BĐS Cần Giờ đã hết sốt nhưng gần như không còn đất nền để giao dịch
Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu quy mô gần 3.000ha | |
Bất động sản TP.HCM: Cảnh giác với sốt đất ở Cần Giờ |
Thị trường đất nền Cần Giờ đã chững lại
Những ngày tháng 9, tìm đến đường Rừng Sác – con đường độc đạo lối TP HCM với biển Cần Giờ (bắt đầu từ phà Bình Khánh, chạy thẳng đến thị trấn Cần Thạnh), không còn cảnh nhộn nhịp người người nhà nhà cùng đổ xô đi buôn đất như trong đợt sốt nóng đất nền tại đây vào những tháng cuối năm 2017 – đầu năm 2018. Theo quan sát, dọc mặt tiền đường, khu vực cách bến phà khoảng hơn 1 km đổ lại cũng chỉ có hai văn phòng môi giới, đo đạc đất đai. Cả hai văn phòng này đều đóng kín cửa suốt buổi chiều và không hề có người vào ra…
Đường Rừng Sác là con đường độc đạo lối TP HCM với biển Cần Giờ. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Ngoại trừ khu vực giáp bến phà Bình Khánh, dân cư sinh sống đông đúc và kinh doanh buôn bán khá nhộn nhịp, thì hai bên đường Rừng Sác càng chạy xa bến phà càng thưa thớt dần. Con đường huyết mạch nối TP HCM với biển Đông cũng còn nhiều đoạn đang thi công sửa chữa, mặt đường gồ ghề, vá víu, nhiều đoạn ngập đá dăm, bụi cát… Cách bến phà từ 2 – 3 km trở đi, hai bên đường hầu như là đồng ruộng, không hề có dân cư sinh sống. Dọc trục đường chính thi thoảng mới xuất hiện vài tuyến đường nhánh nhỏ cắt ngang hoặc kết nối với đường Rừng Sác, dẫn vào những khu dân cư sinh sống ở lân cận mặt đường…
Giáp bến phà Bình Khánh, hoạt động kinh doanh buôn bán khá nhộn nhịp, tuy nhiên càng xa bến phà thì cư dân sinh sống hai bên đường Rừng Sác càng thưa thớt dần. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Chị Ngần – chủ cửa hàng nước gần bến phà Bình Khánh, nơi tập trung quen thuộc của cánh cò đất địa phương cho biết, thị trường đất nền khu vực đang chững, giá đất khu vực lân cận đường Rừng Sác hiện nay cũng đã đứng lại. Thời điểm sốt đất, hàng chục cò đất đổ ra đường mời chào, chèo kéo khách, nhưng nay khu vực gần phà Bình Khánh gần như không còn tình trạng này.
“Cò đất chủ yếu là người dân ở Bình Khánh. Đợt sốt đất, mỗi ngày quán tôi có đến khoảng 50 khách, họ ngồi đây trao đổi thông tin, mua bán rất nhộn nhịp. Nhưng nay cả tuần các vị “khách quen” ấy (cò đất) chỉ đến ngồi chốc lát trong 1 – 2 ngày thôi. Trước cả công an, y tá, bác sỹ lẫn xe ôm, chủ quán nước đều làm cò, thu nhập có khi lên đến mấy trăm triệu/ngày. Nhưng nay thị trường hẩm hiu, ai lại về nhà nấy…”, chị Ngần cho hay.
Chị còn nói thêm, hiện nay khu vực mặt tiền đường Rừng Sác gần bến phà đã không còn đất để mua bán. Những người đã bán đất đều là những người cần tiền, còn người có tiền thì sau khi mua đất họ giữ lại chứ không bán ra nữa. Những người này thường là người giàu có từ TP HCM ra đây săn mua đất.
“Nhiều người vay tiền mua đất đầu tư trong đợt sốt đất nền nhưng ôm không nổi, không trả nổi lãi ngân hàng nên phải bán cắt lỗ. Như chồng tôi ôm nửa năm rồi cũng phải bán. Bây giờ, thực sự đất đang đắt hơn vàng rồi…”, chị Ngần so sánh.
Những môi giới địa phương nhận định, thời điểm này, chỉ những người vay tiền ngân hàng để đầu cơ đất mới phải bán đất ra vì không trả nổi lãi ngân hàng, còn người mua đất bằng đồng vốn thực sự của mình thường có tâm lý giữ đất lại. Hiện nay ít còn các trường hợp vay tiền đầu cơ đất, bởi người dân đã thấy bài học từ thời "bong bbóng bất động sản" năm 2007. Đa số môi giới ở đây đều nêu quan điểm, bây giờ đồng vốn có bao nhiêu thì nên đầu tư bấy nhiêu, người dân không nên vay mượn để đầu tư, tránh rủi ro từ những biến động của thị trường. Lúc này cũng không phải là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư lướt sóng.
Anh Trọng - chủ một văn phòng môi giới nhà đất nằm trên đường Rừng Sác, khẳng định: “Thường khi thị trường nhộn nhịp thì nhiều nhà đầu tư mới có thể mua bán đất lướt sóng được. Hiện tại, thị trường đã bớt ồn ào, rất phù hợp để người có tiền và nhu cầu thực sự mua đất đầu tư lâu dài. So với thời điểm sốt nóng nhất, giá đất Bình Khánh không hề giảm dù thị trường đã chững lại suốt 2 – 3 tháng nay”.
