Đất Cần Giờ rục rịch sốt trở lại
"Cò" đất đua nhau "kê" giá sau thông tin duyệt thiết kế cầu Cần Giờ
Mới đây, phương án thiết kế cầu Cần Giờ vừa được thông qua. Động thái này một lần nữa tác động rõ ràng đến thị trường địa ốc huyện đảo, giới đầu tư nhà đất bắt đầu rục rịch trở lại công cuộc "săn đất".
Theo phương án thiết kế cầu Cần Giờ vừa được phê duyệt, đây sẽ là cây cầu dây văng một trụ tháp với ý tưởng thiết kế phác họa theo hình tượng cây đước – loài cây đặc trưng của huyện Cần Giờ. Lan can cầu sẽ tạo theo hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo hiệu ứng rừng đước.
Dự kiến, tổng vốn đầu tư cầu là 5.300 tỉ đồng. Cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh hiện hữu, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố.
Ghi nhận thực tế của PV, dọc tuyến đường Rừng Sác, từ bến phà Bình Khánh đi xuống phía xã Cần Thạnh, hàng loạt trung tâm môi giới, ký gửi nhà đất mọc lên liên tiếp. Dù nhiều người nói về sự nhộn nhịp của cánh môi giới địa ốc Cần Giờ những ngày này, nhưng trong buổi sáng PV có mặt, hầu hết các trung tâm môi giới hoặc đóng cửa, hoặc không có khách ra vào. Chỉ một số trung tâm hiếm hoi có sự xuất hiện của một vài khách lẻ, vãng lai.
Hầu hết các trung tâm môi giới, ký gửi nhà đất tại Cần Giờ đều vắng khách, ít người ra vào. (Ảnh: Hiếu Quân
Trong vai một khách mua đang có nhu cầu mua đất mặt tiền đường Rừng Sác, ở khu vực gần bến phà Bình Khánh, PV được anh Huân – một môi giới ở khu vực xã Bình Khánh – dẫn tới xem một khu đất rộng 1.300 m2, nằm ngay trên mặt tiền đường Rừng Sác, cách bến phà khoảng 500 m. Lô đất có dạng hình vuông, "nở hậu", mặt tiền đường Rừng Sác rộng khoảng 9 m, còn mặt tiền đường phía sau rộng đến hơn 10 m.
"Miếng đất này đằng sau còn giáp một con đường rộng khoảng 2,5m nữa. Giá bán khoảng 15 – 16 tỉ đồng (tức khoảng 12,3 triệu đồng/m2), vì đây là miếng đất của bà cô, bà không phải người đầu tư đất nên mới có giá đó, chứ dọc đường Rừng Sác, đoạn gần phà Bình Khánh giờ giá đất thấp nhất cũng phải 18 triệu đồng/m2 trở lên", anh Huân nói.
Khu đất PV được anh Huân giới thiệu rộng khoảng 1.300 m2, nằm trên mặt tiền đường Rừng Sác, cách phà Bình Khánh khoảng 500 m, giá bán khoảng hơn 12 triệu đồng/m2. (Ảnh: Hiếu Quân)
Sau khi giới thiệu miếng đất của bà cô, anh Huân "nhân tiện" quảng cáo thêm một số lô đất khác: một căn nhà cấp bốn, lộ giới 2m5, bề ngang 4m5, dài hơn 20 m có giá 1,5 tỉ đồng; còn hai miếng mặt đường 6 m, ngang 11 m, dài 35 m, đều là đất thổ cư có giá bán 5 tỉ đồng; một miếng khác chiều ngang 8 m, dài 42 m có giá 4 tỉ đồng (tức giá bán của các lô đất này phổ biến trong khoảng từ 12 – hơn 13 triệu đồng/m2).
Anh Huân cho hay: "Nếu vào hỏi giá đất trong các trung tâm môi giới sẽ thấy giá bán rất chênh lệch, vì 'cò' ở đây 'kê' giá dữ lắm. Đất Cần Giờ bây giờ nhìn chung là giá cao lắm, vì khách mua hầu như là người thành phố xuống, họ đã mua đất rồi thì không bán lại nữa. Mấy miếng đất đẹp đẹp ở khu này giờ toàn của người thành phố hết, mấy cái resort ở Cần Thạnh cũng được người Bắc mua đầu tư hết rồi".
