|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cầu Cần Giờ được thiết kế là cầu dây văng một trụ tháp, theo hình tượng cây đước

15:27 | 04/03/2019
Chia sẻ
Theo UBND TP HCM, phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ được phác họa theo hình tượng cây đước – đặc trưng của huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài cây cầu và đường nối là 7,41 km, bề rộng cầu chính 24,5 m, tĩnh không thông thuyền 55 m.

UBND TP HCM vừa duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ.

Theo đó, phương án được chọn là cầu dây văng 1 trụ tháp. Ý tưởng kiến trúc cây cầu phác họa hình tượng cây đước – đặc trưng của huyện Cần Giờ, sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.

Cầu Cần Giờ được thiết kế là cầu dây văng một trụ tháp, theo hình tượng cây đước - Ảnh 1.

Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ được phác họa theo hình tượng cây đước – đặc trưng của huyện Cần Giờ. (Ảnh: N. Lê)

Trước đó, báo Người Lao động đưa tin, theo quyết định duyệt nhiệm vụ thiết kế tổ chức chọn "Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ - TP HCM" mà UBND TP đã thông qua, cầu Cần Giờ vượt qua sông Soài Rạp, hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè, sau đó vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ. Sau khi qua sông, hướng tuyến rẽ đi song song với đường dây điện 220 KV, vượt sông Chà và kết nối với đường Rừng Sác.

Điểm đầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2 khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè; điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam, thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài tuyến đường là 7,41 km, vận tốc thiết kế 60 km/giờ, bề rộng cầu chính 24,5 m, đáp ứng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, tĩnh không thông thuyền 55 m.

Mới đây, trao đổi với báo chí về kế hoạch đầu tư, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, trước đây cây cầu này không có trong quy hoạch giao thông thành phố, sau này mới được bổ sung vào quy hoạch để phát triển cho vùng Cần Giờ trong tương lai. Còn đại diện một nhà đầu tư trong liên danh nhà đầu tư dự án cầu Cần Giờ đã được lập cho biết, rất có thể dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nếu được xây dựng và đưa vào hoạt động thì cầu Cần Giờ sẽ là cây cầu kết nối đầu tiên của huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, có cây cầu này cũng góp phần vào kết nối luôn với tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tạo điều kiện rất lớn về giao thông khu vực.

N. Lê