Không còn đất để giao dịch
Trong vai một người đang có nhu cầu tìm hiểu thị trường đất Cần Giờ để mua đất đầu tư, PV được anh Trọng giới thiệu một số khu đất nằm ở khu vực gần bến phà Bình Khánh hoặc cách bến phà từ 4 – 6 km, lùi sâu khoảng vài trăm mét so với mặt tiền đường Rừng Sác.
“Đất ở nằm trên mặt tiền đường Rừng Sác mà giáp bến phà Bình Khánh (khu vực trực tiếp kết nối với quận 7) chủ yếu là các nền đất nhỏ, giá bán trung bình khoảng gần 30 triệu đồng/m2. Thậm chí, tôi từng môi giới một khu đất có ki-ốt nhỏ (diện tích khoảng 30 - 40 m2) với giá bán đến 90 triệu/m2. Một số lô đất tương tự cũng có giá dao động khoảng 80 – 100 triệu đồng/m2, vậy mà giờ cũng không có đất để mua”, anh Trọng cho biết.
Cũng là mặt tiền đường này nhưng lùi xuống 2 – 3 km nữa (khoảng qua UBND) thì giá đất sẽ giảm dần, dao động trong khoảng trên dưới 20 - 25 triệu đồng/m2. Khu vực này sau chắc chắn sẽ có chợ và trở thành một cụm đông dân cư bởi hiện nay đã có UBND, trường học, khu quân sự... Anh góp ý, nếu muốn mua đất để đầu tư thời gian ngắn thì nên chọn mua đất tại khu vực gần cầu vượt đổ lại, còn nếu có thể "ôm" đất thời gian dài thì nên mua đất ở khu vực cầu vượt đi xuống...
Từ cây cầu vượt chạy ngang đường Rừng Sác trở về phà Bình Khánh, cư dân sinh sống đông đúc hơn, giá đất nền vì thế cũng cao hơn. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Với tầm tiền đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, anh Trọng tư vấn, khách hàng có thể cân nhắc đến việc mua đất nông nghiệp nằm cách phà Bình Khánh khoảng 3 km. Loại đất này diện tích nhỏ hiện có giá từ 5 – 6 triệu đồng/m2, còn nếu mua diện tích lớn đến hàng nghìn m2 thì giá chỉ 3 – 4 triệu đồng/m2. Người mua có thể chờ đợi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, tự san lấp, làm nền và chia lô để bán.
“Mua đất ruộng bán đất nền mới có lãi cao. Anh mua vào giá trên dưới 3 triệu đồng/m2, sau khi chuyển mục đích sử dụng, hoàn thành nền, chia lô từ 50 – 100 m2, anh có thể bán ra với giá 6 – 7 triệu đồng/m2 với khu đất phía trong và 10 triệu đồng/m2 đối với phần đất mặt tiền. Tuy nhiên, đầu tư đất nông nghiệp có rủi ro rất lớn nếu không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất. Loại đất này cũng rất khó giao dịch khi mà quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa đang ngày càng siết chặt”, anh Trọng phân tích.
Đất nền dọc đường Rừng Sác phần lớn vẫn thưa thớt dân cư, nhiều lô đất cỏ dại và cây bụi mọc tràn lan nhưng có giá bán lên đến hàng chục triệu đồng/m2. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Thắc mắc về thông tin thị trường đất nền khu vực đã “hạ sốt” so với hồi đầu năm nhưng tại sao giá bán vẫn cao như vậy, PV được anh Trọng giải thích rằng thời gian gần đây thị trường không phải là “hết sốt” mà chỉ là lượng giao dịch mua bán đất nền tại khu vực đã ít đi.
“Lượng giao dịch đất đai thời gian này giảm đến hơn 50% so với giai đoạn nhộn nhịp trước đó. Dù vậy nhưng giá đất vẫn tăng dần vì nhu cầu của người mua vẫn có chứ không phải là không còn. Giao dịch ít đi một phần vì đất ở Bình Khánh cũng đã ít đi, nhiều người mua được đất nhưng giữ chứ không bán, đặc biệt là sau thông tin sẽ xây dựng cầu Bình Khánh thay thế cho bến phà hiện hữu”, anh Trọng nói.
Tương tự, hỏi thăm về thị trường đất nền tại khu vực từ đường Duyên Hải dẫn về thị trấn Cần Thạnh, chủ Công ty Bất động sản Vương Quý Phương nằm trên đường Duyên Hải thậm chí thẳng thắn nói với PV rằng, với mức đầu tư “2 – 3 tỷ đồng thì không có đất đâu”.
“Giá đất ở các khu dân cư tại thị trấn Cần Thạnh hiện nay trung bình đã khoảng 30 triệu đồng/m2; còn gần đường 30/4 giá đất cũng lên đến hơn 10 triệu/m2… Nhìn chung thị trường đất nền địa phương có giảm sốt nhưng giá đất lại không hề giảm đi bởi quỹ đất có hạn và không tăng thêm”, chị này nói.
Dọc hai bên đường Duyên Hải chủ yếu là đất ruộng, cỏ dại mọc cao, ăn sát đến lề đường... (Ảnh: Hiếu Quân) |
Cánh môi giới nhà đất tại Cần Giờ đều dự báo, từ giờ đến Tết nguyên đán, giá đất nền tại các khu vực dọc đường Rừng Sác khả năng cao sẽ sốt nóng trở lại, bởi cuối năm là thời điểm dòng tiền tích cóp, đầu tư của mọi người đổ về, nhà đầu tư, đầu cơ sẽ có tâm lý tìm kiếm kênh đầu tư mới, nhất là trong bối cảnh tiền gửi ngân hàng không đem lại lời lãi nhiều như hiện nay.
Xem thêm |