Trước thắc mắc về việc tại sao giá đất Cần Giờ lại được "kê" lên quá cao như vậy, anh Huân rành rọt giải thích là bởi thành phố vừa duyệt thiết kế cho cây cầu nối quận 7 với huyện Cần Giờ, cây cầu sẽ mô phỏng theo hình dạng cây đước đặc trưng của huyện đảo… Vì thế, cả tuần nay cánh môi giới lại nhộn nhịp chạy ngược chạy xuôi để tìm đất và giới thiệu cho khách mua đất, đón đầu thông tin xây dựng cầu.
Mua cả công đất nuôi trồng thủy sản đợi chuyển sang đất ở phân lô bán nền?
Trao đổi với PV, anh Thuận, mở quán nước và nhận ký gửi nhà đất tại nhà (cách phà Bình Khánh chỉ 50 m) cho biết, giá bán của căn nhà 3 tầng bên cạnh, 84 m2, có sổ hồng, rơi vào khoảng 5 tỉ đồng (tức là gần 60 triệu đồng/m2). Giá bán cao vậy nhưng cũng không có mấy nhà bán, họ để ở và kinh doanh, buôn bán. Hiện tại, khu có nhiều giao dịch nhất là đoạn cách phà khoảng 2 – 3 km, vẫn thuộc địa phận xã Bình Khánh nhưng khu đó được quy hoạch có UBND xã, công an xã, có bệnh viện, trường học, chợ…
"Nhất là khu xã Lý Nhơn (đoạn mặt tiền đường Rừng Sác) đang có giá tăng rất nhanh, trước 1 công (1.000 m2) có giá chỉ mấy chục triệu thôi, giờ lên đến mấy trăm triệu, thậm chí cả hơn tỉ đồng/1 công. Một khu nữa dân đang đổ vào mua đất là khu Đầm Sen 2. Với đất thổ cư, giá bán mỗi công đất dao động trong khoảng từ 8 – 25 tỉ đồng, tùy theo vị trí mặt tiền hay không, diện tích lô đất lớn hay nhỏ. Mấy khu dưới đó thường chủ đất xây nhà cấp 4 tạm thôi chứ không xây nhà kiên cố, vì họ chờ được giá để bán sang tay", anh Thuận thông tin.
Bản thân anh Thuận cũng có ý định mua một lô đất trong khu dân cư gần UBND xã, diện tích 90 m2, mặt tiền đường thôn có lộ giới 3 – 4 m, đây là khu tái định cư thuộc xã Bình Khánh, lô đất có giấy tờ đầy đủ. Nhưng hỏi thăm giá đất thời điểm trước tết là 1,1 tỉ đồng, ra tết giá đã "nhảy" lên 1,2 tỉ đồng nên anh Thuận "bỏ cuộc".
Anh nói: "Toàn cò đất láo nháo, kê giá bán lên, thành lệ rồi, năm nào đầu năm cánh cò đất cũng tung tin giá cả các nơi đội giá, như năm kia sốt đất một lần, năm rồi cũng sốt cùng mấy khu quận 2, quận 9. Sau thông tin duyệt thiết kế cầu thì tuần nay thấy cò chạy rạo rực thôi chứ khách hỏi thăm thông tin cũng ít lắm. Đội cò toàn đi tứ xứ rồi về tụ tập ở quán tôi chuyện trò nên tôi biết. Bây giờ giá đất niêm yết của nhà nước thấp hơn nhiều so với thực tế nên mới vậy, chứ sau này nếu ổn định được thị trường bất động sản, giá cả chính xác, công khai thì mới hết cò được".
