|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc cách mạng xe điện sắp xếp lại thị trường kim loại

21:45 | 05/08/2017
Chia sẻ
Cuộc cách mạng xe điện, dự kiến sẽ làm đảo lộn các ngành công nghiệp từ năng lượng cho đến hạ tầng, cũng sẽ tạo ra những kẻ thắng, người thua trên những thị trường kim loại lớn nhất của thế giới, theo Bloomberg .

Trong khi các nhà sản xuất đồng, cobalt, nhôm trông chờ hưởng lợi thì các công ty sản xuất thép, chì và platinum có thể phải điều chỉnh các hoạt động để thích nghi với xu thế mới.

cuoc cach mang xe dien sap xep lai thi truong kim loai
Giám đốc điều hàng hãng xe Tesla Elon Musk giới thiệu dòng xe điện mới ra mắt Model 3 của Telsa. Ảnh: AP

Triển vọng sáng cho nhiều mặt hàng kim loại

Dù một số công ty khai khoáng hàng đầu thế giới như Công ty khai khoáng đa kim Glencore (Thụy Sĩ) cho rằng các nhiên liệu hóa thạch như than và dầu thô vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu năng lượng toàn cầu thì họ cũng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ xu thế chuyển từ xe động cơ đốt trong (động cơ xăng và diesel) sang các dòng xe điện, vốn cần nhiều cobalt, lithium, đồng, nhôm và nickel hơn để chế tạo.

Triển vọng xe điện nhận được cú huých lớn trong năm nay khi Na Uy, Pháp, Anh lần lượt thông báo sẽ cấm bán xe động cơ xăng và động cơ diesel trong vài thập niên tới. Trong khi đó, đầu tháng 6-2017, hãng xe Volvo (Thụy Điển) cũng tuyên bố kể từ năm 2019, hãng này chấm dứt sản xuất xe động cơ đốt trong để chuyển sang sản xuất xe điện và xe hybrid.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 7-2017, hãng xe điện Tesla (Mỹ) chính thức giao những chiếc xe điện Model 3 đầu tiên cho khách hàng với giá khởi điểm 35.000 đô la Mỹ, mức giá rẻ nhất trong số các dòng xe điện của Tesla cho đến nay.

Doanh số xe điện có thể vượt doanh số xe động cơ đốt trong hai thập niên tới, theo dự báo của Công ty Bloomberg New Energy Finance (Mỹ).

Công ty đầu tư Exane BNP Paribas (Pháp) dự báo giá xe điện chạy 580km cho mỗi lần sạc pin sẽ giảm xuống 30.000 đô la Mỹ/chiếc vào đầu thập niên 2020.

“Đối với một số kim loại, điều này sẽ thay đổi cuộc chơi hoàn toàn. Chúng ta đã chứng kiến tác động lớn của xu thế xe điện đối với một số kim loại như cobalt và lithium khi giá của chúng tăng vọt trong vài năm qua”, Simona Gambarini, nhà phân tích hàng hóa ở Công ty tư vấn Capital Economics ở London, nhận định.

Để sản xuất xe điện, cần một lượng đồng gấp ba lần so với lượng đồng ở xe động cơ đốt trong truyền thống, chủ yếu là vì lượng dây điện đồng nhiều hơn, theo Công ty khai khoáng Glencore.

Công ty đầu tư Exane BNP Paribas (Pháp) cho biết nhu cầu đồng sẽ tăng thêm 5% vào năm 2025 khi các trạm sạc điện cho pin xe điện được xây dựng ồ ạt vì chúng cần nhiều dây cáp đồng để nạp điện cho xe điện.

