|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Câu chuyện đằng sau sự biến mất của nhà đồng sáng lập Facebook: Cách Mark Zuckerberg 'hất cẳng' người cộng sự đầu tiên

08:03 | 22/09/2021
Chia sẻ
Vào năm 2005, Mark Zuckerberg đã "pha loãng" tỷ lệ cổ phần thuộc sở hữu của nhà đồng sáng lập Eduardo Saverin rồi sa thải anh ta bởi những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển vượt bậc của Facebook.
Câu chuyện đằng sau sự biến mất của nhà đồng sáng lập Facebook: Cách Mark Zuckerberg 'hắt cẳng' người cộng sự đầu tiên - Ảnh 1.

Nhà đồng sáng lập Facebook - Eduardo Saverin. (Ảnh: AFP).

Theo Business Insider, tỷ phú Eduardo Saverin, người từng từ bỏ quốc tịch Mỹ không phải là nhà đồng sáng lập duy nhất tại Facebook. Song, ông chính là người có sự ra đi ồn ào nhất trong "hành trình" loại bỏ cộng sự của Mark Zuckerberg.

Trước khi trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới giá trị vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD, Facebook vốn là dự án của nhóm 4 sinh viên Harvard bao gồm: Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes. Trong đó, Zuckerberg là người nắm nhiều cổ phần nhất với 65%, tiếp đến là Saverin với 30%.

Từ những ngày đầu, Saverin là người chịu trách nhiệm quản lý tài chính cho toàn bộ hoạt động của Facebook với số vốn 15 nghìn USD. Tuy nhiên, mâu thuẫn trong quá trình phát triển vượt bậc của công ty đã khiến Zuckerberg quyết định loại bỏ anh vào năm 2005.

Dự án 15.000 USD

Vào năm 2003 khi vẫn còn là sinh viên năm hai tại Harvard, Zuckerberg đã tiếp cận Eduardo Saverin, một sinh viên năm ba và ngỏ lời mời anh góp vốn đầu tư. Sau đó, Saverin đã chuyển 15.000 USD vào tài khoản ngân hàng chung của cả hai để Zuckerberg phát triển máy chủ của một website có tên TheFacebook.com. 

Zuckerberg đã bị thu hút bởi độ giàu có và tầm nhìn trong việc đầu tư của Saverin. Trong một đoạn hội thoại bằng tin nhắn với bạn, Zuckerberg miêu tả đối tác đầu tiên của mình là một người "giàu có"và là "thủ lĩnh của giới đầu tư tại trường". Nhờ số tiền 15.000 USD, TheFacebook.com đã chính thức có mặt trên internet vào tháng 2/2004 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng sinh viên Harvard cũng như các trường đại học khác.

Với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt, chỉ sau hai tháng sau, Zuckerberg, Saverin và Dustin Muskovitz đã quyết định thành lập công ty TNHH The Facebook theo luật pháp bang Florida (Mỹ). Sáu tháng sau, vào kỳ nghỉ hè, Zuckerberg và Moskovitz đã cùng nhau chuyển tới Palo Alto, California (Mỹ) để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Trong khi Saverin bay đến New York (Mỹ) và bắt đầu thực tập tại ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. 

Lúc đó, Zuckerberg đã giao cho Saverin ba nhiệm vụ chính bao gồm: thành lập công ty, tìm vốn và tạo dựng mô hình kinh doanh. Song, cuộc chia ly tạm thời này đã đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn tuyệt vời nhất trong mối quan hệ giữa những nhà đồng sáng lập.

Ngòi nổ cuộc chiến giữa hai cổ đông lớn nhất Facebook

Mâu thuẫn bắt đầu diễn ra khi Saverin đăng quảng cáo miễn phí cho Joboozle, công ty chuyên về việc làm do chính anh thành lập lên Facebook khi chưa được sự đồng ý của các thành viên còn lại.

Điều này đã khiến Zuckerberg vô cùng giận dữ trong bức email gửi Saverin: "Anh đã phát triển Joboozle khi biết rõ những dự định của Facebook đối với thị thị trường việc làm. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi anh quyết định cạnh tranh với Facebook. Đó là một quyết định tồi tệ. Và thật đáng xấu hổ khi đăng quảng cáo, thậm chí là quảng cáo miễn phí lên Facebook".

Một thời gian sau, mối quan hệ giữa họ chính thức đổ vỡ khi Facebook cần gọi thêm vốn. Khi đó, tái tổ chức lại công ty theo luật pháp của bang Delaware (Mỹ) là một trong những bước quan trọng để Facebook có thể tiếp nhận đầu tư từ những ông lớn đang sẵn sàng rót vốn tại thung lũng Silicon. Thế nhưng chính sự bất hợp tác của Saverin đã khiến công ty gặp khó khăn trong khâu giấy tờ. Không thể đứng nhìn Facebook chật vật vì thiếu vốn, Zuckerberg đã quyết định loại bỏ anh ta.

Kế hoạch "pha loãng" tỷ lệ cổ phần và sa thải Eduardo Saverin

Mark Zuckerberg đã âm thầm lên kế hoạch sa thải Saverin bằng cách bắt tay với các nhà đầu tư khác để "pha loãng" tỷ lệ cổ phần thuộc sở hữu của Saverin. Bất lực trong việc thuyết phục nhà đồng sáng lập toàn tâm toàn ý với công ty, trong một đoạn trao đổi trực tuyến với Moskovitz, Zuckerberg đã viết:

"Saverin đã tự loại bỏ mình…Anh ta vốn phải tập trung thành lập công ty, tìm vốn và tạo dựng mô hình kinh doanh. Nhưng cả ba nhiệm vụ đều không hoàn thành… Bây giời tôi không còn phải quay lại Harvard và không cần phải lo sợ bị đám bạn Brazil của hắn đe dọa. Tôi sẽ loại bỏ hắn".

