Để đứng vững trong môi trường bất ổn địa chính trị - Bài 4: Sức bền mạnh mẽ tạo đà để vươn xa
Tuy nhiên, môi trường địa chính trị thế giới liên tục biến động trong năm 2023 lại đặt ra không ít thách thức đối với kinh tế Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các tổ chức quốc tế, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để mang đến cho độc giả những góc nhìn đa chiều, chuyên sâu và cập nhật nhất về tình hình kinh tế Việt Nam giữa “vòng xoáy” bất ổn của thế giới.
Sức bền mạnh mẽ
IMF đã công bố Báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên TTXVN tại Washington đã trao đổi với Trưởng đoàn tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của IMF Paulo Medas.
Theo chuyên gia Paulo Medas, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sau đại dịch, với mức tăng trưởng cao kỷ lục 8,02%. Tuy nhiên đến cuối năm 2022, nền kinh tế lại hứng chịu những “cơn gió ngược” ở cả trong và ngoài nước, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải hành động. Ngoài ra, Việt Nam và nhiều nước khác cũng đối mặt với cú sốc lớn từ bên ngoài khi xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Tất cả những cú sốc này đã gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2022, song chính phủ đã nhanh chóng triển khai các giải pháp giúp giảm áp lực thanh khoản và kiểm soát lạm phát. Vì vậy, đến đầu năm 2023 tình hình đã được cải thiện.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2023, do tất cả những cú sốc lớn trên, lại bị hạ thấp. Do đó, IMF mong đợi kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, với mức tăng trưởng vào khoảng 4,7%.
Ông Paulo Medas cho rằng châu Á vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu và mức tăng trưởng dự báo 4,7% của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Ngoài ra, IMF cũng nhận thấy một số dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi. Về tổng thể, trong giai đoạn từ tháng 1-8/2023, xuất khẩu giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, xuất khẩu đã cho thấy sự phục hồi trong tháng Tám. Việt Nam đang nỗ lực tăng cường quan hệ với nhiều nước để mở rộng thị trường. Vì vậy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ được cải thiện.
Trong khi đó, trả lời phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Shanaka Peiris, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khu vực thuộc Vụ châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong quý IV/2023.
Theo chuyên gia này, khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ vượt qua được những “cơn gió ngược” ngắn hạn và sẽ duy trì động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị cũng như dòng vốn FDI.
Đồng quan điểm với IMF, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam mới nhất được công bố vào tháng 10/2023, WB cũng cho rằng kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trong quý III/2023 nhờ xuất khẩu dần phục hồi.
Tuy nhiên, WB cũng cho rằng tiêu dùng trong nước của Việt Nam vẫn yếu trong khi tăng trưởng tín dụng chậm, phản ánh sự ảm đạm của đầu tư tư nhân trong nước. Ngoài ra, lạm phát toàn phần tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng Sáu, lên mức 3,7% trong tháng Chín. Do đó, WB cho rằng xu hướng lạm phát tăng mạnh cần được Việt Nam theo dõi chặt chẽ.
Đầu tư công và tiêu dùng là động lực trung hạn
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho rằng tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư công sẽ là những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm 2024.
Theo ông, việc duy trì động lực đầu tư công đóng vai trò quan trọng bởi điều này sẽ giúp phục hồi các hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập để từ đó đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Một số tính toán cho thấy khoảng 30 tỷ USD đầu tư công đã được lên kế hoạch, do đó Việt Nam cần tăng cường nỗ lực để xúc tiến việc chi tiêu số tiền này.
Đây cũng là điều được Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất. Theo đó, WB cho rằng những nỗ lực tiếp tục thực hiện đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Một danh mục đầu tư chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo với trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng chống chịu và hạ tầng liên vùng, sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.
Bên cạnh đó, việc cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực (đặc biệt là kỹ năng công nghệ cao) sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong trung và dài hạn.
Tạo đà để vươn xa
Chuyên gia Paulo Medas của IMF cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần một môi trường kinh doanh, những cải cách và cơ sở hạ tầng tốt.
Một trong những thách thức lớn mà Việt Nam gặp phải là nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhất là các sản phẩm công nghệ cao. Ông cho rằng việc tăng cường quan hệ với Mỹ sẽ có lợi nếu Việt Nam có thể thu hút thêm FDI từ các công ty công nghệ cao của Mỹ.
Theo chuyên gia này, để có môi trường kinh doanh tốt hơn, Việt Nam cần hai giai đoạn cải cách.
Đầu tiên trong giai đoạn trước đại dịch, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách giúp nền kinh tế tăng trưởng đáng kể, nhưng một số cải cách chỉ mang lại lợi ích một lần, chẳng hạn như chính sách mở cửa nền kinh tế, chi phí nhân công tương đối thấp, và nguồn nhân lực có trình độ cao.
Hiện nay, Việt Nam đang ở một giai đoạn khác, với mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện đợt cải cách thứ hai. Đó là cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giúp giảm chi phí kinh doanh và thu hút đầu tư nhiều hơn nữa.
Một lĩnh vực quan trọng hơn là năng lượng. Để có mức tăng trưởng cao, Việt Nam cần năng lượng tái tạo. Điều này đòi hỏi đầu tư nhiều vào năng lượng tái tạo, tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cuối cùng, ở những nước có mức thu nhập trung bình cao, nền kinh tế thị trường đều có thể chế tốt để đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, chẳng hạn như thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, Việt Nam cần thể chế tốt để giám sát hiệu quả, để các nhà đầu tư tự tin rằng họ có thể đầu tư vào thị trường và thu được lợi nhuận.