Theo anh Thuận, đất Cần Giờ đang bị cò đất thổi giá, đầu năm nào cánh môi giới cũng tung tin sốt đất để đẩy thị trường lên. (Ảnh minh họa: Hiếu Quân)
Theo anh Thuận, từ cuối năm 2018 đến sau Tết Kỷ Hợi 2019, giá đất Cần Giờ nói chững lại thì không đúng, vì tuy không có người mua nhưng giá không giảm xuống. Tại địa bàn huyện, giá đất hiện tại của một số khu vực khá cao nhưng mãi không chịu giảm, có thể đây là giá thực chứ không phải giá "ảo". Giá đất Cần Giờ sẽ còn tiếp tục tăng nữa khi cơ sở hạ tầng được đầu tư hơn.
Đặc biệt, ở Cần Giờ hiện khá phổ biến tình trạng mua bán đất nuôi trồng thủy sản, chờ xin chuyển đổi mục đích sử dụng qua đất ở. Anh Thuận cho hay, người ta thường mua cả công đất nuôi thủy sản rồi chia lô bán lại lấy lãi. Mặc dù có rủi ro (có thể không chuyển đất nuôi thủy sản thành đất ở được) nhưng người ta vẫn mua bán bình thường, mỗi lần bán sang tay là có thể lãi số tiền hàng tỉ đồng/công đất. Người dân tin rằng đến năm 2020, Cần Giờ sẽ có quy hoạch mới, địa phương sẽ được mở thêm khu dân cư, mở thêm đường.
Việc mua bán đất nông nghiệp, đất ruộng được chào bán công khai ở dọc đường Rừng Sác. (Ảnh: Hiếu Quân)
Cũng liên quan quy hoạch, nhờ ăn theo các dự án lớn mà đất Cần Thạnh thậm chí còn cao hơn cả xã Bình Khánh.
"Đất Cần Thạnh giờ khoảng mấy chục triệu/m2, do dưới đó mới là trung tâm của huyện, toàn bộ Huyện ủy, UBND huyện đều nằm ở đó hết. Hơn nữa, Cần Thạnh lại giáp biển và sắp có nhiều dự án quy mô như sân golf Cần Giờ, khu đô thị lấn biển… Nhưng lúc này chỉ có đất lẻ của dân là mua bán thôi, chứ các dự án rất im lìm. Năm nay may ra có mấy dự án ở Cần Thạnh được duyệt hay bắt đầu làm thôi, chứ cầu Cần Giờ chắc chưa thể có được, tôi nghĩ cây cầu này có khi 10 năm nữa cũng chưa xong", anh Thuận quan ngại.
Lý do anh Thuận đưa ra là bởi ngay như đoạn đường kết nối trên cao thuộc cao tốc Dầu Giây – Long Thành – Đồng Nai đi ngang mặt đường Rừng Sác đã xây dựng dở dang bao năm rồi mà đến nay vẫn chưa xong.
Đoạn đường kết nối trên cao thuộc cao tốc Dầu Giây – Long Thành – Đồng Nai đi ngang mặt đường Rừng Sác đã nhiều năm còn dở dang. (Ảnh: Hiếu Quân)
Cũng như lời anh Huân nói, anh Thuận cho hay, khách hỏi mua đất Cần Giờ chủ yếu là người thành phố, còn dân địa phương rất ít hỏi mua đất bởi chỉ những nhà khá giả mới mua nổi đất mặt tiền. Nếu có mua thì họ chỉ mua nhà đất ở trong hẻm.
"Dân ở đây đa số ở nhà trọ nhiều, trước họ có đất nhưng bán hết rồi. Giờ một cái nhà trong hẻm thôi, rộng 4 m, dài 20 m mà giá bán đến 900 triệu đồng thì sao mua nổi. Bây giờ mà có thêm cái cầu thì cuộc sống của người dân Cần Giờ sẽ thêm nhiều bất an. Huyện đảo bao năm sống yên bình, mà giờ không yên nổi vì người ta cho dân địa phương vay nặng lãi để đầu tư đất, chỉ cần có sổ hộ khẩu là vay được, rồi đến hạn đòi tiền là cánh xã hội đen tràn xuống đòi nợ thuê…", anh Thuận nói về không ít hệ lụy mà người dân Cần Giờ đang phải hứng chịu từ cơn sốt đất.
Còn tiếp