|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Miền Bắc có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư năng lượng mặt trời từ Trung Quốc

11:18 | 05/12/2023
Chia sẻ
Trong những năm gần đây, các công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm thâm nhập thị trường Đông Nam Á và bàn đạp để tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ dễ dàng hơn.

Trong báo cáo mới đây, Savills Việt Nam cho biết nhu cầu sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt đối với khu vực phía Bắc.

Trong đó, Trina Solar – tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên với hai nhà máy đang hoạt động ổn định.

Tập đoàn này cũng đang đề xuất triển khai giai đoạn 3 của dự án nhà máy phát triển năng lượng tại Thái Nguyên với mức đầu tư dự kiến 420 triệu USD. Đây là dự án có mức đầu tư lớn nhất của tập đoàn này tại nước ngoài trong lĩnh vực quang điện.

Trong những năm gần đây, các công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam, không chỉ nhằm thâm nhập thị trường Đông Nam Á, mà còn lấy đó làm bàn đạp để tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng hơn.

Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam. (Ảnh: Savills Việt Nam)

Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng có nhiều lý do để Việt Nam và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời.

Theo đó, Việt Nam có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đi kèm lợi thế về giá đất công nghiệp cạnh tranh so với khu vực phía Nam, từ đó tạo sức hút riêng của các tỉnh trong khu vực đối với nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông John Campbell cho biết Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường.

Việt Nam cũng đồng thời sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao kèm chi phí lao động cạnh tranh.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm hấp lực đầu tư tại Việt Nam trong tương quan với các thị trường lân cận.

Quy hoạch điện VIII nêu rõ tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW. Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh. 

Trong đó, Quy hoạch ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Hoàng Anh