|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cửa sáng thị trường đưa đón học sinh mà GSM của ông Phạm Nhật Vượng vừa tham gia

17:01 | 15/08/2023
Chia sẻ
Đưa đón học sinh là nhu cầu tất yếu của nhiều gia đình tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực này đến nay còn bỏ ngỏ và chủ yếu thuộc về các công ty nhỏ.

Ngày 14/8, Công ty GSM thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã vận hành dịch vụ xe ôm bằng xe máy điện tại Hà Nội. Đồng thời, GSM cũng thông báo mở dịch vụ “Xanh 2 School” chuyên đưa đón học sinh, sinh viên đến trường theo giờ linh hoạt.

Gọi xe công nghệ là một lĩnh vực kinh doanh không mới tại Việt Nam và đã có nhiều công ty tham gia. Trong khi đó, dịch vụ đưa đón học sinh, sinh viên lại là một mảng có tiềm năng lớn nhưng ít được chú ý và phần nhiều đang nằm trong tay các doanh nghiệp nhỏ, lẻ.

Chị Lan Phương nhà ở Nam Từ Liêm có con nhỏ đang học lớp 4 tại một trường tiểu học tại Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ rằng nhu cầu về dịch vụ đưa đón con đi học là rất cần thiết. 

“Nhà hai vợ chồng đều đi làm ở quận khác, con học ở một quận khác. Nhà trường lại chưa có xe đưa đón. Hàng ngày tôi vẫn phải tranh thủ lúc tan làm về sớm để đón con. Do đó, nếu có dịch vụ đưa đón học sinh thì rất tiện”, chị Phương nói.

 Dịch vụ đưa đón học sinh của GSM. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tương tự chị Phương, gia đình anh Mạnh Hùng ở Hà Đông có con nhỏ đang học lớp 2 cách nhà 6km cũng nói rằng việc đón con là một vấn đề nan giải. Anh Hùng cho biết do đặc thù công việc, cả hai vợ chồng đều phải đi làm về muộn nên việc đón con đều phải nhờ hàng xóm (có con học cùng trường). Nhưng khi hàng xóm bận việc không đón giúp được thì anh phải thuê xe ôm đầu ngõ.

“Thuê xe ôm nhưng tôi không thực sự tin tưởng vì mình không biết rõ họ. Nhưng cũng không còn cách nào khác”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Hùng, chị Phương chỉ là hai trong số rất nhiều bậc phụ huynh có con đang học tiểu học, phổ thông tại Hà Nội lo lắng về vấn đề đưa đón con. Toàn thành phố Hà Nội có gần 800 trường tiểu học, trong số đó chỉ một số trường có dịch vụ đưa đón học sinh, phần đông vẫn là tự túc.

Nắm bắt được nhu cầu này, trên thị trường xuất hiện nhiều công ty cung cấp dịch vụ đưa đón con theo lịch của bố mẹ, giá dao động từ 2 tới 3 triệu đồng/tháng.

Trong đó, phụ huynh cung cấp lịch học, địa điểm học của con. Phía công ty sẽ đi khảo sát và báo giá, có thể hợp đồng theo tháng, theo quý hoặc theo tuần. Công ty cung cấp dịch vụ đưa đón trẻ đi học bằng hai hình thức xe máy và xe ô tô các loại 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ.

Hầu hết, các dịch vụ này đều dựa trên thoả thuận giữa phụ huynh học sinh và các bên cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, các công ty cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh mới chỉ dừng lại ở mức tự phát, đều là các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Do đó, việc tham gia của GSM có thể sẽ thay đổi cuộc chơi trên thị trường này. 

Mô hình các hãng gọi xe công nghệ tham gia đưa đón học sinh, sinh viên đã từng xuất hiện trên thế giới. Những hãng công nghệ như Zum, GoKart, Kango, Bubbl và HopSkipDrive (Mỹ) được mệnh danh là “Uber dành cho trẻ em”. 

Trong đó, họ kết hợp với phụ huynh cùng nhà trường để đưa đón học sinh, ngoài tuyến đường thông thường mà xe bus trường học hoạt động. Tài xế cùa những hãng gọi xe này phải được đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ em và vượt qua vòng kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt, bao gồm cả việc lấy dấu vân tay.

Phụ huynh có thể đặt xe cho trẻ thông qua ứng dụng và theo dõi các chuyến đi theo thời gian thực. Thông qua GPS và các cảm biến công ty có thể xác định được tài xế đang ở đâu và có gặp sự cố gì không.

Toàn bộ hệ thống được thiết kế để phục vụ hành khách (học sinh) không sử dụng smartphone, và có sự giám sát của nền tảng, phụ huynh cùng nhà trường.

 Trên thế giới, mô hình "Uber dành cho trẻ em" khá phát triển và thu hút các nhà đầu tư. (Ảnh:HopSkipDrive).

Doanh thu của HopSkipDrive và Zum khá cao, chủ yếu đến từ hợp đồng với các trường học. Năm 2020, HopSkipDrive là một startup 9 năm tuổi có trụ sở ở LA, Mỹ đã huy động được 22 triệu USD từ các nhà đầu tư như Upfront Ventures, FirstMark Capital và Greycroft. 

Các nhà đầu tư dường như nhìn ra cửa sáng cho lĩnh vực đưa đón trẻ em. Tháng 2/2019, Zum đã huy động được 44 triệu USD trong vòng cấp vốn Series C do BMW i Ventures dẫn đầu, các nhà đầu tư khác gồm Spark Capital, Sequoia Capital và Volvo Cars Tech Fund, nâng tổng số tiền tài trợ của công ty lên 71 triệu USD.

Tại Việt Nam, hiện các công ty gọi xe lớn như Grab, Gojek hay Be vẫn chưa tham gia vào lĩnh vực này. Hồi đầu năm nay, trả lời chúng tôi về vấn đề khai thác thị trường đưa đón học sinh, ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam cho biết đang để mắt tới cơ hội này.

“Với Grab, mọi nước đi đều rất cẩn thận và được tính toán kỹ càng trước khi chúng tôi tung ra thị trường một thứ gì đó”, ông Alejandro Osorio chia sẻ về khả năng tham gia vào lĩnh vực này.

Chúng tôi cũng đang liên hệ với phía GSM để tìm hiểu thêm chi tiết về dịch vụ đưa đón học sinh mới triển khai nhưng chưa nhận được câu trả lời.

 

Đức Huy