Ngoài ra, nhu cầu các kim loại khác như lithium, cobalt, mangan hay graphite (một chất phi kim nhưng có thể dẫn điện) cũng sẽ tăng đáng kể nhờ xe điện. Giá colbalt, một thành phần quan trọng để sản xuất pin lithium-ion cho xe điện, đã tăng mạnh trong thời gian gần đây

Nhu cầu đồng và cobalt sẽ tăng mạnh

cuoc cach mang xe dien sap xep lai thi truong kim loai

Theo công ty môi giới chứng khoán Jefferies Group (Mỹ), với vị thế là nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới và sản xuất đồng đứng thứ ba thế giới, Công ty khai khoáng Glencore sẽ được hưởng lợi lớn khi doanh số xe điện tăng, kéo theo giá cobalt, giá đồng tăng. Jefferies Group cho rằng hai công ty khai khoáng Freeport (Mỹ) và First Quantum Minerals (Canada) cũng sẽ là những sự lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư dài hạn muốn hưởng lợi từ xu hướng xe điện.Nhu cầu các kim loại và các vật liệu khác (tính theo đơn vị ngàn tấn) nhằm phục vụ cho sản xuất pin pin lithium-ion trong giai đoạn 2015-2030, theo dự báo của Công ty Bloomberg New Energy Finance. Ảnh: Bloomberg

Các thị trường kim loại đang phản ánh nhu cầu tăng vọt của các kim loại cần cho xe điện. Từ đầu năm đến nay, giá cobalt trên sàn kim loại London (LME) tăng vọt 70% sau khi đã tăng 37% trong năm 2016. Giá lithium liên tiếp tăng trong những năm gần đây, còn giá đồng đã tăng 17% trong năm 2017.

Giá cổ phiếu của công ty Glencore tăng 20% trên sàn giao dịch chứng khoán London, tăng nhanh hơn so với giá cổ phiếu của các công ty khai khoáng Rio Tinto (Úc-Anh), BHP Billiton (Úc), Anglo American (Anh).

Chì gặp bất lợi

Đối mặt với tình thế bất lợi, các nhà sản xuất chì hàng đầu thế giới như Recylex (Pháp) và Campine (Bỉ) có thể phải điều chỉnh hoạt động để thích nghi với kỷ nguyên mới. Chì được sử dụng chủ yếu trong các bình ắc quy khởi động của xe động cơ xăng và động cơ diesel. Trái lại, xe điện được vận hành bằng các loại pin lithium-ion.

“Đó là một rủi ro nghiêm trọng đối với nhu cầu chì trừ phi bạn tìm thấy các ứng dụng khác để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu chì trong tương lai”, Michael Widmer, Giám đốc Phòng nghiên cứu thị trường kim loại ở chi nhánh của Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch tại London, nói.

Tuy vậy, giới đầu tư dường như xem xu hướng giảm nhu cầu chì chỉ là các rủi ro xa xôi vì giá chì trên sàn giao dịch kim loại London vẫn tăng 17% trong năm nay.

Herwig Schmidt, Giám đốc kinh doanh ở Công ty môi giới hàng hóa kim loại Triland Metals (Anh) nói ông không chắc tình hình sẽ trở nên xấu với chì vì giá dầu giảm sẽ giúp các dòng xe truyền thống duy trì sức cạnh tranh. Ông cho rằng nếu nhu cầu chí giảm thì đà giảm cũng sẽ diễn ra từ từ trong vòng 10 năm tới.

Trong khi đó, các quy định kiểm soát khí thải của xe ô tô ngày càng nghiêm ngặt có thể làm tăng nhu cầu xe hybrid (sử dụng động cơ lai điện-xăng hoặc điện-diesel), những dòng xe dựa vào các bình ắc quy tân tiến sử dụng nhiều chì để khởi động động cơ và xử lý tình trạng động cơ ngưng hoạt động, theo Viện Nghiện cứu Chì và Kẽm quốc tế (Bồ Đào Nha).

Nhôm đe dọa nhu cầu thép

Những thay đổi trong việc sử dụng bình ắc-quy và dây điện cũng đang kéo theo những thay đổi khác. Các kim loại nhẹ như nhôm đang thay thế thép để cho phép xe ô tô có thể chạy quãng đường xa hơn nhưng tiêu hao ít năng lượng hơn.

Trong giai đoạn 2013-2016, sản lượng nhôm toàn cầu đã tăng 2,7%, tức thêm 1,6 triệu tấn.

Tom Price, nhà phân tích thị trường kim loại ở ngân hàng Morgan Stanley cho rằng trong tương lai, thị trường các kim loại này sẽ sôi động vì cuộc cách mạng xe điện.

