong khi đó, kinh nghiệm ứng phó với dịch COVID-19 của các nước vùng Vịnh là rất khác. 

Cho đến nay, Bahrain đã quốc gia vùng Vịnh chịu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi hàng loạt các trường hợp lây nhiễm có nguồn gốc là các công dân trở về sau chuyến hành hương đến thành phố Qom của Iran.

Tuy nhiên, Chính quyền nước này đã đưa ra những phản ứng kịp thời, theo dấu tất cả các trường hợp khả nghi và kiểm tra kỹ lưỡng những người có khả năng bị phơi nhiễm.

Hệ quả là, Bahrain đã ngăn chặn thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ngay khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Một số video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân Lebanon sinh sống ở Bahrain đã ca ngợi các biện pháp quyết liệt của chính phủ nước này.

Họ cảm thấy an tâm hơn so với nhiều quốc gia khác, nơi hoạt động kiểm dịch không được thực hiện mạnh tay hoặc thiếu thông tin minh bạch để có thể nắm bắt được mức độ đe dọa thực sự của dịch bệnh.

Nhiều cơ quan cứu trợ y tế cảnh báo rằng dịch COVID-19 cũng có thể là “kẻ thù vô hình” gây ra tình trạng chết người hàng loạt tại các trại tị nạn đông đúc ở Syria, Palestine hay Afghanistan. 

Nhiều người tị nạn hiện không được tiếp cận với nguồn nước sạch và hỗ trợ y tế tối thiểu.

Bên cạnh đại dịch COVID-19, thế giới cũng không nên bỏ qua một thực tế rằng có khoảng 25.000 người chết đói mỗi ngày, tức hơn 9 triệu mỗi năm. 

Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở khu vực cận Sahara châu Phi hiện ở mức rất cao, khi trung bình 1/9 trẻ nhỏ tử vong trước 5 tuổi.

Bên cạnh đó, bệnh sốt rét cũng giết chết khoảng 3.000 người tại châu Phi mỗi ngày. Vì sao những cuộc khủng hoảng và nghèo đói cùng cực này không trở thành những ưu tiên giải quyết của cộng đồng quốc tế?

Bên cạnh đó, cách ly bắt buộc cũng là lời cảnh tỉnh trước những tác động về môi trường mà con người gây ra hàng ngày trước đại dịch COVID-19. Tình trạng ô nhiễm công nghiệp ở nhiều thành phố Trung Quốc đã giảm đáng kể khi dịch bệnh bùng phát.

Hoạt động giao thông cũng giảm mạnh khi con người hạn chế đi lại. Một nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra mức độ khí phát thải CO2 (chủ yếu từ ô tô) đã giảm gần 50% kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát.

Lịch sử đã chứng kiến nhiều đại dịch khiến hàng triệu người tử vong trong quá khứ. Dịch COVID-19 không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh thế giới cần sẵn sàng hơn trước những mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai, mà còn là sự cần thiết phải phối hợp cùng nhau giải quyết các thảm họa môi trường, các cuộc xung đột lớn và thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại nhiều khu vực trên toàn cầu.

Việt Khoa