|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Cửa hẹp' kiếm tiền từ điện mặt trời mái nhà

11:23 | 13/12/2023
Chia sẻ
Không còn các ưu đãi về mua điện, đấu nối công tơ hai chiều, nhiều người dân nói hết mong làm giàu từ bán điện cho EVN.

Cuối năm 2020, ông Tùng (TP HCM) bỏ 50 triệu đồng mua thiết bị, tự lắp đặt 5 kWp điện mặt trời mái nhà để sử dụng và kỳ vọng bán phần công suất dư thừa cho EVN, với giá ưu đãi 8,3 cent một kWh.

Covid-19 bùng phát, cùng việc chậm trễ bổ sung giấy tờ, hệ thống của ông Tùng không kịp đấu nối, vận hành thương mại trước 30/12/2020 - thời hạn cuối để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) 20 năm, theo Quyết định 13 của Thủ tướng. Ông Tùng nằm trong số hàng nghìn hộ tại TP HCM không được ký hợp đồng, tạm dừng đấu nối từ 1/1/2021 đến nay để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.

TP HCM - một trong số địa phương phía Nam có bức xạ nhiệt tốt - phát triển 14.092 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất hơn 354,4 MW sau 2020. Lượng điện dư thừa phát lên lưới đến nay gần 901 triệu kWh, gấp ba lần sản lượng khách hàng tự sử dụng.

Bỏ lỡ thời điểm được hưởng giá FIT ưu đãi, nhưng nhiều nhà đầu tư sau đó vẫn tiếp tục làm dự án điện mặt trời mái nhà. Họ cũng không còn mong chờ kiếm thêm tiền từ bán điện dư thừa cho EVN. Ông Tùng tính toán, với 5 kWp điện mái nhà, hóa đơn tiền điện mỗi tháng giảm 70%.

"Dùng điện lưới, mỗi tháng mất 1,5-2 triệu đồng, nhưng khi dùng thêm điện mặt trời mái nhà, hóa đơn giảm còn trên dưới 500.000 đồng", ông kể.

Còn các nhà máy muốn lắp đặt để tự chủ một phần nguồn điện cho sản xuất, và đạt tiêu chí sản xuất xanh theo yêu cầu của nhà mua hàng nhờ sử dụng năng lượng tái tạo.

Dệt may là một trong các lĩnh vực bắt đầu chuyển xanh hóa sản phẩm. Nhưng các doanh nghiệp này vẫn loay hoay với đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu nhà xưởng, do chưa có cơ chế hỗ trợ rõ ràng.

"Nhà nước cần chính sách rõ ràng hơn, đi cùng giải pháp hỗ trợ thuế, vốn, chi phí lắp đặt và thủ tục thông thoáng hơn", lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may với hơn 2.000 lao động tại phía Nam, nói. Theo ông, cơ chế rõ ràng là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, xanh hóa sản xuất.

 Một hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên mái công sở tại TP HCM. (Ảnh: EVNHCM )

Ba năm qua, chính sách tiếp nối cho điện mặt trời mái nhà chưa được ban hành khiến người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thực, vẫn thấp thỏm chờ cơ chế.

Ông Tùng nói đã bỏ ý định xin chờ đấu nối vào lưới điện, bán công suất dư cho EVN. Mỗi ngày hệ thống điện mái nhà cấp 20 kWh, đủ cho nhu cầu sử dụng của gia đình 4 người. Phần thừa được ông tích qua thiết bị lưu trữ điện, sử dụng vào ban đêm.

Tương tự, hệ thống điện mặt trời mái nhà 6 kWp của anh Quang Vũ (Long Biên, Hà Nội) chủ yếu dành cho sinh hoạt gia đình. Thời điểm miền Bắc vào cao điểm hè, số giờ nắng nhiều, dàn pin này cung ứng khoảng 600 kWh mỗi tháng, nhưng gia đình chỉ dùng một nửa. Tức 50% lượng điện dư, phát lên lưới nhưng không thu được tiền bán cho EVN.

"Đây là sự lãng phí, không khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như chủ trương của cấp có thẩm quyền", anh nói.

Do tính chất phân tán, được tiêu thụ tại chỗ, điện mặt trời mái nhà giúp giảm tổn thất khâu truyền tải, phân phối. Nguồn điện này cũng được kỳ vọng giải quyết phần nào bài toán thiếu điện, nhất là tại miền Bắc vào cao điểm mùa nóng. "Cần khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, công sở", anh Vũ Song, chủ một doanh nghiệp cung cấp thiết bị tại TPHCM, nhìn nhận.

Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định về cơ chế cho điện mặt trời mái nhà tự sử dụng, Bộ Công Thương đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng không được trả tiền. Điện dư thừa cũng không được phép bán cho các tổ chức, cá nhân khác.

Đề xuất này được giới chuyên gia đánh giá sẽ hạn chế đầu tư vào nguồn điện sạch. "Khi đầu tư, ai cũng muốn thừa điện sẽ được bán và thu tiền về, nếu không sẽ kém hiệu quả. Bộ Công Thương đang chọn phương án an toàn vì đúng luật", TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhận xét.

Theo ông, các chính sách đề xuất cho điện mặt trời mái nhà đang vướng quy định tại Luật Điện lực và Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, Luật Điện lực quy định, tổ chức, cá nhân bán 1kW điện sẽ phải có giấy phép hoạt động điện lực, tức là phải đăng ký công ty, mã số thuế, báo cáo tài chính. Còn theo Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà dự kiến đạt công suất 2.600 MW vào 2030, để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện.

Từ thực tế đầu tư, sử dụng điện mái nhà hơn hai năm qua, anh Vũ Quang nói sẽ thiếu khả thi nếu áp dụng cơ chế tự dùng cho điện mặt trời mái nhà. Dẫn chứng hệ thống của gia đình, anh cho hay, lượng điện dư thừa vào mùa hè gần 270 kWh, chiếm khoảng một nửa công suất phát của dàn pin 6 kWp. "Hộ gia đình tự bỏ tiền, nhìn thấy lỗ cao thì sẽ ít đầu tư", anh chia sẻ.

TS. Ngô Đức Lâm đồng tình và cho rằng, quy định không thích hợp, cơ quan quản lý có thể đề xuất sửa đổi để phù hợp thực tế.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối tháng 7, còn hơn 1.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất gần 400 MW liên kết với lưới điện, chờ bổ sung vào quy hoạch. Số dự án này chưa được định đoạt số phận do cơ chế chưa rõ ràng.

Trong khi đó, Bộ Công Thương khuyến nghị, nhà đầu tư nên tính toán làm vừa đủ sản lượng tiêu thụ, hoặc ít hơn để không lãng phí. Bộ này cũng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng nêu tại Quy hoạch điện VIII, là chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tới đây sẽ ưu tiên tự dùng, không phát lên lưới và không bán điện vào hệ thống.

Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu lắp đặt, bán cho các tổ chức, cá nhân, có thể áp dụng cơ chế khác đang được xây dựng như mua bán điện trực tiếp, nhưng giới hạn công suất.

Nói cần khuyến khích điện mặt trời mái nhà, song ông Lâm lưu ý, chính sách đưa ra cần tránh lặp lại tình trạng phát triển ồ ạt, bùng nổ loại điện này như trước, gây áp lực lên đường dây truyền tải điện.

Phương Dung