Dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến logistic thương mại thủy sản
Theo Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc, khoảng 80% khối lượng giao dịch hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển và Trung Quốc là nơi có 7/10 cảng được xem là những cảng bận rộn nhất thế giới.
Việc Trung Quốc ra sức phòng chống dịch khiến nhiều tàu không thể cập cảng của quốc gia này, trong khi đó một số tàu khác đang mắc kẹt tại cảng do chưa có công nhân quay lại làm việc và vẫn còn nhiều tàu khác đang không hoạt động trong “khu vực cách ly nổi” vì nhiều nước cấm các thuyền viên của các tàu đã cập cảng Trung Quốc rời tàu trước khi họ được xác nhận không nhiễm virus.
Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 đối với các cảng ở Seattle và Tacoma ở tiểu bang Washington của Mỹ, nơi các con tàu được chất đầy bởi những container quần áo, đồ chơi và đồ điện tử.
Nhiều tàu sẽ trở về Trung Quốc với những lô hàng thủy sản Alaska và các sản phẩm khác của Mỹ, nhưng hiện tại các hoạt động đã chậm lại đáng kể.
Peter McGraw, thành viên của Liên minh Cảng biển Tây Bắc, cho biết “Các nhà máy không mở cửa và hàng hóa không được sản xuất. Chúng tôi chưa xác định được những tác động của điều này. Có rất nhiều chuyến đi với các container trống, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều chuyến đi sẽ bị hủy bỏ”.
Alaska XK thủy sản sang Trung Quốc với giá trị gần 1 tỷ USD bao gồm các sản phẩm dành cho tiêu dùng cuối cùng của Trung Quốc. Nhưng phần lớn sản phẩm được tái xuất trở lại Mỹ và các nước khác.
Andy Wink, Giám đốc Hiệp hội Phát triển Thủy sản Vùng vịnh Bristol, đồng thời là một nhà kinh tế có kinh nghiệm theo dõi thị trường cá hồi thế giới trong hơn một thập kỷ cho biết “Nếu nhà máy có sản phẩm đến nhưng lại không có công nhân để vận hành, nhà máy sẽ gặp phải tình trạng dư thừa kho bảo quản lạnh.
Đây là một vấn đề đối với phía tái xuất sản phẩm. Về mặt tiêu dùng, nếu người tiêu thụ không đi mua thủy sản, điều đó sẽ làm giảm tiêu thụ. Do đó, có một số giải pháp để khắc phục khó khăn trong việc vận chuyển thủy sản thông qua chuỗi cung ứng”.
Đã có nhiều hơn sản phẩm thủy sản từ các nơi khác NK vào Mỹ. “Các công ty nuôi cá hồi lớn đang tìm các địa điểm để định hướng sản phẩm của họ và Mỹ là sự lựa chọn tốt. Do đó, Wink cho biết đã chứng kiến giá cá hồi trung bình giảm khoảng 10% kể từ đầu năm ở thị trường bán buôn.
John Sackton, chuyên gia thị trường của Seafood News cho biết “Khi cuộc khủng hoảng có khả năng vào mùa xuân, nhiều nghề cá lớn có mùa bán quanh năm nhưng vụ thu hoạch ngắn hơn – như cá hồi Alaska, cũng bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán về giá và thiết lập giá bán tại cảng”.
Việc thiết lập giá tại cảng dựa vào sự kỳ vọng về giá cho cả năm của nhà phân phối và nhà đóng gói sản phẩm, nguồn cung và sự có sẵn của sản phẩm cập cảng, chi phí và kỳ vọng kinh doanh của người thu hoạch.
Sackton cho biết “Bất kể mức giá nào được trả trong tháng 5 hoặc tháng 6, các nhà đóng gói đang xem xét mức giá cho 5,6 tháng tiếp theo vì sự khó lường của tình hình dịch bệnh trong năm nay”.
Hannah Lindoff, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Viện tiếp thị thủy sản Alaska (ASMI) cho biết, ngoài Trung Quốc, ngành thủy sản Alaska đã đa dạng hóa thị trường thủy sản của mình kể từ thời điểm thuế quan áp đặt vào năm 2018 đã khiến ngành thủy sản Alaska bị giảm doanh số với các đối tác hàng đầu.
Tuy nhiên, nỗi sợ dịch COVID-19 đang gây ra sự gián đoạn trên khắp các khu vực bán hàng.
“Chúng tôi có các đại diện tiến hành các hoạt động tiếp thị để nâng cao giá trị của các sản phẩm thủy sản Alaska. Tuy nhiên, do lệnh cấm đi lại và các vấn đề về sức khỏe, một số hội thảo ở Trung Quốc được thiết kế để nâng cao kiến thức về các loài khác nhau ở Alaska được lên kế hoạch tổ chức trong tháng 3/2020 đã bị hủy bỏ.
Ngoài ra, các sự kiện ở Singapore và Italia cũng đã bị hủy bỏ. ASMI tiếp tục ưu tiên sức khỏe của các đại diện và đối tác ở nước ngoài của chúng tôi ở các khu vực này và hy vọng vào những tin tức tích cực”, Lindoff cho biết.
Theo New York Times, các hoạt động vận chuyển hàng hóa hàng không đã bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau và việc hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc đã khiến cho các hãng vận chuyển gặp khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm.
Người mua sắm ở Mỹ có thể không tìm thấy nhiều mặt hàng trên các kệ hàng ở các siêu thị vào giữa tháng 4/2020. Các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target có thể là những người đầu tiên gặp phải các vấn đề hết hàng.