|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đằng sau việc đổ xô đi làm xe điện ở Trung Quốc: Nhà máy tỷ USD bị bỏ hoang, thương hiệu lụi tàn trong phút chốc

14:46 | 22/09/2021
Chia sẻ
Những nhà máy bỏ hoang cho thấy Trung Quốc cho thấy nhu cầu xe điện tại Trung Quốc chưa bắt kịp được năng lực sản xuất tại đây.

Truy cập vào website của Byton Ltd, người dùng có thể cảm thấy choáng ngợp với hình ảnh những chiếc xe điện sặc sỡ. Dù vậy, nếu có dịp tới thăm nhà máy của hãng xe này tại Nam Kinh, bạn có thể sẽ cảm thấy đôi chút thất vọng.

Nhà máy của Byton rất hiện đại và có quy mô lớn. Thế nhưng, bao trùm lên nó lại là một sự im lặng đến đáng sợ. Hoạt động sản xuất đã bị tạm dừng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và chẳng có ai ở đây ngoại trừ các nhân viên bảo vệ.

Đằng sau sự hào nhoáng của giấc mơ 'bá chủ' xe điện của Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhà máy của Bordrin ở Nam Kinh hiện đang ngừng hoạt động. (Ảnh: Bloomberg).

Tình trạng tương tự cũng có thể quan sát được đối với Bordin Motors. Cỏ mọc xung quanh nhà máy của hãng xe này và một thông báo của toà án dán ở cổng chính nhà máy nhắc đến việc hãng xe đã phá sản.

Bordrin và Byton là ví dụ là thấy mặt trái trong thành công về xe điện ở Trung Quốc. Trong khi nhiều hãng xe nội địa như Nio hay Xpeng gọi được hàng tỷ USD vốn đầu tư và bán ra nhiều dòng xe có thể cạnh tranh được cả với Tesla, nhiều cái tên còn lại dần lùi tàn vì không thể gọi đủ vốn tăng trưởng quy mô lớn.

Trong nhiều trường hợp, nhiều công ty xe điện được thuyết phục thành lập từ những lời mời gọi hỗ trợ hấp dẫn đến từ chính phủ địa phương với mục tiêu biến Trung Quốc thành một "ông lớn" trong ngành.

Chính quyền địa phương giúp các nhà sản xuất thành lập nhà máy với lời hứa hẹn về nhân lực và phát triển, nếu họ thành công. Dù vậy, gió bắt đầu đổi chiều vào tháng 11 năm ngoái khi các nhà điều hành yêu cầu chính quyền địa phương đánh giá và báo cáo lại về quy mô hỗ trợ cho ngành xe.

Nhận thấy những đợt phá sản và những nhá máy ma đang phủ bóng ngành xe, Bắc Kinh đang muốn nhấn phanh cho các dòng đầu tư vào lĩnh vực này.

"Chúng ta có quá nhiều công ty xe điện", ông Xiao Yaqing, bộ trưởng bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, nói với truyền thông hôm 13/9. Ông nhận định rằng ngành công nghiệp xe điện cần mức độ tập trung cao hơn và khuyến khích hoạt động thâu tóm, sáp nhập.

Đằng sau sự hào nhoáng của giấc mơ 'bá chủ' xe điện của Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhà máy của Byton ở Nam Kinh. (Ảnh: Bloomberg).

Chính phủ cũng đang cân nhắc giới hạn sản xuất cho mảng xe điện khi các địa phương không được bật đèn xanh cho các dự án mới cho tới khi có nguồn lực thặng dư, nguồn tin nói với Bloomberg. Bên cạnh đó, nguồn lực cũng sẽ được điều hướng về một số trung tâm xe điện được lựa chọn.

Động thái này được xem là một dấu hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư đã đổ tiền vào mảng xe điện và các công nghệ hỗ trợ trong vài năm qua.

Hiện có khoảng 846 nhà sản xuất xe ở Trung Quốc và hơn 300 trong số này bắt đầu tìm đến các giải pháp xe năng lượng mới. Phần lớn trong số này là các nhà sản xuất không có tên tuổi. Trong năm 2020, Trung Quốc bổ sung thêm năng lực sản xuất khoảng 5 triệu xe, gấp bốn lần doanh số bán xe điện thực tế tại Trung Quốc cùng năm. Theo các nhà điều hành, khoảng một nửa năng lực sản xuất này không được tận dụng.

Bordrin, được thành lập bởi cựu nhân sự cao cấp Ford Huang Xuming vào năm 2016, đặt mục tiêu sản xuất thường niên 700.000 xe ở 3 nhà máy. Dù vậy, Bordrin đã cạn mối và đóng cửa trước cả khi đưa được xe ra thị trường.

Theo Bloomberg, từ năm ngoái, ít nhất hơn 10 nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã phá sản hoặc phải thực hiện tái cơ cấu để tránh viễn cảnh này.

Ông Gary Dvorchak, giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Blueshirt Group LLC, nói rằng quá trình sụp đổ ở Trung Quốc thường chậm hơn vì các công ty nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.

Ít nhất Byton vẫn đang tồn tại. Nhà sản xuất xe này đã dừng toàn bộ hoạt động vận hành trong nước và sa thải nhiều nhân viên hồi tháng 7 năm ngoái vì đại dịch khiến mọi việc khó khăn hơn. Ngay cả trước COVID-19, Byton đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các cam kết về thời hạn sản xuất và đưa chiếc xe đầu tiên ra thị trường. Dù vậy, website của Byton lúc này vẫn nhận đặt trước xe.

Tình hình có vẻ sáng sủa hơn vào năm nay khi Byton ký được hợp đồng hợp tác chiến lược với Foxconn vào tháng 1 để bắt đầu sản xuất số lượng lớn mẫu xe Byton M-Byte SUV trước thời điểm tháng 1/2022. Dù vậy, Foxconn đã rút nhân sự của mình khỏi nhà máy ở Nam Kinh sau khi một trong những chủ nợ lớn nhất của Byton tiếp nhận quyền quản lý, theo Bloomberg. Tuần trước, Nikkei đưa tin rằng thoả thuận giữa Byton và Foxconn đang tạm dừng vì tình hình tài chính tồi tệ.

Tỉnh Giang Tô (nơi có thành phố Nam Kinh) muốn trở thành một trung tâm xe điện. Trong 6 năm đến thời điểm năm 2020, nó thu hút 32 tỷ USD đầu tư vào mảng xe và hiện đang là nơi hơn 30 hãng xe đặt trụ sở.

Dù vậy, Giang Tô trở thành tâm điểm một cuộc điều tra của Bắc Kinh đầu năm nay cho thấy chính quyền địa phương đã áp dụng các ưu đãi về thuế, phí cao hơn mức chính phủ định hướng để thu hút các hãng xe.

Điều này dẫn đến "các vấn đề nổi bật về tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất thấp và công suất nhàn rỗi", các quan chức tỉnh Giang Tô cho biết trong một tuyên bố vào tháng Hai, mà không giải thích chi tiết.

Nhiều nhà sản xuất xe nổi tiếng Trung Quốc nói rằng đây là thực tế khó tránh khỏi. "Một số người vội vã xây 1, 2, 3 rồi 5 nhà máy khi chiếc xe đầu tiên thậm chí chưa xuất xưởng", ông Feng Qingfeng, CEO Group Lotus, nói.

Nam Khánh