Từ đầu năm đến nay, giá nhôm đã tăng 13% khi nhu cầu của các hãng xe đang tăng nhưng Trung Quốc lại thắt chặt nguồn cung, khiến thị trường nhôm rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Các nhà sản xuất đang chống đỡ lại xu hướng sử dụng nhôm trong sản xuất ô tô. Công ty thép AK Steel (Mỹ) đã hợp tác với hãng xe General Motors trong một dự án thử nghiệm sử dụng thép có cấu trúc nano để sản xuất những vỏ xe nhẹ hơn. Các công ty thép lớn khác như ArcelorMittal and Tata Steel Europe cũng đang phát triển những hợp kim nhẹ hơn và chắc hơn để chống đỡ sự cạnh tranh đến từ nhôm.

“Phát triển thép siêu bền là nhằm đối phó sự cạnh tranh của nhôm”, Sylvain Brunet, một nhà phân tích ở Công ty đầu tư Exane BNP Paribas, cho biết.

Tương lai bấp bênh của platinum

Platinum cũng có thể phải chật vật để ứng phó khi xe động cơ đốt trong tiến đến hồi kết. Năm ngoái, phân nửa sản kim loại quý toàn cầu được bán cho ngành công nghiệp ô tô để phục vụ sản xuất các catalytic converter (thiết bị kiểm soát khí thải có thể chuyển đổi các loại khí độc hại và các chất ô nhiễm độc hại thành các hợp chất vô hại bằng một quá trình oxy hóa và phản ứng khử). Catalytic converter được sử dụng với động cơ đốt trong sử dụng xăng hoặc diesel.

“Rất nhiều hàng hóa cần cho xe ô tô hiện nay như dầu và platinum, có thể sẽ không còn nhiều nhu cầu trong tương lai 15 năm tới”, Bernard Dahdah, nhà phân tích thị trường hàng hóa ở ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho biết.

Tuy nhiên, Marc Grynberg, Giám đốc điều hành Công ty khai khoáng Umicore (Bỉ) cho rằng nhu cầu platinum vẫn ổn định trong những năm tới vì nó vẫn cần để sản xuất các catalytic converter sử dụng cho các động cơ lai điện-diesel hay điện-xăng. Ông dự báo doanh số xe động cơ lai vẫn vượt trội so với xe điện vào năm 2025.

Theo Hội đồng đầu tư Platinum thế giới, có trụ sở ở London, các dòng xe sử dụng pin nhiên liệu (fuel-cell) mà hãng xe Toyota và Huyndai đang phát triển hứa hẹn mang lại cơ hội lớn cho tăng trưởng của platinum trong 10 năm tới. Pin nhiên liệu cần platinum làm chất xúc tác để biến đổi năng lượng hóa học của nhiên liệu, chẳng hạn hydro thành năng lượng điện.

Tuy nhiên, cho đến khi công nghệ pin nhiên liệu chứng minh được tính khả thi thương mại, ngành công nghiệp ô tô vẫn đứng trước rủi ro ngày càng tăng do xu hướng thoát dần các dòng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các hãng xe Đức đang đấu tranh cho tương lai của xe sử dụng động cơ diesel, vừa hứng chịu một tổn thất vào tháng trước sau khi một tòa án ở thành phố Stuttgart (Đức), quê hương của hãng xe Mercedes-Benz và Porsche, đưa ra phán quyết ủng hộ cấm xe động cơ diesel hoạt động ở thành phố này.

cuoc cach mang xe dien sap xep lai thi truong kim loai [VMS 2017] Xe điện giá rẻ Chevrolet Bolt EV ra mắt thị trường Việt Nam

Mẫu xe được coi là đối thủ của Tesla Model 3, vừa được hãng xe Mỹ giới thiệu tại VMS 2017.

cuoc cach mang xe dien sap xep lai thi truong kim loai Misubishi Motors muốn phát triển sản phẩm ô tô điện tại Việt Nam

Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn Misubishi Motors có chiến lược mở rộng đầu tư vào Việt Nam cũng như phát triển các sản phẩm ...

cuoc cach mang xe dien sap xep lai thi truong kim loai Giá kẽm lên cao nhất 9 năm, giá chì tăng vọt

Giá kẽm và giá chì đang đạt đỉnh nhiều năm nhưng một chỉ báo cho thấy thị trường đang rơi vào tình trạng quá mua ...

Chánh Tài

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.