|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đảng Cộng hòa dùng thủ thuật trì hoãn, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD ì ạch

22:02 | 05/03/2021
Chia sẻ
Hôm 4/3, Thượng viện Mỹ đã xúc tiến gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất, nhưng cuối cùng lại vấp phải trở lực từ Đảng Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa cản trở

Hôm 4/3 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 51 phiếu thuận - 50 phiếu chống, trong đó có lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris để tiến tới thảo luận về dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD.

Song, kết quả bỏ phiếu cho thấy Đảng Dân chủ Thượng viện khó có thể trông đợi Đảng Cộng hòa giúp đỡ, nếu không nói là không có sự hỗ trợ nào.

Theo CBS News, Quốc hội nước này dự kiến sẽ sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách để nhanh chóng thông qua dự luật cứu trợ 1.900 tỷ USD. Nếu sử dụng quy trình này, Thượng viện chỉ cần đa số quá bán (tức 51/100 phiếu thuận) là có thể phê duyệt gói cứu trợ.

Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa không đồng ý quy mô dự luật và thất vọng khi Đảng Dân chủ sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách. Họ lập luận rằng Đảng Dân chủ đang đi theo hướng đảng phái thay vì cùng hợp tác để thông qua dự luật và tìm cách kéo dài lê thê quy trình phê duyệt.

Như dự đoán, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã buộc các thư ký Thượng viện đọc toàn bộ dự luật. Quy trình này mất đến 11 giờ và phải hoàn thành trước khi tiến tới thảo luận, Reuters cho hay. Do đó, việc bỏ phiếu cho dự luật cuối cùng có thể phải đợi đến cuối tuần này.

Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Đảng Cộng hòa) là người đã yêu cầu đọc toàn bộ dự luật cứu trợ COVID-19 trước Thượng viện. Ông là người duy nhất có mặt gần như xuyên suốt đêm 4/3.

Các thư ký Thượng viện kết thúc nhiệm vụ ngay sau 2h sáng ngày 5/3 (tức 14h tại Việt Nam). Thượng viện tập hợp trở lại vào khoảng 9h sáng cùng ngày (tức 21h tại Việt Nam) để tranh luận trong ba giờ trước khi xem xét các sửa đổi.

Đảng Cộng hòa dùng thủ thuật trì hoãn, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD ì ạch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Ông Chuck Schumer, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nhấn mạnh: "Đã đến lúc phải xúc tiến gói cứu trợ lớn và táo bạo cho người dân Mỹ".

Theo ghi nhận của Reuters, an ninh tại Điện Capitol vẫn được thắt chặt, ký ức về khung cảnh hỗn loạn và chết người hồi đầu tháng 1 vẫn còn mới như in trong tâm trí nhiều nghị sĩ Quốc hội. Cảnh sát đã cảnh báo về nguy cơ tấn công hôm 4/3, song có rất ít người biểu tình xung quanh khu vực Tòa nhà Quốc hội.

"Lố lăng và lãng phí"

Dự luật cứu trợ 1.900 tỷ USD - ưu tiên lập pháp hàng đầu của Tổng thống Biden, bao gồm ngân sách mua vật tư y tế và triển khai vắc xin, trợ cấp thất nghiệp bổ sung và khoản viện trợ khẩn cấp mới cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, chính quyền bang và địa phương. Theo Reuters, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đông đảo công chúng ủng hộ dự luật này.

Hôm 3/3, các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đã siết chặt tiêu chí cho khoản viện trợ tiền mặt, thu hẹp số lượng hộ gia đình thu nhập cao đủ điều kiện nhận tiền giảm bớt. Theo đó, số hộ gia đình nhận được viện trợ tiền mặt giảm 9 triệu so với đợt thanh toán gần nhất vào cuối năm 2020. Ngân sách cho điều khoản này cũng giảm 12 tỷ USD.

Đến ngày 4/3, Thượng viện đã tăng mức viện trợ tối thiểu cho các bang có dân số nông thôn thấp để phù hợp với mức viện trợ tối thiểu 1,25 tỷ USD trong Đạo luật CARES năm ngoái. Trong dự luật đang được thảo luận, Hạ viện đề xuất con số tối thiểu là 500 triệu USD. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden đã nhấn mạnh điểm này.

Thượng nghị sĩ John Thune, nhà lập pháp quyền lực thứ hai của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho rằng các bang lớn như California, New York và Illinois vẫn hưởng rất nhiều lợi ích "trong dự luật cứu trợ lố lăng và lãng phí" của Đảng Dân chủ.

"Người dân ở những bang nhỏ như South Dakota, North Carolina và Georgia còng lưng đóng thuế để những bang lớn hưởng lợi, mà thật ra những nơi ấy còn chẳng cần kíp gì", ông Thune nhấn mạnh. 

Song, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders phản bác rằng các bang và thành phố lớn rất cần sự trợ giúp. "Theo thông tin tôi nắm được, chính quyền các bang và thành phố này đã sa thải hơn 1 triệu lao động vào năm ngoái", Thượng nghị sĩ Sanders lập luận.

Ngoài ra, Đảng Dân chủ còn đề xuất cấp 10 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng, 8,5 tỷ USD cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế và mở rộng trợ cấp y tế cho những người mất việc.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell khẳng định dự luật cứu trợ COVID-19 mới có quá nhiều điều khoản không trực tiếp hỗ trợ cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

"Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đang cố sức bòn rút cuộc khủng hoảng y tế này để thông qua dự luật mà họ cho là cấp tiến nhất trong nhiều năm", ông McConnell nói.

Đảng Dân chủ Thượng viện hy vọng ông Biden có thể ký ban hành dự luật cứu trợ trước ngày 14/3, thời điểm mà một số khoản trợ cấp hiện tại sẽ hết hạn. Đồng thời, các nghị sĩ này cùng nhiều nhà phân tích nhấn mạnh rằng Mỹ cần thêm kích thích tài khóa mạnh mẽ để không làm tụt xích đà phục hồi kinh tế hiện nay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.