|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Danh sách đen - 'vũ khí mới' của Trung Quốc là gì?

14:47 | 05/06/2019
Chia sẻ
Ba ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố kế hoạch lập danh sách các công ty và cá nhân nước ngoài được xem là đang làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Cơ chế mới này, vốn có thể khiến nhiều công ty đa quốc gia rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" trong cuộc chiến thương mại leo thang Mỹ - Trung, dấy lên nhiều câu hỏi hơn câu trả lời.
Danh sách đen - vũ khí mới của Trung Quốc là gì? - Ảnh 1.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trung Quốc vội vàng thông báo về vũ khí mới để phản ứng với Mỹ

Trong cuộc họp báo nhanh cho một nhóm hãng thông tấn quốc gia hôm 31/5, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Gao Feng nói rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện một danh sách các công ty và cá nhân "không đáng tin cậy".

South China Morning Post đưa tin, các đối tượng thuộc danh sách trên sẽ bị trừng phạt nếu chính phủ Trung Quốc phát hiện họ có hành vi ngăn chặn hoặc giảm nguồn cung cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại.

Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập ngay lập tức chi tiết hậu quả có thể xảy ra cũng như không liên kết trực tiếp động thái này với lệnh hạn chế Mỹ áp dụng đối với Huawei trước đó.

Mặc dù vậy, truyền thông Trung Quốc đã chỉ rõ động thái của Bắc Kinh nhằm ứng với quyết định liệt Huawei vào danh sách đen của Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, theo đó Mỹ cấm các doanh nghiệp của họ cung cấp linh kiện và phần mềm cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

4 yếu tố để liệt kê một doanh nghiệp/cá nhân vào danh sách đen

Ông Zhi Luxin, Giám đốc Văn phòng Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ thương mại, cho biết Bắc Kinh sẽ xem xét 4 yếu tố trong việc quyết định có nên đưa một thực thể nước ngoài vào danh sách đen hay không, Tân Hoa Xã đưa tin.

Yếu tố đầu tiên là liệu doanh nghiệp/cá nhân có ngăn chặn hoặc giảm cung cấp vật tư cho một hay nhiều công ty Trung Quốc. Thứ hai, liệu hành động đó được thực hiện cho mục đích phi thương mại; thứ ba, liệu hành động đó có gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp Trung Quốc hay không. Cuối cùng, liệu hành động đó có gây ra mối đe dọa hay đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Nếu những điều kiện được xác định một cách không rõ ràng này được áp dụng nghiêm ngặt, các doanh nghiệp Mỹ đồng ý tuân theo chỉ thị của Washington trong việc ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei, gồm cả Intel, Qualcomm, Microsoft và Google, đều có thể bị đưa vào danh sách của Bắc Kinh.

Các công ty châu Âu và Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với lựa chọn có nên tuân thủ chỉ thị của Washington để ngừng cung cấp linh kiện và phần mềm cho doanh nghiệp Trung Quốc và do đó, chấp nhận rủi ro bị thêm vào danh sách đen của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã bắt đầu điều tra hãng hậu cần Mỹ FedEx sau khi hãng chuyển bưu kiện Huawei gửi cho các nước châu Á về chính phủ Mỹ. Bắc Kinh đang nỗ lực xác định liệu việc chuyển hướng các gói bưu phẩm trên có làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp Trung Quốc và vi phạm qui định dịch vụ vận chuyển của đất nước tỉ dân hay không.

"Thật sai lầm khi cho rằng Trung Quốc sẽ đuổi các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi đất nước theo chủ đích [nhờ danh sách đen mới]", ông Tu Xinquan, chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh doanh và Quốc tế tại Bắc Kinh, cho hay.

'Chẳng hạn, trong trường hợp của FedEx, Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc điều tra để tìm bằng chứng và ngay cả khi có bằng chứng, chúng tôi cũng sẽ có qui trình cho phép các đối tượng tự bảo vệ mình và tranh luận về những hậu quả có thể xảy ra", ông Tu nói.

Trung Quốc sẽ không "quá tay" với vũ khí mới

Ông Tu tin tưởng danh sách đen sẽ chỉ nhắm vào các công ty và cá nhân đã thể hiện ý đồ không tốt với Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc sẽ duy trì sự cân bằng giữa việc đe dọa một số lượng nhỏ các doanh nghiệp/cá nhân thù địch trong khi trấn an phần còn lại rằng đất nước tỉ dân vẫn chào đón công ty họ.

Mỹ đã có hệ thống danh sách đen của riêng nước này nhằm kiểm soát hoạt động xuất khẩu. Theo đó, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố danh sách gồm các công ty và cá nhân nước ngoài được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Bất kì công ty nào muốn xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách đều bắt buộc phải có giấy phép từ cơ quan trên.

Mỹ lần đầu công bố danh sách đen vào năm 1997 nhằm ngăn chặn nguồn cung cho hoạt động sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, tuy nhiên danh sách này đã dần mở rộng để gồm các vấn đề khác liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ.

"Danh sách đen mới đưa ra thông điệp rằng Trung Quốc vẫn còn rất nhiều công cụ để phản đòn và các doanh nghiệp Mỹ không nên đi quá xa", ông Shen Jianguang, quan sát viên kinh tế kì cựu người Trung Quốc và hiện là nhà kinh tế trưởng tại JD Digit, cho biết.

"Nếu Trung Quốc không làm gì đó để đáp lại, đó sẽ được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối", ông nói.

Tuy nhiên, ông Shen cho biết danh sách của Bắc Kinh sẽ không quá dài bởi trừng phạt nhiều doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài có thể gây tác dụng ngược.

"Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc là ngăn chặn sự tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bởi điều này sẽ mang đến những tổn thất lớn", ông nói thêm.

Yên Khê

[LIVE] ĐHĐCĐ Techcombank: Phát triển thêm các mảng không phải thế mạnh như SME, tín dụng tiêu dùng
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.