Câu chuyện đằng sau sự biến mất của nhà đồng sáng lập Facebook: Cách Mark Zuckerberg 'hắt cẳng' người cộng sự đầu tiên - Ảnh 2.

Sean Parker, người thay thế vai trò của Saverin. (Ảnh: Business Insider).

Vào tháng 6/2004, khi cùng Moskovitz làm việc tại Palo Alto, California (Mỹ), Zuckerberg đã tình cờ gặp Sean Parker, nhà sáng lập trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến có tên Napster. Không lâu sau, Parker đã gia nhập nhóm và thay thế vai trò kêu gọi tài trợ của Saverin.

Với kinh nghiệm sẵn có cùng các mối quan hệ ở thung lũng Silicon, khả năng của Parker đã được bộc lộ vô rõ nét. Vì vậy, đối với Zuckerberg, vai trò Saverin không còn là vấn đề nữa. Song, làm thế nào để "tống cổ" được Saverin, cổ đông lớn thứ ba vào thời điểm đó?

Cuộc trò chuyện với nhà đầu tư tiềm năng Peter Thiel, người sau này là cổ đông bên ngoài đầu tiên của Facebook, đã giúp Mark và Parker học hỏi được một thủ thuật mà Thiel từng sử dụng. Họ sẽ mở một công ty mới để mua lại TheFacebook.com sau đó giảm tỷ lệ cổ phần chia cho Saverin. 

Trong cuộc trò chuyện trực tuyến, Zuckerberg viết: "Eduardo vẫn không chịu hợp tác…Và hiện tại chúng ta cần chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ sang công ty mới và chấp nhận tham gia một vụ kiện….Tôi sẽ sa thải hắn và chấp nhận bồi thường. Hắn sẽ được nhận được một khoản tiền, và hắn xứng đáng nhận được nó…Để chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, Eduardo cần phải ký một số giấy tờ nhưng hắn cứ tiếp tục trì hoãn còn tôi thì không thể chờ đợi hơn nữa".

Khởi đầu và kết thúc của trận đấu quyền lực 

Cuộc chiến bắt đầu khi Zuckerberg gửi thư cho luật sư của mình để triển khai kế hoạch. Trong email, Mark hỏi: "Có cách nào để thực hiện việc này mà không khiến Saverin cảm thấy quá bất mãn khi bị pha loãng cổ phần đến 10% không?". Đáp lại, luật sư cảnh báo rằng: "Vì là cổ đông duy nhất bị pha loãng bởi các đợt phát hành tài trợ, nên rất có khả năng Eduardo sẽ khởi kiện vì lý do vi phạm nghĩa vụ ủy thác." 

Song, vào giữa mùa hè năm đó, kế hoạch lật đổ người đồng sáng lập của Zuckerberg đã thành công mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Vào ngày 29/7/2004, công ty mới được thành lập tại Delaware để mua lại công ty cũ.

Trước khi giao dịch, Zuckerberg sở hữu 65% cổ phần, Saverin có 30% và Moskovitz giữ 5%. Sau giao dịch, tổng cổ phần của Zuckerberg giảm xuống 40%, Saverin còn 14%, trong khi Moskovitz tăng lên 16% và Thiel nắm 9%. Khoảng 20% còn lại sẽ được dành cho những thành viên tương lai. Và không ít cổ phần của Eduardo đã rơi vào tay Sean Parker. Vào ngày 27/9/2004, nhà đầu tư Peter Thiel đã nắm giữ 9% cổ phần ở công ty mới với trái phiếu chuyển đổi trị giá 500 nghìn USD. 

Đến ngày 31/10/2004, Saverin quyết định ký một thỏa thuận giúp anh thu về 3 triệu cổ phần phổ thông ở công ty mới. Nhưng đổi lại, anh phải chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ kể cả quyền biểu quyết cho Mark Zuckerberg. Chính cột mốc này đã biến Zuckerberg thành nhà lãnh đạo độc quyền tại Facebook.

Sau đó, vào ngày 7/1/2005, Zuckerberg phát hành 9 triệu cổ phần phổ thông và ngay lập tức sở hữu 3,3 triệu cổ phần cho riêng mình. Tiếp theo, anh chuyển 2 triệu cổ phiếu cho Parker và Dustin Moskovitz. Saverin đã hoàn toàn bại trận khi tỷ lệ nắm giữ giảm từ 24% xuống dưới 10%.

Sự thất bại của tỷ phú bỏ quốc tịch Mỹ

Suốt nhiều tháng sau, Saverin liên tục phản đòn bằng kiện tụng và cáo buộc nhằm hạ uy tín đối thủ. Bất chấp cáo buộc Zuckerberg ăn cắp ý tưởng khởi nghiệp từ một sinh viên trong trường, Saverin thất bại vẫn hoàn thất bại. Cuối cùng, anh đành chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với các bên liên quan và kết thúc các cuộc chiến pháp lý. 

Tuy không phải là một sự hợp tác hoàn hảo, nhưng suy cho cùng 15.000 USD mà Saverin đầu tư vào Facebook đã mang đến lợi nhuận tuyệt vời. Và cái tên Saverin vẫn còn được nhắc đến như một trong những nhà đồng sáng lập Facebook. 

Một thời gian sau, vào năm 2012, Saverin tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Singapore nhằm "từ chối" các khoản thuế đánh vào lợi nhuận đầu tư chứng khoán với trị giá ít nhất là 67 triệu USD, theo ước tính của Bloomberg

Quỳnh Hoa

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.