Dịch COVID-19 hôm nay 24/3: Đông Nam Á ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh trong tuần qua
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (24/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, đến thời điểm này, đã tròn một tuần Việt Nam không có ca bệnh trong cộng đồng. Cả nước hiện có 2.576 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Đến nay đã có 39.817 người trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 29.762.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.265/2.576 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 54 ca; số ca âm tính lần hai là 21 ca, lần ba là 45 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 125,41 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,75 triệu người tử vong và 101,27 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong tuần từ ngày 14 - 21/3, 4 khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh là Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Âu và Đông Địa Trung Hải, với mức tăng tương ứng là 49%, 29%, 13% và 8%. Châu Âu và châu Mỹ vẫn chiếm tới gần 80% trong tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới, theo TTXVN.
Số ca bệnh mới tăng trong tuần qua đã tiếp nối xu hướng gia tăng số ca nhiễm mới kể từ đầu tháng 3, kết thúc đà giảm số ca nhiễm trên toàn thế giới. Đáng chú ý, số ca tử vong cũng tăng nhẹ trong tuần trước sau nhiều tuần giảm.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,7 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 65.035 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.307 ca, nâng tổng số lên 558.324.
Tổng số người phục hồi là hơn 23,12 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 90.564 và 2.244 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 12,22 triệu và 301.087 người.
Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,68 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba tồi tệ nhất trong bối cảnh các biến chủng lây lan mạnh, biện pháp phòng dịch không được thực hiện và chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp.
Tổng thống Jair Bolsonaro hôm qua thông báo sẽ thành lập ủy ban chống khủng hoảng với 27 thống đốc để đối phó làn sóng COVID-19 đang tàn phá Brazil, theo AFP.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,78 triệu ca nhiễm và 160.726 ca tử vong, tăng lần lượt 53.419 và 249 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,22 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh trở lại tại nước này.
Giới chuyên gia cảnh báo, quốc gia 1,4 tỷ dân này còn xa mới tiến đến mức miễn dịch cộng đồng. Làn sóng lây nhiễm hiện nay - vốn đang lan mạnh ở các khu vực nông thôn, sẽ khiến hệ thống y tế đang quá tải của Ấn Độ càng thêm áp lực, theo TTXVN.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 8.861 ca mắc và 401 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,48 triệu trường hợp, trong đó 96.219 trường hợp tử vong, và hơn 4,09 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang chững lại ở mức 9.000, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.125 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.331 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung Quốc đã tiêm hơn 82,84 triệu liều vắc xin COVID-19 tính đến ngày 23/3 khi nước này chuẩn bị đẩy mạnh việc tiêm chủng cho toàn dân. Hơn 100 triệu liều vắc xin sản xuất trong nước đã được phân phối trên toàn cầu, bao gồm cả ở Trung Quốc. Giới chức cho biết, sản lượng vắc xin COVID-19 hàng ngày đã tăng từ 1,5 triệu liều vào ngày 1/2 lên khoảng 5 triệu liều.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), khoảng 403.000 người (5% dân số thành phố) đã tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên. Trong đó, hơn 250.000 người tiêm vắc xin của Sinovac, số còn lại tiêm loại của Pfizer/BioNTech, theo AFP.
Một bệnh viện tư tại đây đã bị loại khỏi chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 sau khi một bác sĩ của cơ sở này khuyến nghị tiêm vắc xin Đức thay vì của Đại lục vì hiệu quả cao hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 425 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 99.846 ca, trong đó có 1.707 trường hợp tử vong, và 91.560 người đã hồi phục (90%).
Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc trong 24 giờ qua, tăng trở lại lên mức 400 do các ca nhiễm lẻ tẻ từ nơi làm việc và các cuộc tụ tập, làm dấy lên lo ngại đại dịch có thể bùng phát trở lại, theo Yonhap.
Tại Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất dù tình hình dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm, theo TTXVN.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều nhất trong khu vực, song số ca tử vong lại giảm mạnh. Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các quy định phòng dịch. Nước này trong 24 giờ qua ghi nhận thêm tới 100 ca bệnh mới và một ca tử vong.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 29 bệnh nhân mới trong ngày 24/3. "Sự cố cộng đồng" mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.